Boxing Việt Nam: Khi Liên đoàn và Bộ môn ở thế... xỏ găng lên đài (Kỳ 4)
-->> Boxing Việt Nam: Chuyện một giải đấu phải "cấp cứu" giữa giông bão (Kỳ 1)
-->> Boxing Việt Nam: Giải đấu dài chẳng giống ai với hạng cân... không tưởng (Kỳ 2)
-->> Boxing Việt Nam: Bức tranh xám và công văn xin lỗi của ông Chủ tịch (Kỳ 3)
Mời "trọng tài Tây" phá án và "màn hô biến trọng tài ta"
Cuối năm 2016, tại sự kiện Võ thuật đã ít nhiều tạo được chút tiếng vang: Giải Boxing và Võ cổ truyền tranh đai Let’s Viet 2016, đã xảy ra sự việc lùm xùm liên quan đến công tác trọng tài.
Theo đó, đa phần quan điểm đều đồng tình rằng kết quả 2 trận chung kết Boxing nữ 51 kg: Trịnh Thị Diễm Kiều (Quân đội) – Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội) và 64 kg nam giữa Nguyễn Văn Dễ (Quân đội) – Ngô Việt Nhật (Quảng Ngãi) đã bị làm sai lệch nghiêm trọng.
Tại thời điểm ấy, Thiếu tướng Võ Văn Cổ - Trưởng ban tổ chức giải Boxing và Võ cổ truyền tranh đai Let’s Viet 2016 và ông Trần Minh Tiến – Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF) đã mời trọng tài Liên đoàn quyền Anh nghiệp dư Thế giới (AIBA) người Thái Lan, Chattuchai Champahom sang Việt Nam xem lại băng ghi hình và giúp "phá án" cho Boxing Việt Nam.
Đây là việc làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thể thao Việt Nam. Và càng sốc hơn bởi sau khi mổ băng, đánh giá, trọng tài Champahom tuyên bố rằng ông sẽ chấm cho Nguyễn Thị Tâm và Ngô Việt Nhật thắng cuộc. Kết quả này... hoàn toàn trái ngược với những gì bộ phận trọng tài Boxing đưa ra tại giải trước đó.
-->> Trọng tài Thái Lan "xử án" khiến trọng tài Boxing Việt Nam "xấu hổ"
Với cương vị là Trưởng BTC giải, thiếu tướng Võ Văn Cổ khi đó đều khẳng định rằng: "Cần chấn chỉnh lại công tác trọng tài Boxing trong thời gian sắp tới. Bởi những sai lầm của trọng tài như ở giải vừa qua sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của giải đấu hay xa hơn là thành tích của boxing Việt Nam trên đấu trường quốc tế”.
Trong khi đó, Chủ tịch LĐ Boxing Việt Nam, Trần Minh Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận: "Không chỉ riêng giải Boxing và Võ cổ truyền tranh đai Let’s Viet, ở Việt Nam hiện nay, tôi cũng nghe rất nhiều giải đấu lớn khác cũng có những sự việc như thế này. Hôm nay, sau khi được chuyên gia đánh giá lại kết quả 2 trận đấu chung kết gây ầm ĩ nhất làng boxing trong thời gian gần đây, tôi nghĩ rằng phải chấn chỉnh ngay lực lượng trọng tài.
"Cuối tuần sau (18/1216), tôi sẽ tổ chức lớp huấn luyện trọng tài trong nước, nếu ai không nhìn đúng hướng hay không đủ năng lực sẽ bị loại bỏ để boxing Việt Nam ngày càng phát triển và chuyên nghiệp hơn trong thời gian sắp tới”.
Nhưng thực tế màn chỉnh đốn đội ngũ cầm cân nảy mực trên sàn đấu đã... chẳng đi đến đâu, hay nói đúng hơn là "mèo vẫn hoàn mèo". Bởi chẳng lâu sau đó, liên tiếp xảy đến những sự cố, lùm xùm tai tiếng liên quan đến công tác trọng tài ở giải trẻ toàn quốc và đặc biệt giải VĐ toàn quốc 2017.
Có lẽ, nhiều người còn nhớ "bức tâm thư" của trọng tài Vương Trọng Nghĩa, sau scandal trọng tài đổi trắng thay đen kết quả trận chung kết hạng 91kg nam ở giải vô địch quốc gia 2017 khiến tay đấm Võ Văn Quế (Quân đội) thua cay đắng Lương Văn Toản (CAND).
Trong bức thư ấy, vị tổng trọng tài của giải VĐQG 2017 từng cay đắng thừa nhận: "“Lứa trọng tài làm nhiệm vụ tại trận đấu (Giải boxing vô địch quốc gia 2017) mới được đào tạo... 4 ngày tại lớp tập huấn đầu tiên tại Quân khu 7 ba tháng trước giải đấu".
"Và cũng vì lý do thiếu người nên có 5 trọng tài lần đầu tiên được triệu tập không thông qua tập huấn là các trọng tài Bình, Huệ, Linh, Giang, Hưng...”.
Sau bức tâm ấy, ông Vương Trọng Nghĩa xin thôi hẳn việc làm nhiệm vụ tại tất cả các giải Boxing sau này. Còn vị chủ tịch VBF Trần Minh Tiến cũng phải gửi công văn xin lỗi tới Cục quân huấn. Nhưng tệ hơn cả, sau đó mọi thứ vẫn không có chiều hướng thay đổi tích cực, từ công tác trọng tài đến cung cách làm việc, điều hành, quản lý và tổ chức thi đấu của VBF.
Khi Liên đoàn và Bộ môn ở thế... xỏ găng lên đài
Kể từ năm 2017, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã chấp thuận giao cho Liên đoàn Boxing đứng ra tổ chức và lo toàn bộ kinh phí tổ chức các giải boxing quốc gia như: giải VĐQG, giải vô địch trẻ quốc gia.
Việc giao quyền như trên là cách làm rất đáng hoan nghênh, hợp với chủ trương phát triển khi thể thao Việt Nam nói chung, Boxing Việt Nam nói riêng cần phải thay đổi, phát triển và hoạt động hiệu quả theo mô hình xã hội hóa.
Theo cách làm đó, Liên đoàn Boxing (VBF) phải là đầu tàu tìm ra hướng đi cũng như nguồn lực để Boxing Việt Nam phát triển, trong khi Bộ môn Boxing là bộ phận tham mưu chiến lược, định hướng chuyên môn, cũng như truyền đạt những ý kiến đóng góp về khía cạnh quản lý nhà nước từ cấp cao hơn là Tổng cục TDTT.
Thực tế, khi VBF được thành lập vào giữa năm 2015, ông Vũ Đức Thịnh - trưởng Bộ môn Boxing của Tổng cục TDTT - đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổng thư ký của Liên đoàn. Tuy nhiên, rốt cuộc sự phối kết hợp giữa Liên đoàn và Bộ môn lại như... mặt trăng với mặt trời, bởi cách điều hành chủ quan, độc đoán, chẳng giống ai từ vị trí ông chủ tịch VBF.
Còn nhớ, giữa thời điểm giải VĐQG 2017 đang diễn ra tại Bắc Ninh, một hội thảo chuyên ngành về Boxing được tổ chức mang ý nghĩa tiếp nhận những đóng góp từ nhà quản lý, người làm chuyên môn cùng các VĐV, HLV qua đó giúp boxing Việt Nam xứng đáng với tiềm năng và cả nhu cầu phát triển.
Dù đang đảm nhiệm vị trí 1 trong 5 Phó Chủ tịch của Liên đoàn Boxing Việt Nam, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh cũng đã bức xúc lên tiếng: “Liên đoàn Boxing Việt Nam được thành lập là kết quả của chủ trương xã hội hóa TDTT, nhằm tập hợp những người yêu mến và muốn đóng góp chung cho sự phát triển của boxing Việt Nam. Đáng tiếc, 2 năm qua đã không có sự phối hợp thiện chí giữa một số lãnh đạo Liên đoàn với đại diện cơ quan quản lý nhà nước (Bộ môn boxing, Vụ thể thao thành tích cao 1 - Tổng cục TDTT) nên đã xuất hiện tình trạng chia rẽ trong Liên đoàn”.
"Định hướng, mục tiêu các nhiệm vụ của Đại hội LĐ Boxing Việt Nam nhiệm kỳ 1 chưa thực hiện được.
"Hoạt động của thường vụ Liên đoàn không thống nhất, thiếu dân chủ, thiếu công khai minh bạch trong việc tổ chức phân công nhiệm vụ trọng tài, tài chính. Chủ tịch Liên đoàn có biểu hiện chủ quan, độc đoán, thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng các thành viên Ban thường vụ và Ban chấp hành... Tôi mong tình trạng này cần phải được điều chỉnh, khắc phục càng sớm càng tốt” - ông Minh nhấn mạnh.
Được biết, tại hội thảo trên, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và các lãnh đạo Liên đoàn boxing Việt Nam đều có mặt nên nắm bắt được bản chất vấn đề, những mâu thuẫn nảy sinh từ nội tại VBF, mà từ chính những mối bất hòa trong nội bộ dẫn tới cách điều hành quản lý giải đấu dựa trên chủ ý riêng, độc đoán, nên hệ quả không thể tránh khỏi là những lùm xùm, scandal tai tiếng.
Đáng tiếc, sau hơn 3 năm việc gỡ rối nút thắt mâu thuẫn vẫn giậm chân tại chỗ và như thế việc có thêm scandal tai tiếng - VĐV Diễm Xương ăn gian tuổi thi đấu ở giải VĐ Trẻ toàn quốc 2020 vừa qua - cũng hoàn toàn dễ hiểu...
(Còn nữa)