Kỳ lạ cầu thủ cao "mét rưỡi" bị “bắt” đá trung vệ và có con đầu lòng ở tuổi… 52

thứ sáu 1-5-2020 0:54:00 +07:00 0 bình luận
Có chiều cao khiêm tốn 1,54m nhưng ông Lê Văn Thương lại được biết đến là trung vệ tài năng của bóng đá Huế. Con người, cuộc sống của ông dị đến mức, bị “bắt” cưới vợ và phải đến 52 tuổi mới có con gái đầu lòng.

Trung vệ “lùn”… dễ tính

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, chàng trai Lê Văn Thương (1943) vẫn luôn biết cách tự tạo niềm vui cho mình. Thời còn là học sinh, ông đam mê trái bóng tròn đến phát cuồng.

“Thời bấy giờ, ở các trường đều có đội bóng đá. Các trường hay tổ chức giải học sinh với nhau. Tôi mê từ nhỏ nên cứ khi nào rảnh là đi đá bóng. Đá chỉ mang tính chất cho vui, hễ ai kêu đi đá là vui rồi”, ông Thương kể lại.

Trung vệ "lùn" với khuôn mặt điển trai Lê Văn Thương.

“Đá cho vui” nhưng ông lại là người đá bóng giỏi. Thế là, nghe danh ông, đội Liên đoàn 10 công binh ở Đà Nẵng đi tuyển chọn cầu thủ khắp các khu vực lân cận biết đến rồi “đón” ông vào đội. Ông Thương đi lính nhưng nhiệm vụ của ông nằm trong đội bóng của Liên đoàn 10 công binh để đi đá giải.

Đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Thương trở về Huế. Lúc này, đội Ty (Sở) Giao thông vận tải thành lập đội bóng và xây dựng nề nếp, ông Thương đầu quân để bắt đầu cái gọi là sự “chuyên nghiệp”. Từ tự phát, ông đã có tổ chức, tập thể để chơi, tránh cảnh đá không tiền bạc, không lương, không thực phẩm.

Ông được huấn luyện bởi HLV Đoàn Thanh Lâm. Từ đây, cái tên Lê Văn Thương với biệt hiệu Thương “lùn” dần được biết đến nhiều hơn. Người đàn ông chỉ cao đúng 1m54 này nhưng kỳ lạ thay, lại được HLV kéo về đá trung vệ thòng.

Ông Thương (hàng đứng, thứ 3 từ trái sang) luôn đam mê cháy bỏng với trái bóng tròn.

“Tôi hay đá tiền vệ. Ấy vậy, khi anh Lâm về làm, anh ấy nhận thấy khả năng của tôi nên kéo về đá trung vệ thòng. HLV xếp thế nào thì tôi chơi thế đó, không ngần ngại gì cả”, ông Thương chia sẻ.

Là đồng đội với Lê Văn Thương, cựu thủ môn Nguyễn Viết Rớt luôn cảm thấy an tâm mỗi khi có đồng đội thi đấu ở phía trên. “Thời đó, hai anh Thương và Nguyễn Đình Thọ có chiều cao khiêm tốn nhưng đá trung vệ rất quái. Anh Thương giỏi trong các pha phán đoán, nhất là các quả bóng bổng, dù lùn nhưng anh thường chiến thắng ở các tình huống tranh bóng”, ông Rớt nhớ lại.

Hình ảnh hai chàng “lùn” Viết Rớt và Văn Thương ở hàng thủ để lại sự thích thú, hiếu kỳ nơi khán giả với chiều cao khiêm tốn cùng lối chơi thông minh. Ông Thương thổ lộ: “Đá trung vệ không kể cao thấp mà khả năng phán đoán điểm rơi mới quan trọng. Anh cao mà không biết cách phán đoán, lại chờ bóng thì anh dễ thua.

Tôi luôn tâm niệm, mình phải chọn vị trí, di chuyển trước họ, đón được đường bóng tới để hóa giải pha bóng; thậm chí, có nhiều pha bóng, tôi lườn qua đối thủ mới thắng pha tranh chấp. Các quả trên không, tầm vừa hay tầm sệt đều như vậy.

Ông Thương (khoanh đỏ) bên bức ảnh cùng đội Huế những năm đầu sau khi đất nước thống nhất.

Vào sân, tôi không hề bị mặc cảm với chiều cao mà luôn tự tin, đá đẹp. Tôi cũng thường xuyên tập thể lực để có thể đeo bám đối phương. Khi đá với các đồng đội, mọi người đều hiểu nhau. Hàng thủ đội thời đó toàn những người chiều cao khiêm tốn như anh Rớt, anh Thọ nên phải biết bọc lót, ra vào; đá bằng cái đầu chứ lấy thịt đè người làm sao hơn họ được”.

Ông Thương cứ ra sân là “cháy” hết mình. Những kỹ năng dần được ông trau dồi qua thời gian dẫu thi đấu ở vị trí được xem là bất lợi với chiều cao. Ông vẫn nhớ mãi trận đấu với đội Không quân Sài Gòn thời điểm trước năm 1975.

“Tôi hay bị va chạm ở đầu nhiều quá nên ảnh hưởng đến trí nhớ. Trận gặp Không quân Sài Gòn, ở tình huống tranh chấp bóng bổng, tôi đã đánh đầu giải vây rồi mà cầu thủ đội bạn lao vào rất ẩu khiến tôi nằm bất tỉnh trên sân. Sau đó, được đưa vào bệnh viện gấp, phải mấy tiếng sau mới tỉnh lại. Đến giờ, khi sờ lên đầu vẫn còn thấy sưng”, ông Thương kể.

Ông được xem là già gân khi 34 tuổi mới bắt đầu ăn tập bài bản, chuyên nghiệp. Thế nhưng, ông Thương luôn ý thức nghề. “Lúc đó chưa vợ, chưa phải lo nhiều nên chủ yếu dành thời gian để tập luyện”, ông chia sẻ. Thế là, mãi đến năm 40 tuổi, ông mới dừng lại với trái bóng tròn. Đó cũng là lúc, giật mình nhìn lại, đã 40 mùa xuân mà ông chưa có mảnh tình vắt vai nào.

Bị “bắt” cưới vợ ở tuổi 42

“Tôi mê đá bóng chứ không biết gì đến chuyện yêu đương. Cứ đá xong, tập xong là lại về nhà”, ông Thương chia sẻ. Mãi đến năm 42 tuổi, ông mới lập gia đình trong tình cảnh bị “bắt” cưới vợ.

Ông Thương, bà Như "hôn nhân trước rồi mới trải qua tình yêu" và mối tình này bền vững theo năm tháng.

“Lúc đó mẹ bảo, lấy vợ kẻo mẹ qua đời con ở với ai, ai nuôi con rồi như thế mới chiều theo mẹ để cưới vợ”. Cách ông cưới cũng thật đặc biệt. Nhớ lại như in ngày nào, bà Phạm Thị Như, vợ trung vệ “lùn” Lê Văn Thương giãi bày: “Thời đó, tôi chỉ biết anh Thương là cầu thủ ở đội Huế vì tôi có một vài người bạn ở đó.

Hai người cũng thỉnh thoảng gặp nhau, không thương thầm trộm nhớ gì cả. Anh ấy cũng không biết tán tỉnh gì. Thấy hai đứa lớn tuổi (ông Thương 42 tuổi, bà Như 35 tuổi) mà chưa lập gia đình, bố mẹ hai bên gặp nhau rồi tổ chức ăn hỏi. Thế là, số ông Thương có vợ chứ không lấy vợ”.

Bà Như bảo “cả hai đến với nhau theo kiểu hôn nhân đến trước tình yêu”. Và rồi, qua ngày tháng sống bên nhau, đôi vợ chồng già càng thương yêu. Truân chuyên dần đến với gia đình nhỏ này. Họ mãi chưa có con nhưng với bà Như “không có gì là áp lực cả, hai vợ chồng vẫn vui sống qua ngày”.

Ở tuổi 77, ông phụ vợ buôn bán quầy tạp hóa nhỏ, nuôi sống gia đình qua ngày.

10 năm sau ngày cưới “bất đắc dĩ”, niềm vui vỡ ào với đôi vợ chồng già này khi họ có con gái đầu lòng. Đó là lúc, ông Thương đã 52 tuổi còn bà Như cũng ở tuổi 45.

Cuộc sống cứ bình thản trôi qua. Sau giải nghệ, ông Thương chuyển qua làm công nhân cầu đường. Đã có tuổi, công việc vất vả nên ông phải nghỉ sớm. Sau đó, trung vệ “lùn” sống bằng nghề “thợ đụng”, đụng gì làm đó. Ở cái tuổi 77, những người tuổi như ông Thương cháu bồng, cháu bế nhưng với ông, cuộc sống vẫn trôi qua êm ả ở căn nhà nhỏ nằm nội thành Thành phố Huế cùng vợ và cô con gái mới tuổi 25.

“Mình đam mê bóng đá mà, phải chịu thôi. May mà cưới được vợ, lập gia đình nên ở tuổi 77 này cũng có tổ ấm của riêng mình để sống qua ngày”, ông Thương trút bầu tâm sự.

Ông Lê Văn Thương (sinh năm 1943), có chiều cao 1.54m nhưng lại thi đấu ở vị trí trung vệ. Ông từng thi đấu cho các đội An Định Huế, Liên đoàn 10 công binh, Ty Giao thông vận tải, Ty TDTT Huế (sau này là đội bóng đá Huế)… Ông cùng thủ môn Nguyễn Viết Rớt (1.58m) là hai cầu thủ đá bóng giỏi, có chiều cao khiêm tốn, lại thi đấu ở hàng thủ.

Trần Khánh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội