Làm thế nào để biết được HLV của bạn có phải là một ông thầy "rởm"?
Dưới đây sẽ là những sai lầm mà các HLV giỏi sẽ không bao giờ mắc phải trong công tác huấn luyện quyền Anh.
1. Đẩy cho học trò quá nhiều kỹ thuật
Đây là sai lầm thường gặp nhất ở những lớp Quyền Anh theo kiểu "anh dạy em", "cha dạy con",...
Trong một thời gian ngắn tập luyện, HLV sẽ cố nhồi cho học trò thật nhiều kỹ thuật, thật nhiều combo mà quên rằng kỹ thuật hiệu quả là kỹ thuật ăn vào máu.
Sai lầm này cũng có thể do lý do khách quan. Những võ sinh thiếu kinh nghiệm sẽ mau chán các bài tập cũ lặp đi lặp lại và nhanh chóng đánh giá HLV của mình là "yếu kém, mau hết bài để dạy".
Thậm chí việc chạy kỹ thuật kiểu "nước rút" này còn không có hiệu quả thi đấu thực tế vì võ sinh thật sự chưa "nằm lòng" kỹ thuật để có thể thực hiện trong tích tắc. Chưa kể đến sai kỹ thuật, mất thăng bằng,...
Ngay cả những võ sĩ đẳng cấp quốc tế, kỹ thuật cơ bản vẫn phải được tập luyện và chỉ dẫn hàng ngày. Manny Pacquiao còn phải nghe lời Freddie Roach để hoàn chỉnh kỹ thuật móc số 3 mà HLV Roach gọi là "Manila Ice".
2. "Đóng rễ" khi cầm pad
Đánh pad là để mô phỏng lại gần giống với những trường hợp thi đấu nhất định và để võ sĩ có thể hiểu được ý nghĩa của từng combo, đòn đánh và kỹ thuật. Thế nhưng, nhiều HLV lại không hiểu được ý nghĩa này, khi cầm pad cho học trò đánh, họ luôn cố bắt học trò đánh càng nhiều càng tốt, thậm chí đánh chôn chân tại chỗ.
Thực tế, nếu cần chôn chân tại chỗ và vung đấm tứ lung tung, có lẽ HLV nên tìm đến bao cát thay vì cầm pad cho học trò. Đừng hiểu lầm việc HLV chôn chân một chỗ và việc HLV đang chỉnh kỹ thuật cho bạn. Cầm pad cũng là một cách tốt để luyện phản xạ và để HLV trực tiếp cảm nhận được kỹ thuật của bạn là đúng hay là sai.
Tuy nhiên nếu HLV của bạn chỉ đứng yên vị và bắt bạn tung ra nhiều combo khác nhau mà không có một sự giải thích rõ ràng về lý do và mục đích sử dụng đòn hoặc combo đó, thì rất có thể HLV của bạn đang mắc phải một sai lầm lớn về công tác huấn luyện.
Đánh pad cũng muôn hình muôn vẻ tùy thuộc vào lối đánh của võ sĩ. Tuy nhiên đánh pad là phải có di chuyển.
3. Luôn "biết tuốt"
Có rất nhiều HLV giấu dốt, sợ dốt nên đôi khi gặp những học trò cầu tiến, đặt những câu hỏi liên tục và hóc búa cho HLV của mình, họ sẽ bối rối, đôi khi cáu gắt.
HLV sẽ có nhiều cách phản ứng khác nhau đối với việc bị học trò "chiếu bí". Phản ứng đáng khen nhất của HLV đó chính là thừa nhận có những thứ mình không biết và ngay lập tức tìm hiểu giải thích cho học trò sau đó. Thế nhưng đa số HLV lại chọn cách "nói đại, nói nhăng nói cuội".
Việc thừa nhận mình không biết sẽ giúp cả người võ sinh và người HLV cùng hợp tác tìm hiểu cặn kẽ những vấn đề. Trái lại, việc nói nhăng nói cuội của HLV sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hiểu biết của học trò. Chưa bao giờ việc đưa những kiến thức sai lệch vào đầu võ sinh là điều đáng khen cả.
4. Áp dụng một khuôn giáo án cho nhiều võ sĩ khác nhau
Võ sĩ thì có muôn hình muôn vẻ, người cao, người thấp, người khỏe, người nhanh. Một phong cách thi đấu có thể hiệu quả với người cao nhưng không thích hợp với người thấp. Một HLV phải hiểu rõ đặc điểm của học trò để chế định những chiến thuật thích hợp.
Nhưng cũng có những HLV chỉ ôm nguyên xi một giáo án dạy cho mọi học viên, hết năm này qua năm khác. Sự lười biếng và đóng khuôn của những HLV như thế sẽ trực tiếp giết chết những tiềm năng trẻ ngay từ khi họ tập luyện. Nếu như những HLV huyền thoại của thế giới đều lười biếng như vậy, hẳn bạn sẽ không bao giờ trông thấy Muhammad Ali với lối đánh bay bướm, Mike Tyson với lối đánh tàn bạo đầy suy tính...