Chàng trai Quảng Trị chạy 62km, xoay chóng mặt 156 vòng sân
Đêm 5/9/2021, tại sân vận động của Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng, Lê Quang Hòa hoàn thành thử thách chạy 62km của một với sự cổ vũ và đồng hành của những người bạn. Chàng trai Quảng Trị chạy đúng 156 vòng sân (400m/vòng) và mất gần 5 giờ cho thử thách khắc nghiệt này.
Quang Hòa hiện là VĐV tự do và đang tập huấn tại Đà Nẵng. Anh chàng sinh năm 1997 này từng là cựu tuyển thủ điền kinh trẻ Việt Nam giành HCĐ 3000m vượt chướng ngại vật tại Giải Điền kinh trẻ châu Á 2016. Hòa cũng từng tham dự Đại hội Học sinh Đông Nam Á 2014 và giành 2 HCV ở các nội dung chạy 1500m và 3000m vượt chướng ngại.
Hòa không tiếp tục theo đuổi con đường điền kinh chuyên nghiệp sau khi dính chấn thương nặng năm 2016. Anh tập trung vào việc học và trở thành sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, vừa học vừa tập chạy để tham dự các giải marathon trong nước.
Hòa chuyên tập luyện nội dung marathon (42,195km) và từng vô địch giải chạy ở Quy Nhơn, Long Biên… Năm 2020, anh cũng tham dự Giải Điền kinh Vô địch Quốc gia trên sân Mỹ Đình và tham dự nội dung chạy 5000m dưới màu áo đoàn Quảng Trị.
Hiện nay, Hòa đang có mặt tại Trung tâm thể thao Đà Nẵng để tập huấn. Và anh tham gia một thử thách chạy tiếp sức cùng 5 VĐV đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Thái Lan... Nhóm VĐV này sẽ thay nhau chạy liên tục trong 29 giờ 51 phút với số km càng nhiều càng tốt.
Cuộc chạy liên tục trong gần 30 giờ có tên The Speed Project này bắt đầu từ 18:00 ngày 4/9 và kết thúc lúc 23:00 ngày 5/9. Quang Hòa chạy trong khung giờ 15:00-20:00 ngày 5/9. Sau gần 5 giờ chạy, Hòa kết thúc quãng đường 62,5km với tốc độ trung bình 4 phút 35 giây/km (pace 4:35).
“Tôi đang tập luyện với các anh chị em VĐV trong khu Trung tâm thể thao Đà Nẵng, nơi mọi người được cách ly hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Các VĐV được xét nghiệm COVID-19 thường xuyên để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt chung và đường chạy là sân vận động bên trong trung tâm, nơi tập luyện của các VĐV tại đây… nên rất an toàn và được phép chạy.
Tính ra, tôi đã chạy 156 vòng quanh sân và chỉ chạy một chiều. Chạy trong sân vận động dĩ nhiên là không thích thú bằng chạy bên ngoài và rất dễ chán, hoặc buồn ngủ. Nhưng tôi được đội ngũ anh em pacer (người dẫn tốc) quá dễ thương và nhiệt tình chạy cùng.
Vừa chạy vừa đếm vòng giống đếm cừu lúc muốn ngủ cũng vui lắm. Mọi người cũng không nên sợ là chạy một chiều sẽ bị lệch khung xương chậu và hông nhé. Tôi đảm bảo các bài tập bổ trợ thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ này” - Hòa cho biết.
Sau khi kết thúc thử thách đặc biệt này, Lê Quang Hòa chia sẻ: “Là một VĐV chuyên chạy cự ly marathon, lần đầu tiên chinh phục cự ly ultra marathon (cự ly trên 42km), vượt qua giới hạn chạy dài nhất từ trước đến giờ. Nếu không các thầy cô, đồng đội tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng và các anh chị em ở xa theo dõi động viên, lại nhất là trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, thì tôi đã không thể bứt phá được giới hạn của bản thân và đạt mục tiêu vượt xa mong đợi như vậy”.
Trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, các cuộc chạy “dị biệt” trong những hoàn cảnh đặc biệt đã được các chân chạy Việt Nam thực hiện khá ấn tượng.
Tuần trước, một chân chạy phong trào Hà Nội đã thực hiện thử thách chạy 160km trên máy ngay tại nhà để đồng hành cùng giải chạy siêu địa hình UTMB diễn ra tại Pháp mà đáng lẽ anh đã góp mặt nếu không vướng dịch COVID-19.
Trước đó, một cô gái Việt Nam quê Lâm Đồng cũng hoàn thành cuộc chạy siêu địa hình lên đến hơn 330km tại Mỹ, kéo dài tới gần 4 ngày rưỡi...