Italia và những đại gia "thi trượt" gây sốc nhất vòng loại World Cup
Italia không phải gã khổng lồ duy nhất nếm trải bị kịch ở vòng loại World Cup 2018 cũng như trong lịch sử hành trình tìm vé đến ngày hội bóng đá lớn nhất.
Thực tế chính Italia đã giẫm lại vết xe đổ của họ, ở vòng loại World Cup 1958. Tỷ số hòa 0-0 trước Thụy Điển rạng sáng nay chỉ đủ cho người Ý... ngồi nhà xem World Cup năm sau qua ti-vi.
Nhưng họ sẽ không cô đơn, bởi một ông lớn khác của châu Âu và thế giới, ĐT Hà Lan cũng phải nếm trải "vị đắng World Cup" lần này.
Nhìn lại lịch sử các chiến dịch vòng loại, nước mắt thất bại của ngay cả những ĐT từng vô địch thế giới như Anh, Pháp, Argentina, TBN hay Uruguay cũng đủ để thấy sự nghiệt ngã của bóng đá.
1. Argentina 1970
Trong quá khứ, Argentina có 4 lần không dự World Cup. Ngoài 3 lần từ chối tham gia, đội bóng xứ Tango còn có 1 lần không vượt qua nổi vòng loại vào năm 1970 khi vòng loại ở khu vực Nam Mỹ được chia làm 3 bảng đấu và Argentina chỉ phải ngồi chung mâm với Peru cùng Bolivia.
Ấy vậy mà đội bóng áo sọc xanh trắng lại chỉ có vỏn vẹn 1 chiến thắng trong 4 trận đấu và đành ngậm ngùi xếp bét bảng với 3 điểm (thời kỳ này vẫn tính 2 điểm cho 1 chiến thắng và 1 điểm cho 1 trận hòa).
Đáng chú ý, ĐT Argentina đã thay đến 4 HLV trưởng trong giai đoạn 1967-1969 và người đứng đầu LĐBĐ nước này cũng từ chức chỉ 2 tuần trước khi Albicelestes bước vào vòng loại, một chi tiết cho thấy rõ sự bất ổn trong nội bộ của đội bóng.
Và điều này cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến Argentina thất bại ở VL World Cup 1970, dù chỉ 3 năm trước đó thì họ còn về Nhì ở Copa America 1967 với dàn cầu thủ tài năng, Rafael Albrecht, Antonio Rattin và Miguel Angel Brindisi.
2. Hà Lan 1986
Không nhiều người dám nghĩ đội tuyển Hà Lan của những danh thủ như Ruud Gullit, Frank Rijkaard, Marco van Basten và Wim Kieft lại không thể giành nổi vé dự World Cup 1986 khi chỉ nằm cùng bảng với Hungary, Áo và Đảo Síp.
Thậm chí, Hà Lan còn thay đến 3 thuyền trưởng trong 6 trận vòng loại, nhưng vẫn ngậm ngùi ở nhà xem World Cup qua TV.
Sau trận thua gây sốc ngay trên sân nhà trước Hungary, LĐBĐ Hà Lan phải tức tốc mời chiến lược gia lão làng Rinus Michels trở lại cứu giá.
Tuy nhiên, tình hình vẫn không được thay đổi khi Hà Lan tiếp tục thất bại trước Áo và khi HLV Leo Beenhakker đến chữa cháy thì "Cơn lốc màu da cam" chỉ còn một tiêu khả dĩ nhất là 1 suất dự trận play-off.
Nhưng rốt cuộc thì Hà Lan cũng không thể lách qua khe cửa hẹp này khi thất bại 0-1 ở lượt đi và mất cả 2 trụ cột Marco van Basten lẫn Wim Kieft ở trận lượt về vì thẻ phạt.
Dù rất cố gắng, nhưng "đội bóng xứ hoa Tulip" cũng chỉ có thể giành chiến thắng 2-1 trên sân nhà và bị loại thua luật bàn thắng sân khách.
Video Hà Lan thua Bỉ sau 2 lượt trận play-off vòng loại World Cup 1986
Trớ trêu ở chỗ, chỉ 2 năm sau, Hà Lan lại lên ngôi vô địch EURO với nòng cốt là những cầu thủ năm ấy dưới sự dẫn dắt của HLV... Rinus Michels.
3. Pháp 1994
ĐT Pháp không được tham dự World 1990 và dừng chân ở vòng bảng EURO 1992, nhưng trận thua trước Bulgaria khi tìm vé đến Mỹ Hè 1994 vẫn là thất bại sốc nhất của "Gà trống Gaulois".
Nếu chỉ nhìn vào đội hình tuyển Pháp năm 1994, nhiều người sẽ không tin họ lại có thể dừng chân ngay ở vòng loại.
Cả Marcel Desailly, Laurent Blanc, Franck Sauzee, Jean-Pierre Papin và Eric Cantona đều ra trận cũng không thể giúp Pháp giữ lại dù chỉ 1 điểm trên sân nhà trước Bulgaria lượt đấu cuối, điều kiện để đội bóng này giành vé trực tiếp đến Mỹ.
Và nếu câu chuyện này còn chưa đủ sốc thì hãy nhớ rằng, ĐT Pháp đã mở tỷ số trước và duy trì tỷ số 1-1 cho đến tận phút thứ 90. Họ thậm chí còn có cơ hội giữ bóng khi được hưởng phạt góc trong những giây cuối cùng.
Nhưng thay vì giữ bóng chờ tiếng còi mãn cuộc, David Ginola lại tung ra một đường chuyền vô trách nhiệm đưa bóng thẳng vào chân hậu vệ đội khách. Bulgaria phản công nhanh, ghi bàn quyết định và nhấm chìm cả nước Pháp trong cơn ác mộng.
Video ĐT Pháp thất bại gây sốc trước Bulgaria vào năm 1994
4. Hà Lan 2002, 2018
Tương tự như thất bại vào năm 1986, ĐT Hà Lan cũng sở hữu hàng tấn công thuộc dạng “khủng” trên thế giới với sự góp mặt của những tên tuổi như Kluivert, Van Nistelrooy, Makaay hay Hasselbaink. Nhưng rốt cuộc “Cơn lốc màu da cam” vẫn không thắng nổi Bồ Đào Nha và đặc biệt là Ireland trong cả 4 trận vòng loại.
Thất bại gây sốc 0-1 trước Ireland ở trận lượt về chính thức đóng sập cánh cửa đến Hàn Quốc và Nhật Bản của "Lốc Da cam", dù 4 năm trước đó họ còn xếp thứ 4 tại France 98 và vào tới bán kết EURO 2000.
Video Hà Lan thất bại trước Ireland vào năm 2001
Tại chiến dịch VL World Cup lần này, Hà Lan nằm chung bảng với Thụy Điển và tuyển Pháp. Họ có 19 điểm sau 10 lượt trận, ngang với Thụy Điển và thậm chí còn hơn đối thủ về thành tích đối đầu (1-1, 2-0). Nhưng nghiệt ngã là tiêu chí bàn thắng-bại mới được ưu tiên và Hà Lan không thể hạ Thụy Điển tới... 8-0 ở lượt trận cuối để giành vé đi Nga!
Cay đắng hơn cho bóng đá Hà Lan, sau mùa Hè năm ngoái phải xem EURO qua tivi thì sang năm họ cũng phải làm điều tương tự với World Cup.
5. Anh 1974, 1978, 1994
Điều khó tin với nhà VĐTG năm 1966, ĐT quê hương của bóng đá, Anh lại "thi trượt" 2 lần liên tiếp ở các chiến dịch vòng loại World Cup 1974 và 1978.
Lần gần nhất Tam sư phải ngồi nhà xem World Cup qua tivi là USA 94, khi họ chỉ xếp thứ 3 trong bảng đấu có Na Uy và Hà Lan tại vòng loại. Ở lượt đấu cuối cùng tại VL, Anh đè bẹp San Marino đến 7-1, nhưng kết quả này trở nên vô nghĩa khi Hà Lan thắng Ba Lan 3-1 để giữ vững vị trí thứ 2.
Thất bại ở chiến dịch năm đó thật khó hình dung bởi ở Italia 90, tuyển Anh còn vào đến bán kết và xếp thứ 4 chung cuộc.
6. Italia 1958, 2018
60 năm trước Italia bất ngờ thất bại ở VL World Cup 1958 - giải đấu tổ chức tại Thụy Điển - khi đang là ĐT giàu thành tích nhất với 2 lần giành Cúp Jules Rimet. Năm đó Azzurri thắng 2 và thua 2 trận ở bảng đấu có Bắc Ireland và Bồ Đào Nha.
Giờ chính Thụy Điển ngăn cản Italia đến Nga vào Hè năm sau. Azzurri có thể than thở rằng vận đen khiến họ không thể ghi bàn ở Solna (bóng chạm xà ngang cột dọc khung thành Thụy Điển), còn đối thủ gặp may với cú sút chạm chân Chiellini đổi hướng thành bàn.
Nhưng rõ ràng khi không thể lội ngược dòng dù cách biệt chỉ là 1 bàn mong manh ở lượt về trên sân nhà, người Ý chẳng thể đổ lỗi cho ai cả!
Video Italia gục ngã trước Thụy Điển