4 nguyên tắc giúp "newbie" chạy trail lần đầu an toàn
So với chạy road (đường nhựa hoặc đường bê tông ở thành phố) thì chạy đường mòn (hay còn gọi là chạy trail) có sự hấp dẫn riêng. Đường chạy trail thông thường ở các vùng đồi, núi, rừng, nơi có nhiều cây xanh, hầu như không có phương tiện giao thông, không khí trong lành.
Tuy nhiên, chạy trail không đơn giản là xỏ giày ra đường là chạy như khi bạn chạy road bởi nó có nhiều yếu tố tác động đến việc chạy của bạn: thời tiết, địa hình, môi trường... Nếu là người mới nhập môn và đang chuẩn bị chạy thực tế để tập dượt cho giải Đà Lạt Ultra Trail 2019 sắp tới, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc sau để chạy trail an toàn, vui vẻ.
Muốn chạy xa thì chạy cùng nhau
Vì bạn chưa có kinh nghiệm chạy trail nên tốt nhất bạn nên rủ thêm bạn bè hoặc tham gia vào một nhóm chạy nào đó. Nếu có người có nhiều kinh nghiệm càng tốt. Khi chạy cùng với người khác, sự an toàn của bạn được đảm bảo tốt hơn so với việc bạn phải chạy một mình.
Khi chạy trail, nhiều tình huống bất ngờ xảy ra như bạn có thể gặp đối tượng nguy hiểm, động vật hoang dã (thậm chí là vắt), mưa giông hoặc lạc đường, hết nước v.v... Bạn khó có thể xoay sở nếu chỉ có một mình. Ngoài ra, những người chạy có kinh nghiệm sẽ truyền đạt cho bạn các kĩ năng cần thiết khi chạy trail, cách xử lý các tình huống trên đường chạy.
Trang bị đồ chạy trail đầy đủ
Chạy địa hình về mặt nào đó giống như một cuộc dã ngoại (trekking) hay đi bộ leo núi (hikking). Chỉ khác ở chỗ, bạn kết hợp với việc chạy ở những đoạn đường bằng phẳng hoặc có độ dốc thấp. Bạn cần phải tìm hiểu trước thông tin về khu vực bạn sẽ chạy: thời tiết thế nào, có bùn lầy hay đá lở không, bệnh dịch, các loài bò sát, côn trùng...
Có vô vàn các yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn. Hãy mang theo các đồ dùng cần thiết để bảo vệ cơ thể bạn: điện thoại, còi, đèn pin, giày chạy trail, mũ đội đầu, bình (hoặc vest) đựng nước, găng tay, quần dài hoặc tất dài che kín chân, thực phẩm dự trữ, đồ y tế cá nhân, áo mưa (hoặc áo gió), gậy...
Tập bổ trợ tránh chấn thương
Chạy trail hay chạy đường mòn đòi hỏi cơ thể của bạn khỏe tương đối toàn diện, từ bàn chân cho đến thân trên. Vì bạn chưa chạy trail bao giờ hoặc ít chạy đường mòn nên một số cơ còn yếu, ví dụ: cổ chân, đầu gối, cơ đùi, cơ trung tâm (core), vai v.v...
>> 9 phút tập luyện tăng sức bền thể lực tại nhà
Bạn có thể dễ chấn thương khi chạy trên địa hình gồ ghề bởi các cơ yếu khiến cơ thể dễ mất thăng bằng, đặc biệt là nếu bạn chạy nhanh. Bạn nên có 1 buổi tập bổ trợ (yoga, gym, đạp xe, bơi…) cho các cơ còn yếu.
Tốc độ (pace) không quan trọng
Nếu như chạy road, bạn có thể cần để ý đến tốc độ (pace) thì ở chạy trail, tốc độ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Địa hình gồ ghề, dốc và nhiều đất đá là những chướng ngại vật khiến bạn chạy chậm hơn.
Đừng nóng vội bởi chạy trail thông thường khiến bạn phải mất gấp đôi thời gian so với chạy road. Ở những buổi chạy đầu tiên, bạn nên chạy với tốc độ chậm (dựa vào nhịp tim hoặc hơi thở để cảm nhận) để thăm dò, lắng nghe cơ thể mình. Thay vì hùng hục lao vào chạy như thể bạn tập chạy tốc độ, hãy tranh thủ tận hưởng sự trong lành và vẻ đẹp xung quanh trên đường chạy.