Hồ sơ: Những "drama" đình đám một thời trong làng võ Việt
Năm 2020, võ thuật Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt lớn khi MMA chính thức được hợp pháp hóa ở Việt Nam. Đây cũng là năm mà các bộ môn như Boxing, Muay Thai của Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Có thể nói, năm 2020 là một mốc son trong quá trình phát triển võ thuật đối kháng Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, đằng sau thành công luôn tồn tại nhiều câu chuyện khác, trong đó có cả những câu chuyện dở khóc dở cười.
1. Muay Thai có nguồn gốc từ Việt Nam?
"Quyền Thái là môn đánh chỏ gối", đó là lời nhận định quen thuộc của bất kỳ ai không thật sự trải nghiệm Muay Thái. Mọi chuyện cũng sẽ không có gì đáng nói nếu như không có một ngày, một nhà nghiên cứu nào đó cho rằng Muay Thai có nguồn gốc từ võ cổ truyền Việt Nam với lý do rất ngây thơ: Võ Việt có trước và cũng có nhiều đòn chỏ gối đa dạng.
Sức mạnh của Muay Thai đến từ các đòn đá và kỹ thuật clinch ôm ghì kiểm soát. Nhờ vào kỹ thuật clinch, đòn chỏ và gối của Muay Thai trở thành kỹ năng "tuyệt sát" của môn võ này. Trong khi đó, ở bộ môn Võ Cổ Truyền Việt Nam không hề đề cao đến việc kiểm soát clinch để dễ dàng tung chỏ gối. Tất cả chỉ là những kỹ thuật chỏ gối đơn lẻ.
Tuy sai lệch là thế nhưng bài viết này lại nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ đáng sợ của những người không chuyên. Thậm chí trên mạng xã hội cũng đã có chia sẻ những câu chuyện thực hư về võ sinh Việt đem điều này nói với các đồng nghiệp và bạn học tại Thái Lan. Đương nhiên kết cục khi đụng chạm đến niềm tự hào của một dân tộc luôn không bao giờ tốt đẹp.
Một điều trái khoáy nữa là quyền thuật Myanmar Lethwei và Muay Thái Lan cũng đang tranh làm "cha" của nhau. Tại Myanmar, mọi người đều tin rằng Muay Thai chính là hậu duệ của Lethwei thì tại Thái Lan, giới Muay lại lan truyền câu chuyện về một tù binh chiến tranh người Thái đã đánh bại toàn bộ võ sĩ Myanmar và truyền bá Muay đến đất nước này.
Campuchia với môn Kun Khmer và Việt Nam với Võ Cổ Truyền cũng đang cố gắng lao vào cuộc chơi làm "cha" Muay Thai, nhưng có vẻ họ đã bị loại khỏi vòng chiến từ lâu.
2. Flores vs võ lâm Việt Nam
Chuẩn võ sư Pierre Francois Flores là người gốc Chile, nhưng đang sinh sống tại Canada. Flores hiện đang sở hữu chu sa đai đệ tứ đẳng sau 20 năm theo học tại môn phái Vịnh Xuân Nam Anh, hay còn gọi là Việt Nam Vịnh Xuân Chính Thống phái.
Sư phụ của võ sư Pierre Francois Flores là Đại sư Nam Anh, Chưởng môn phái Nam Anh Vịnh Xuân tại Montreal, Canada. Flores từng đến Việt Nam vào năm 2009 để thách đấu một cao thủ danh xưng "Tuấn Hạc" và thất trận.
Sau đó vài năm, Flores liên tục toàn thắng trước các đối thủ như một lão võ sư đai đen, một lão võ sư nữa rồi tới một lão võ sư thấp bé nhẹ cân. Điểm chung của những đối thủ này là đều bị Flores dễ dàng đánh bại chỉ sau vài quyền.
Đến đầu năm 2018, Flores gây sốc khi công khai chấp nhận lời thách đấu của quyền vương Trương Đình Hoàng. Thế nhưng, các lý do lần lượt được đưa ra, lịch đấu liên tục bị đổi dời cho đến khi Đình Hoàng quá chán nản và phải xin hủy đấu.
Trận đấu gây bão của Flores trước võ sư Đoàn Bảo Châu. Cũng nhờ trận đấu này, Đoàn Bảo Châu được gán cho danh xưng cao thủ.
Xét cho cùng Flores là một võ sư có trình độ và có thực tài nếu so với các võ sư tự phong hay các võ sư chỉ quen "múa gậy vườn hoang". Tuy nhiên, để cư dân mạng đảo điên chỉ vì một kẻ như vậy thật không đáng, nhất là khi Việt Nam mỗi năm lại có đến 4-5 giải đấu võ thuật khác nhau, chưa kể đến các giải đấu chuyên nghiệp tư nhân.
3. MV "Yêu em là định mệnh" của Cao Thái Sơn
Tạm không bàn tán đến chất lượng chuyên môn, phối khí hay kỹ thuật thanh nhạc của Cao Thái Sơn trong ca khúc hit một thời của nam ca sĩ này. Điều khiến dân võ cảm thấy hơi "khó chịu" chính là việc đội ngũ sản xuất đã "tiết kiệm" quá mức và để cho chàng ca sĩ vóc dáng thư sinh Cao Thái Sơn phải vật vã "múa" trước bao cát thay vì thuê cascadeur đóng thế.
Vốn nổi tiếng với những bản tình ca nhẹ nhàng và những MV có phần sướt mướt, Cao Thái Sơn dường như gắn liền tên tuổi với phong cách "sến súa yêu đương". Tuy nhiên, năm 2014, Cao Thái Sơn quyết định lột xác với Boxing, hoặc là Muay Thai, hoặc là Taekwondo hay MMA gì đấy... Đại loại thế! Ca khúc "Yêu em là định mệnh" ra đời với chủ đề chính xoay quanh quá trình tập luyện và thi đấu của Cao Thái Sơn.
MV "Yêu em là định mệnh" lấy chủ đạo là boxing, nhưng lại có khóa siết, MMA, địa chiến?
Việc các ca sĩ hóa thân vào những vai diễn trong MV là một điều khá bình thường. Ngay cả ở chủ đề boxing, thế giới cũng đã có những MV như "One more night", "Believer", "Shape of you"...
Dù vậy, các MV kể trên đều cố gắng sử dụng những góc quay đặc biệt, thuê những cascadeur đóng thế hay ít nhất cũng cho ca sĩ tập luyện các bài tập dễ dàng nhất để đảm bảo tính thẩm mỹ. Đối với "Yêu em là định mệnh", những màn tập luyện khiến người xem phải "cười ra nước mắt" vì hỡi ôi, đánh đã sai mà còn quay chậm và quay cận cho rõ cái sai, cái xấu ra. Thật hết biết.
4. Đề xuất du nhập MMA bằng cách bỏ địa chiến
Những pha giã gạo và những tình huống xoay sở ở dưới sàn đã trở thành thương hiệu của MMA. Điều khiến MMA trở nên khác biệt với mọi thể thức thi đấu võ thể thao khác chính là MMA cho phép các võ sĩ được ra đòn khi đối thủ đã ngã xuống đất. Nhưng cũng vì thế, MMA bị đánh giá là tàn bạo nhất.
Trong thời gian trước, khi nhắc đến MMA, những tên tuổi gạo cội của làng võ như ông Giáp Trung Thang, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đều thừa nhận rằng MMA là một mô hình thú vị dù có phần bạo lực. Không phủ nhận độ hấp dẫn của MMA, nhưng những tên tuổi này cũng không ngần ngại cho thấy những khó khăn khi du nhập mô hình này vào Việt Nam thời gian trước.
Tuy nhiên, tách biệt hoàn toàn với số đông, một vị lãnh đạo Hiệp hội Võ thuật thế giới lúc bấy giờ lại có ý tưởng khiến người nghe muốn "độn thổ" khi thản nhiên đề xuất: "MMA muốn du nhập về Việt Nam thì nên bỏ kỹ thuật đánh nằm."
Đề xuất này chẳng khác nào việc bảo du nhập Muay Thai thì phải bỏ chỏ gối, du nhập Boxing thì phải bỏ đòn tay, hay du nhập Taekwondo thì phải bỏ đòn chân để bớt bạo lực vậy.