Làm tình nguyện viên cho các giải chạy: Được gì - Mất gì?
Lần đầu làm tình… nguyện kiệt sức, chiếc áo 3 ngày bốc mùi và kỹ năng sinh tồn được khai quật
Tập tọe đi chạy từ năm 2015, đến giữa tháng 6/2017, tôi mới lần đầu đi làm tình nguyện viên một giải chạy. Đấy là khi giải chạy địa hình Tam Đảo Mountain Trail 2017 lần đầu tiên được tổ chức ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Ngày đó, chúng tôi, những runner chân ướt chân ráo biết đến chạy bộ, nhiệt tình, hăng hái làm tất cả mọi việc để phục vụ những vận động viên khác. Tôi được phân công làm nhóm trưởng CP3, điểm dừng chân khó nhất của đường đua. Phải lần mò vào địa điểm tập kết từ đêm tối, vận chuyển nhiều thùng nước, chuối và những vật dùng khác bằng… đò trên mặt nước đen ngòm của một con đập.
Làm tình nguyện viên trong rừng sâu là một trong những công việc vất vả nhất tại các giải chạy
Sáng sớm hôm đua, tôi và hai tình nguyện viên khác lọ mọ xuất phát từ lúc 4 giờ sáng để điểm tập kết CP3. Hôm trước, do trời tối, những người chở đò đã vứt đồ đạc sát mép suối, rất xa so với điểm tập kết. Chúng tôi đã phát huy hết khả năng xoay sở để đưa được đống đồ từ dưới mép suối, leo lên những con dốc cao để tập kết đúng chỗ, kịp thời phục vụ những vận động viên đầu tiên đến check-point đó.
Không thể tả hết những vất vả khi cả nhóm vất vưởng và tự xoay sở trong rừng sâu mà không có sự giúp đỡ của những thành viên ban tổ chức khác. Rồi khi kết thúc, tất cả quay ngược lại CP8 để hỗ trợ nhóm tình nguyện viên khác. Không dám để lại bất kỳ thứ gì do ban tổ chức đã phải mua, hoặc thuê… cả đội đi bộ hàng chục km ôm đồ trở lại (chiều về không thể có đò để trở đồ ngược ra). Kỷ niệm về những ngày làm tình nguyện viên đó vẫn còn trong ký ức. Tôi vẫn giữ chiếc áo mặc 3 ngày không giặt đó đến tận bây giờ…
Tình nguyện viên giờ… sướng hơn nhiều
Bây giờ, khi các giải chạy nở rộ thì dịch vụ cho những sự kiện thể thao kiểu này cũng ra đời và chuyên nghiệp dần. Làm tình nguyện viên chưa bao giờ sướng, nhưng ít ra đã đỡ khổ hơn trước. Để chuẩn bị cho một giải chạy, ban tổ chức đã khởi động các công việc từ sớm. Tuyển chọn và đào tạo tình nguyện viên cũng là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Để là một tình nguyện viên giải chạy, bạn cần có những kiến thức tối thiểu về môn này. Ví dụ, pace là gì, điện giải là gì, elite chạy thế nào, họ ăn gì, uống gì và có nhu cầu gì khi đi đua…? Các giải chạy bây giờ tuyển tình nguyện chủ yếu từ chính những chân chạy phong trào. Họ là những người đã chạy và hiểu được dân chạy cần gì?
Làm tình nguyện viên các giải chạy không hề đơn giản, với hàng trăm thứ việc không tên...
Thông thường các giải chạy sẽ tuyển tình nguyện viên từ nhiều tháng trước sự kiện. Họ chọn những chân chạy “cứng” hoặc có kinh nghiệm làm tình nguyện viên để phụ trách. Các nhóm trưởng này có vô vàn công việc để làm như cần bao nhiêu người hỗ trợ, những người này nên xếp ở vị trí nào, làm công việc gì…? Tất cả đều phải được đưa vào kế hoạch và vận hành một cách trơn tru.
Những vận động viên đi chạy giờ đã quá quen với hình ảnh những tình nguyện viên phát bib, chỉ đường, tiếp nước, đạp xe dẫn đường, trao kỷ niệm chương, chụp ảnh, dẫn tốc… và rất nhiều công việc không tên khác.
Làm tình nguyện viên giải chạy được và mất gì?
Xin thưa, “mất” thì chắc chắn là thời gian rồi. Có những tình nguyện viên cứng, làm nhóm trước các nhóm công việc thì mất cả tháng, tuần hay nhiều ngày để lê la, lo toan các công việc. Họ bỏ lại công việc, xếp tạm việc nhà ra đằng sau… để lo cho vị trí mình đảm nhận phải thật chu đáo.
Làm tình nguyện viên giải chạy chắc chắn sẽ “mất”… nhan sắc. Bạn thử tưởng tượng việc phải đứng dưới này 6-7 giờ đồng hồ tiếp nước cho vận động viên xem? Bạn còn phải bê vác đồ nặng, chăm sóc các vận động viên, thậm chí dọa nạt kiêm động viên họ nữa. Cũng hại não lắm thay.
Nhưng “Được” thì chắc chắn lại nhiều không kể.
Ban tổ chức giải chạy Ecopark Marathon 2019 làm việc tích cực trong việc đào tạo, hướng dẫn... để có đội Crew thiện nghệ nhất - Ảnh: Trí Dũng
Ví dụ gần nhất này, nếu bạn làm tình nguyện viên cho giải chạy Ecopark Marathon 2019 vào 14/4 tới đây thì bạn sẽ nhận được hàng loạt thứ hay ho. Bạn sẽ được ban tổ chức lo chỗ ăn, ở, có đồng phục, có túi đeo riêng và được trao chứng nhận... Nếu bạn làm tình nguyện viên cho EPM 2019 thì năm tới, bạn sẽ được giảm 20% phí đăng ký cho giải năm 2020…
Một số đội tình nguyện viên làm ở nhóm dẫn tốc (pacer), người chốt đoàn (sweeper), xe đạp dẫn đường (biker)… sẽ có kỷ niệm chương hoàn thành. Những vị trí này còn được phát gel để “cắn” như các vận động viên, được thiết kế trang phục riêng để trông thật nổi bật.
Làm tình nguyện viên tại Ecopark Marathon 2019 sẽ mang đến cho các bạn nhiều trải nghiệm và quyền lợi xứng đáng - Ảnh: Trí Dũng
Anh Vũ Văn Hiếu, thành viên ban tuyển chọn CREW của Ecopark Marathon 2019, cho biết: “BTC luôn xác định sẽ mang đến đội ngũ CREW tốt nhất để phục vụ các runner chu đáo nhất. Chính vì vậy, ngay từ sớm, BTC và nhóm phụ trách tình nguyện viên đã luôn cố gắng sắp xếp kế hoạch tuyển chọn, tập huấn nâng cao kỹ năng và trách nhiệm cũng như nhiệt huyết cho từng tình nguyện viên…
Mỗi nhóm tình nguyện viên sẽ mang một màu sắc đặc trưng để tạo nên ngày hội Giỗ Tổ đa màu sắc và đáng nhớ nhất…”
Hiện tại, 300 tình nguyện viên của Ecopark Marathon 2019 đang nỗ lực chuẩn bị để hoàn thành công việc của mình, phục vụ hơn 4.500 vận động viên dự giải một cách chu đáo nhất. Ngoài những tấm bằng chứng nhận, những tình nguyện viên còn được trang bị những kỹ năng tuyệt vời, phục vụ cho công việc của mình. Và trên hết, những trải nghiệm, những người bạn, những mối quan hệ tốt đẹp sau giải đấu sẽ là phần thưởng lớn nhất cho những tình nguyện viên các giải chạy.
Ecopark Marathon 2019 diễn ra vào Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, chủ nhật 14/4/2019 tại khu đô thị Ecopark (Hưng Yên). Ở ngay năm thứ hai tổ chức, EPM đã đón số lượng vận động viên ấn tượng: hơn 4.500 người, con số đông nhất trong số những giải chạy phong trào ở miền Bắc. EPM 2019 có 4 cự ly: 5km, 10km, 21km và 42km. Đặc biệt, với gần 1.000 đăng ký cự ly 42km, đây sẽ là giải chạy có số người tham dự cự ly marathon đông nhất Việt Nam từ trước đến nay. |