Từ GDP bình quân đầu người đến thành tích Asian Games: Việt Nam cần làm gì để đột phá?
Vị thế của SEA Games và Asian Games khác nhau như thế nào?
Trong những ngày qua, Thể thao Việt Nam trở thành mục tiêu để dư luận công kích do thành tích ở Đại hội Thể thao Châu Á Hàng Châu không được như mong đợi. Cho dù thống trị SEA Games 2 kỳ liên tiếp, Thể thao Việt Nam chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á trên bảng xếp hạng toàn đoàn của ASIAD 19, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Bên cạnh đó, ngay cả khi có thể xem như hoàn thành chỉ tiêu từ 2-5 HCV với những ngôi vô địch của bắn súng, cầu mây và karate quyền, Thể thao Việt Nam vẫn bị đánh giá không thành công do HCV cầu mây ở nội dung siêu cường Thái Lan không dự, còn HCV karate quyền ở nội dung chỉ 4 nước Đông Nam Á tranh tài (Việt Nam, Malaysia, Brunei, Campuchia).
Dư luận cho rằng Thể thao Việt Nam gây thất vọng là do vị thế ở SEA Games quá khác biệt so với thể hiện tại ASIAD. Nhưng có thực tế là tại SEA Games, Thể thao Việt Nam đang áp đảo phần nào do các đối thủ chính không còn mặn mà tranh chấp huy chương ở khu vực, mà sớm chuyển hướng ra Asian Games và Olympic. Không khó nhận ra xu thế đó, đơn cử ở môn cầu lông mấy Đại hội gần đây, Indonesia hầu như không tận dụng các tay vợt mạnh nhất đánh đơn như Anthony Ginting hoặc Jonatan Christie. Hãy nhớ lại những ngày đầu Thể thao Việt Nam hội nhập đấu trường quốc tế, lúc đó giành được huy chương vất vả tới mức nào. Nói cách khác, nếu các nước mạnh trong khu vực đến SEA Games với tâm thế dự ASIAD hoặc Olympic, Thể thao Việt Nam chưa hẳn có được vị thế như hiện nay.
Trong khi đó, Asian Games và Olympic luôn là những đấu trường đỉnh cao khốc liệt. Kiếm HCV ở các sân chơi này là khó vô cùng. Các HCV của những nước Đông Nam Á giành tại Hàng Châu chủ yếu đến từ các môn thể thao vốn được xem như thế mạnh truyền thống như bắn súng của Việt Nam; bóng rổ và nhảy sào của Philippines; cầu mây, esports và teakwondo của Thái Lan; sailing của Singapore; cử tạ và bắn súng của Indonesia hoặc squash của Malaysia. ASIAD 19 khó chơi tới mức không chỉ Việt Nam mà các nước Đông Nam Á khác cũng gây thất vọng ở những môn sở trường, điển hình như trường hợp môn cầu lông với Indonesia và Malaysia.
Thể thao Việt Nam cần làm gì để "cá vượt long môn?
Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để Thể thao Việt Nam tiếp tục đứng đầu SEA Games, song cũng thăng tiến trên bảng xếp hạng toàn đoàn tại Asian Games và Olympic? Chúng ta xưa nay thường viện dẫn lý do thiếu tiền để biện hộ cho thất bại. Nếu xét về chỉ số GDP bình quân đầu người, điều này có lẽ đúng. Trong năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 14.458 USD, xếp thứ 6 Đông Nam Á sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Nhưng trên thực tế, Thể thao Việt Nam không quá nghèo để phát triển, chẳng qua là chưa biết cách sử dụng ngân sách hiệu quả. Theo nguồn tin không chính thức, nếu kinh phí cho ngành Thể thao hàng năm khoảng 700-800 tỷ đồng (chưa kể các khoản chi dành cho trang thiết bị và cơ sở vật chất) thì phần dành cho Thể thao quần chúng chỉ tối đa 100 tỷ đồng, còn lại đều dành để phát triển Thể thao thành tích cao.
Sở dĩ với ngân sách như vậy mà Thể thao Việt Nam chỉ thành công ở SEA Games và gây thất vọng ở Asian Games với Olympic chủ yếu do đầu tư quá dàn trải và lúc nào cũng đặt chỉ tiêu phải chiến thắng. Việc cố gắng dự giải nào cũng phải vô địch đã tạo sức ép không cần thiết cho các tuyển thủ. Đồng thời với việc luôn cử những vận động viên giỏi nhất tranh tài nhằm đảm bảo vô địch, Thể thao Việt Nam vừa phá sức các chiến binh, vừa đánh mất cơ hội trải nghiệm đấu trường quốc tế của các tài năng kế thừa và đội ngũ dự bị. Ví dụ như tại SEA Games, nếu cảm thấy có những môn chỉ cần cử vận động viên số 2 hoặc số 3 tham dự là đủ đoạt HCV thì nên cân nhắc có thể cho vận động viên số 1 nghỉ ngơi hoặc đi tập huấn hay không.
Một việc cần làm ngay khác của Thể thao Việt Nam là ngưng đầu tư dàn trải. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là ngừng rót kinh phí cho những liên đoàn nào đó. Ông Mai Bá Hùng - thành viên Ban Thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam - xác nhận từng có đề án Bộ dài mấy trăm trang về vấn đề này với ý tưởng nên tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp. Cơ quan Nhà nước chỉ nên giám sát và giao ngân sách cho những liên đoàn nào mạnh, ổn định, có điều kiện... Liên đoàn nào làm tốt thì cấp thêm ngân sách, làm dở thì rút bớt ngân sách. Đây là cách làm mà người Nhật đang vận dụng khi giao quyền điều phối ngân sách cho Ủy ban Olympic, nên mọi liên đoàn đều phải cố gắng đạt hiệu quả sau 4 năm tổng kết do kinh phí được chia sẻ liên quan trực tiếp tới thành tích tại Olympic.
Quan trọng không kém là nguồn tiền của Thể thao Việt Nam nên được sử dụng như thế nào. Đến đây có lẽ cần trở lại với chủ đề đang "hot": Tại sao Thể thao Việt Nam đang dồn lực vào SEA Games mà không phải ASIAD hay Olympic? Đơn giản là do không đủ người. Thể thao Việt Nam hiện thiếu những vận động viên đẳng cấp châu Á và thế giới để gia tăng khả năng đoạt HCV ở ASIAD và Olympic. Nhưng tất nhiên, tài năng đẳng cấp như vậy đâu thể từ trên trời rơi xuống. Ông Mai Bá Hùng - thành viên Ban Thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam - gợi ý: "Cần xây dựng nền thể thao bền vững, phải lấy phong trào làm nền tảng, thể thao thành tích cao là động lực".
Như vậy, Thể thao Việt Nam cần xác định đầu tư trọng điểm cho nội dung, chứ không phải theo môn. Cụ thể hơn, Thể thao Việt Nam nên tập trung vào con người làm trọng điểm, có người nổi lên mới tập trung đầu tư. Ví dụ như điền kinh, có rất nhiều nội dung thi đấu nhưng không nên chia đều kinh phí cho tất cả. Tuy nhiên, nếu có những vận động viên nổi bật, dự báo tiềm năng đạt đẳng cấp châu Á hoặc thế giới ở các cự ly trung bình thì Liên đoàn Điền kinh có thể chủ động báo cáo và tăng kinh phí đầu tư cho mảng này. Trên thực tế, số HCV của Thể thao Việt Nam tại Asian Games lần này chưa làm hài lòng người hâm mộ, nhưng số lượng 19 huy chương đồng có thể xem như cơ sở để tích cực hướng đến tương lai. Vì trong thi đấu, chỉ cần thêm một chút may mắn, những huy chương này rất dễ đổi màu.