Top 3 điều cần lưu ý để tránh chấn thương khi tập ở nhà mùa dịch COVID-19
Trong thời gian ở nhà nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19, nhiều người đã tìm kiếm các bài tập trên internet nhằm giữ dáng hoặc duy trì thể lực. Tuy nhiên, có điều mà chẳng phải tất cả đều hiểu được: Không phải bài tập thể dục nào tại nhà cũng đều an toàn cho bạn. Hãy cẩn thận kẻo tự làm mình chấn thương!
Trên thực tế, sự kỳ diệu của YouTube và các dịch vụ phát trực tuyến khác đang đem đến cho những người có nhu cầu tập luyện tại nhà vô số chọn lựa, từ Yoga, pilates cho tới các bài tập thể hình đơn giản.
Thế nhưng, không phải bài tập nào cũng thích hợp với mọi người. Hay nói cách khác thì tùy cơ địa từng người mà chọn lựa bài tập phù hợp. Chẳng hạn gần đây có clip của kình ngư người Nga từng dự Olympic là Yuliya Efimova trong nhà bếp, quay cảnh cô đang tăng cường múi cơ bằng những động tác quạt tay như khi bơi.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu không phải trình độ cỡ Joseph Schooling hoặc có đẳng cấp dự Olympic thì đừng cố gắng bắt chước cách tập tưởng chừng đơn giản và đẹp mắt, song thật ra rất nguy hiểm này. Muốn tập ở nhà mà không có thầy riêng hướng dẫn thì nếu muốn tránh chấn thương, cần lưu ý một số chi tiết sau:
1. Cẩn thận với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội
Chấn thương dễ xảy ra nếu bạn chọn một bài tập quá chuyên sâu hoặc vượt quá trình độ / kỹ năng của bạn. Đặc biệt với những người ít vận động hoặc không tập thể dục thường xuyên, tốt nhất là đừng nên bắt đầu tập luyện với cường độ cao.
Trong khi đó, nhận thức rõ nhu cầu tìm kiếm các bài tập tại nhà gia tăng ở giai đoạn cách ly dịch COVID-19, một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang tìm cách câu view bằng những động tác ấn tượng hoặc bài tập cực khó nhằm thu hút thêm lượt xem. Những cảnh tập luyện chung của các cặp trông rất thú vị và đầy tính giải trí, song rất dễ gây chấn thương cho những người thiếu kinh nghiệm hoặc có tiền sử chấn thương.
Đặc biệt cần cảnh giác với những bài tập tạ. Số lần lặp lại động tác nhiều hơn và cách thể hiện không chính xác ở những động tác chống đẩy tưởng chừng đơn giản đều có thể dẫn tới chấn thương nếu thực hiện nhiều lần.
2. Sử dụng trang bị phù hợp
Đương nhiên, sử dụng trang bị không thích hợp chẳng có nghĩa là chắc chắn chấn thương. Tuy nhiên, sử dụng trang bị phù hợp sẽ giảm nguy cơ chấn thương hơn. Nói cách khác, người tập không thường xuyên tại nhà nên chọn vật dụng nhẹ hơn so với yêu cầu.
Nếu cảm thấy trọng lượng của dụng cụ có vẻ quá sức, bạn hoàn toàn có thể chủ động giảm bớt. Hoặc nếu không sĩ diện, bạn hoàn toàn có thể thay thế dụng cụ như không dùng tạ mà dùng chai nước suối nhằm phòng ngừa chấn thương.
3. Lưu ý nhịp tim
Một cách đơn giản để biết liệu một bài tập có quá căng thẳng hay nằm ngoài sức chịu đựng hay không là đo nhịp tim của bạn. Một quy tắc cần chú ý: Nếu bạn không khỏe, nhịp tim không nên vượt quá 155 trong một thời gian dài. Thời gian dài đó có thể tính từ 20 phút trở lên.
Một cách phán đoán dễ hiểu khác: Tình trạng quá sức sẽ thể hiện khi bạn tập luyện mà cảm thấy khó thở và không thể nói được một câu hoàn chỉnh. Khi đó, bạn nên giảm bớt khối lượng tập xuống sao cho mình có thể nói mà không phải nín thở là ổn.
Các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp cải thiện khối lượng tập đơn giản nếu bạn cảm thấy mình đang tập luyện quá dễ dàng. Ví dụ nếu bạn cảm thấy bài tập chống đẩy bây giờ quá dễ thì có thể tăng độ khó bằng cách lên xuống chậm hơn, hoặc thêm tải trọng bằng cách đeo ba lô, hoặc thay đổi góc bằng cách nghiêng một bên chân... Những điều chỉnh đó sẽ giúp tăng cường độ tập luyện mà không tăng nguy cơ chấn thương.