“Nữ hoàng chân đất” Trần Thị Soa – Cái nghèo, tấn bi kịch không đánh gục cái tâm

thứ bảy 27-3-2021 9:10:08 +07:00 0 bình luận
Cả cuộc đời trải qua nhiều tấn bi kịch nhưng với “nữ hoàng chân đất” từng tham dự Olympic 1980 Trần Thị Soa, dù phải nhổ cỏ, chùi nhà vệ sinh,… hay bất cứ công việc nào khác, cô vẫn yêu đời và giữ tâm sáng.

Một ngày giữa tháng 3, trời thành Vinh (Nghệ An) bất ngờ chuyển. Mưa to, xối xả. Gió mùa đông bắc khiến trời rét buốt. Cảm giác lạnh run người bần bật khi chuyển trời. Chúng tôi tìm đến một góc bên cạnh Sân vận động Vinh. Lần mò trong cơn giá lạnh để hỏi người dân cũng tìm đến nhà bà Soa.

Đến nhà, bà Soa xuất hiện, nhanh nhẩu chạy ra đón. Ở cái tuổi gần 70, người phụ nữ can trường ngày nào vẫn thoăn thoắt, mặc cho gió sương bên ngoài. Chỉ chiếc áo thể thao mỏng manh, bên trong căn phòng 3 gian, tường đã loan lổ, bà Soa hồi tưởng quá khứ và chiêm nghiệm cuộc sống hiện tại. 

Đã thi là gặt… Vàng

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, mẹ lại mất sớm, bà Soa (sinh năm 1953) tất tả mưu sinh ngay từ nhỏ. Năm 1972, bà đi thanh niên xung phong ở Tổng đội 40. Từ đây, người phụ nữ với thân hình rắn chắc này bén duyên với môn chạy. 

"Nữ hoàng chân đất" Trần Thị Soa vang danh thể thao Việt Nam thập niên 70 của thế kỷ XX. Ảnh: Internet

“Các sếp thấy tôi rắn rỏi, nhanh nhẹn nên cử đi chạy giải việt dã tỉnh. Lần đầu tham gia được nhất luôn rồi điều về tỉnh tập huấn, thi đấu giải toàn quốc. Năm 1973, tôi về thứ 15 toàn quốc nhưng từ năm 1974 đến 1980, tôi toàn về nhất ở ba cự ly 800m, 1.000m và 3.000m”, bà Soa kể lại.

Là nhà vô địch tuyệt đối ở các cự ly mình tham gia, Trần Thị Soa là cái tên vang danh, khiến mọi đối thủ khiếp sợ trong suốt thời gian dài. Thành quả xứng đáng cho những ngày tháng miệt mài tập luyện là tấm vé dự Olympic 1980 tại Moskva (Nga). “Vinh dự lắm, không từ nào có thể diễn ra”, bà Soa hồi tưởng với giọng hào sảng bởi “lúc đó cả nước chỉ có mấy chục người được đi mà cả tỉnh chỉ có mình tôi đi”.

Đứng trên đỉnh vinh quang với vô vàn thành tích hào nhoáng. Nhưng, đằng sau đó là cả hành trình gian truân, từ tập luyện đến cuộc sống và cả bi kịch không biết thấu cùng ai.

“Thời đó khổ lắm”, bà Soa cảm thán. “Làm gì có cơm mà ăn, ăn toàn mì hột, cũng không có thời gian để tập vì nhà nghèo lắm. Tôi chỉ ở nhà đi rú (rừng), mót (lượm) củi, lấy củi mua gạo mà ăn. Trước ngày thi đấu cũng chỉ tập vài buổi”, bà Soa kể.

Với bà Soa, cứ thi là Vàng và những bức ảnh nhuốm màu thời gian được bà nâng niu, cất giữ.

Và với người phụ nữ rắn rỏi này, bà luôn khiến mọi người nhớ đến hình ảnh của một VĐV chuyên chạy chân đất. Bà tâm sự: “Tôi đi giày là mỏi chân, mà mỏi chân là không chạy được. Thà về 10 ngón chân máu chảy nhưng tôi vẫn thích chạy chân đất, chứ giày đi được chốc lát rồi đi giữa đường vẫn phải cởi. Chỉ có 800 hay 1500m chạy bằng giày đinh trong sân là đi giày còn 3.000m là đi chân đất”.

Cứ thế, đôi bàn chân bà đỏ toát vì máu chảy. “Mỗi lần đi về là hai bàn chân chảy máu hết. Khi chạy không biết đau vì cố gắng phải về nhất. Tôi không muốn về nhì, ba gì cả. Mỗi lần chạy việt dã báo Tiền phong về là phải thở ô xy, cấp cứu”.

Bà bảo: “Tôi không sợ di chứng vì thời gian cũng lành khi đó chỉ nghĩ làm sao có thành tích đưa về tỉnh nhà. Thời gian thì cũng bóc hết lớp da, mất 10, 15 ngày là lành. Mỗi lần như thế, tôi tự ngâm, rửa nước muối rồi bôi thuốc. Thế là nó lành chứ có gì đâu. Giờ vẫn mòn, da mỏng đi rồi”.

Đến giờ sau gần 40 năm giải nghệ, khi “khoe”, hai đầu gối bị sỉ than bám, không lấy ra được vì hồi đó toàn bị ngã đường chạy có sỉ than. Lúc đó, phần thưởng chỉ là 5 lạng len hay bộ quần áo Đồng Xuân đem về cho bố mẹ nhưng “tôi mừng lắm. Ý chí, nghị lực của tôi không ai qua mặt cả”. 

Cái nghèo, cái khó không thắng nổi cái tâm

Những ngày tháng can trường trên “thao trường” hun đúc một Trần Thị Soa đầy bản lĩnh và nghị lực. Và khi đến tuổi băm, người phụ nữ đành đứt đoạn bỏ nghiệp thể thao để về quê lấy chồng. 

Bà Soa không nề hà bất cứ công việc nào, kể cả cắt cỏ, chùi nhà vệ sinh hay trông xe,... miễn sao kiếm ra tiền nuôi gia đình.

“Năm 1980, đi Olympic về, tôi giải nghệ. Có người ở Từ Sơn bảo về đi học TDTT, mà đi học về chả có ai lấy vì 30 tuổi rồi lấy chồng đâu nữa. Thế là, về lấy chồng luôn”, bà Soa tâm sự.

Thế rồi, năm 1981, bà cưới chồng khi lứa bạn đều con bồng con bế. Dòng chảy cuộc sống cuốn bà vào gian truân đời thường. “Khi lập gia đình rồi có con, mới thấm thía vất cả của cuộc sống. Lúc đó, lương cũng chỉ có 40 đồng, khổ đến mức ăn cá chỉ vàng đến nôn cả ra. Tiền không có, không có ai hỗ trợ cả mà tôi lại đẻ dày. Bốn năm đẻ ba đứa con”, bà Soa nói.

Cả gia đình 5 người phải sống cuộc sống nay đây, mai đó cả chục năm trời. Rồi cuối cùng, nhờ tạo điều kiện, bà cũng được mua miếng mất cắm dùi nhưng chỉ 10m vuông. “5 người chui rúc trong nhà đặt đúng 2 cái giường. Hai vợ chồng phải cơi nới để nấu ăn bên ngoài, có chỗ nuôi con lợn, con gà”, bà Soa cho hay.

Chiếc xe đạp gắn bó mấy mươi năm cùng cuộc đời của bà.

Cuộc sống lum lũ nên với bà Hoa, có việc làm là tốt lắm rồi. Lúc bấy giờ, bà làm tạp vụ, lao công cho đoàn bóng đá Nghệ An. “Cứ hễ có việc gì là tôi đều làm hết, từ làm cỏ, tưới sân, nhổ cỏ, miễn sao mình kiếm ra tiền là được”, bà Soa nói.

Năm tháng qua đi, cái nghèo, cái khó cứ bám riết. Thế rồi, hai vợ chồng đánh liều để xây gian nhà ba gian. “Có hai bàn tay trắng chứ không có gì cả”, bà Soa nhớ lại. “Lúc đó, ông Nguyễn Hồng Thanh cho một tấn xi măng, ông Thành Vinh cho một triệu, thời điểm đó to lắm. Nhưng tiền mình đâu ra để mua gạch, kêu thợ thầy, phải vay mượn xung quanh”, bà Soa tâm sự.

Không có tiền, hai vợ chồng không thể mua gạch, quyết định tự đóng balo. “Ngày đi làm về, tối đi nhặt gạch vỡ rồi về đập nhỏ ra, đúc balo. Cứ thế, suốt một năm trời, hai vợ chồng mới đóng đủ balo để xây nhà. Căn nhà đơn giản nên chỉ xây trong 1 tháng là xong.  Nhà lợp ngói fibro xi măng. Mùa này vào còn được còn mùa hè nóng lắm, hực lắm, kể cả lợp la phông trần vẫn nóng. Hồi trước chưa có tiền làm tôn nóng lạnh trước nhà, nắng ngoài hắt vào rát cả mặt”, bà Soa hồi tưởng.

Vừa làm việc vừa làm thêm, lao lực nhưng bà Soa vẫn chấp nhận, không một lời kêu ca. Và khi căn nhà cất xong không bao lâu, người con trai đầu của bà bạo bệnh, rồi qua đời. Bà Soa như sụp đổ. Nhưng rồi, cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Cuộc sống của bà đã bình yên sau chuỗi ngày sóng gió.

“Dù vất vả, đau khổ bao nhiêu, tôi cũng chịu đựng được hết, không kêu ca hay phàn nàn gì; kể cả khi ốm cũng tự đi bệnh viện lấy thuốc về uống”, bà Soa giãi lòng. Bà bảo: “Mình đừng nhìn xuống, đừng có nhìn lên. Có nhiều người khổ hơn mình. Mình thế này cũng được rồi. Không giàu như họ nhưng ngày đủ ăn ba bữa. Kể cả trước đây và bây giờ cũng thế, không bao giờ phàn nàn cả. Lương ngày trước 40 nghìn, làm cỏ 40 nghìn hiện nay có lương hưu, làm thêm cơ quan. Cuộc sống vẫn no đủ”.

Gian truân với bà Soa chỉ là thử thách. Gần 70 năm cuộc đời, bà luôn giữ vững ý chí. Giờ đây, hằng ngày, ngoài việc làm ở cơ quan, bà tranh thủ phụ chăm cháu, làm việc nhà. Cứ cuối tuần, bà lại về Diễn Châu, cách 50km để tụ hợp với chồng.

“Công việc chính chỉ làm lao công, quét dọn. Già tầm tuổi này có công việc vui lắm. Sáng đi quét dọn, chiều đi đánh bóng chuyền hơi, rồi về ăn cơm, đi ngủ, chăm cháu… Họ bảo nghỉ được rồi nhưng bảo còn sức còn làm, ở đây chăm cháu cho con. Làm gì làm yêu đời lắm, các ngày 8/3 hay 20/10 đều tham gia văn nghệ.

Mọi người thương lắm. Những khi đội SLNA thi đấu thắng hoặc hòa, tôi vẫn có đồng lộc. Tuy hợp đồng ngắn hạn vẫn được một nửa so với những người hợp đồng dài hạn. Những ngày lễ đều có hết. Hai đứa con đều vào biên chế cả”, bà Soa trải lòng, không một lời ca thán cho số phận với cái tâm sáng giữ vững suốt cả cuộc đời.

Căn nhà hiện tại bà Soa sống ở cạnh SVĐ Vinh vẫn chưa thuộc chủ sở hữu của bà. “Ước mong của tôi là được tạo điều kiện để mảnh đất nơi đang sống này là của mình. Nay mình còn sống nên vẫn yên ổn, chứ lo sau này, khi không còn, sợ các con không có nơi để ở”, bà Soa mong ước. 

Trần Khánh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội