Xã hội không đáng sợ, thờ ơ với kiến thức tự vệ mới đáng sợ
Đó là lời nhận định của anh Hà Thanh Huy – Kiện tướng quốc gia bộ môn Pencak Silat, người sáng lập DOG Brothers Vietnam, một trong số ít phòng tập võ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào yếu tố tự vệ của võ thuật hơn là đào tạo thể thao đối kháng.
“Chúng ta không quyết định được gì cả, từ việc chúng ta sẽ bị ai cướp, ai bắt nạt, sẽ bị đánh đập hành hung ở đâu. Chúng ta không thể can thiệp được vào những thứ đó. Thứ quan trọng nhất và cũng là duy nhất chúng ta can thiệp được đó là chúng ta chọn tập luyện để trở thành một người biết tự vệ, hay trở thành một nạn nhân,” anh Hà Thanh Huy bình luận về thực trạng của vấn đề tự vệ.
Anh Hà Thanh Huy vận hành lớp võ với tư duy thú vị: "Một người đi tập võ là xã hội này bớt đi một nạn nhân và cũng bớt đi một tên tội phạm, bởi võ thuật còn rèn luyện đạo đức, tính tự cường và bảo vệ kẻ yếu"
Được thành lập trên mạng xã hội từ năm 2014 và xây dựng đội ngũ với phòng tập luyện chính thức đầu tiên từ tháng 7/2017, DOG Brothers Vietnam là một trong những đội võ “underground” thú vị nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Với tư duy bám sát thực tế và tập luyện vì mục tiêu xây dựng khả năng tự vệ cho học viên hơn là thi đấu thể thao, DOG Brothers Vietnam đặc biệt chú trọng về yếu tố tự vệ trong các môn võ thuật.
Người sáng lập DOG Brothers Vietnam – anh Hà Thanh Huy chia sẻ: “Cá nhân tôi thấy Việt Nam vẫn không phải là một xã hội nguy hiểm. Tỉ lệ các vụ cướp của, hiếp dâm, hành hung vẫn khá thấp nếu so với nhiều nước. Tuy vậy, đối với tôi bất cứ rủi ro nào, dù chỉ là một cuộc xô xát trên đường phố hay bạo hành gia đình đều là điều mà mỗi người đều phải quan tâm.
Hầu hết chúng ta đều biết hạn chế và phòng tránh nguy hiểm, từ việc hạn chế gây gổ cho đến tránh ra đường vào đêm khuya. Nhưng điều khó hiểu là rất ít người lại chuẩn bị cho việc xử lý khi bạo lực thực sự ập đến. Chúng ta chỉ mới “phòng” chứ chưa “chống” được. Tỉ lệ người tập luyện tự vệ quá thấp!”
DOG Brothers Vietnam cũng là một trong số rất ít đội võ thuật ở Việt Nam đưa các kỹ năng vũ khí vào môi trường đối kháng, đúng với câu slogan "Nhận thức phải đến từ va chạm thực sự". Bằng cách đào tạo này, DOG Brothers Vietnam sở hữu tư duy khá khác biệt trong đào tạo tự vệ
Dù đã tạo điều kiện tập luyện tự vệ cho hàng trăm người, đồng thời liên tục truyền bá tư tưởng tích cực tập luyện võ thuật thông qua hoạt động online của DOG Brothers Vietnam, anh Hà Thanh Huy vẫn cảm thấy bấy nhiêu là chưa đủ.
“Có rất nhiều góc cạnh của xã hội mà khi ta nhìn vào đó, ta có thể thấy sự tiềm ẩn nguy cơ bạo lực. Từ một đứa bé không được đến lớp võ và trở thành nạn nhân của bạo lực học đường cho tới những thanh niên chìm đắm trong game, trong các thú chơi vô bổ và hoàn toàn không thể ứng biến khi trở thành nạn nhân của trấn lột, trộm cướp. Cũng giống như vi khuẩn chỉ sinh sôi trong môi trường thích hợp, chúng ta đang tạo ra một thế hệ của những nạn nhân, vậy nên đừng trách sao tình hình bạo lực ngày càng gia tăng,” anh Hà Thanh Huy tâm niệm.
Trong một xã hội mà sự yếu ớt lại là điều kiện khuyến khích bạo lực thì chúng ta lại chọn con đường trở thành "nạn nhân tiềm năng" thay vì người có khả năng tự vệ
Tập luyện võ thuật từ bé, chàng trai sinh năm 1989 lớn lên với nghiệp VĐV thể thao đối kháng nhưng lại dành sự quan tâm đặc biệt đến khía cạnh tự vệ. “Có cả tỉ thứ để nói về võ, nhưng đáng nói nhất là sự thờ ơ của xã hội với nó. Phụ huynh có thể mua cho con cái ipad nhưng không dắt con đến lớp võ, những cô gái tập trung vào mỹ phẩm thay vì đến phòng tập. Giọt nước mắt khi đứa con bị đánh đập, khi bản thân bị cưỡng hiếp, nó đau đấy! Nhưng vô nghĩa. Chúng ta đã quên rằng học phí tập võ vẫn rẻ, nhưng cái giá của tài sản, sức khỏe, nhân phẩm hay cả tính mạng bị tổn hại khi va chạm bạo lực nó đắt đến mức nào.
Chúng ta đang biến một xã hội yên bình thành môi trường hoàn hảo cho tội phạm với những nạn nhân yếu ớt. Cuối cùng, chính chúng ta là người chịu hậu quả sau những vụ ẩu đả, trộm cướp hay mọi tình huống bạo lực khác. Tôi mong rằng người người, nhà nhà sẽ quan tâm hơn đến võ thuật, vì chính bản thân mình!"
Tạm quên những vấn đề như "tập gì để chống dao" hay "võ gì hợp để tự vệ", có thể thấy người Việt đã tự đẩy mình vào thế nạn nhân khi lãng quên giá trị của võ thuật trong đời sống. Đây là vấn đề của thói quen, của tư duy và lối sống, của một xã hội biết than khóc cho những nạn nhân, biết lên án cái xấu nhưng không loại bỏ nguy cơ để chính bản thân trở thành nạn nhân kế tiếp.
Vấn đề đau đầu ấy không thuộc về riêng bất cứ ai, bất cứ phòng tập, Liên đoàn võ thuật nào, thậm chí cũng chẳng của riêng làng võ. Nó thuộc về từng học sinh, từng phụ huynh, từng con người vẫn còn biết sợ khi một mình đi giữa hẻm vắng.