Olympic 2016: Vì sao giày của VĐV không có logo?
Olympic là cơ hội rất tốt để nhà tài trợ quảng bá thương hiệu thông qua VĐV. Tuy nhiên, một vài VĐV dường như lại không muốn để lộ logo nhà sản xuất trên giày của mình. Nguyên nhân từ đâu?
Tại Rio 2016, dù các thành viên đoàn thể thao Mỹ bắt buộc phải mặc đồng phục của Nike, nhà tài trợ chính thức cho cả đội tuyển, đội điền kinh của Mỹ vẫn được lựa chọn thoải mái nhãn hiệu giày cho riêng mình.
Khi đó, một số VĐV sẽ dùng vải, băng dính hoặc thậm chí cả sơn để che đi logo nhãn hiệu giày đang đi nếu đôi giày đó không thuộc sở hữu của nhà tài trợ.
Điển hình như trường hợp của VĐV 10 môn phối hợp Jeremy Taiwo. Do đặc thù môn thi đấu, Taiwo sẽ phải đi 8 đôi giày khác nhau, với mỗi đôi lại có điểm mạnh chuyên biệt.
Nhà tài trợ giày cho Taiwo là Brooks, nhưng công ty này lại không chuyên sản xuất giày cho nội dung ném lao và nhảy cao. Để thay thế, Taiwo lựa chọn những đôi giày từ Nike, Adidas và Asics.
Để không vi phạm hợp đồng tài trợ, VĐV đến từ Seattle này đã thỏa thuận với Brooks và được phép dùng băng dính hoặc vải đặc biệt để che logo của đối thủ cạnh tranh.
“Trong từng nội dung, bạn phải lựa chọn những đôi giày phù hợp để đạt được mục tiêu”, Taiwo trả lời phỏng vấn: “Bạn có thi đấu tốt hay không, phụ thuộc nhiều vào đôi giày của bạn”.
Trường hợp của Taiwo chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến một số VĐV phải che giấu nhãn hiệu giày mình sử dụng. Với VĐV chưa có hãng giày tài trợ, họ không muốn trở thành người quảng cáo miễn phí. Taiwo gọi hành động này là “không đại diện khi không quyền lợi”. Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu "ngầm" ám chỉ những VĐV chưa có đối tác và đang tìm kiếm tài trợ.
Một số khác “cải trang” cho đôi giầy vì đang trong quá trình chuyển đổi nhà tài trợ, nghĩa là họ sẽ đi đôi giày của nhà tài trợ cũ trong thời điểm chờ đợi bản hợp đồng mới với hãng sản xuất khác được hoàn tất.
Một vài người thì giống Taiwo, do “đội nhà” không làm loại giày đó. Số còn lại thì đơn giản là không thấy thích logo hoặc họa tiết trang trí của đôi giày.
Về phía các nhà tài trợ, đôi khi họ cho phép VĐV của mình dùng giày hãng khác nhưng phải che nhãn hiệu. Christian Taylor, HCV nội dung nhảy 3 bước tại Olympic 2012, ký hợp đồng với Nike năm 2015 nhưng vẫn được dùng giày Adidas ở giải VĐTG tại Bắc Kinh.
Hai VĐV nhảy xa, Mutaz Essa Barshim (Qatar) và Derek Drouin (Canada) cũng được Nike cho đi những đôi giày nhãn hiệu khác, miễn là họ che lại nhãn hiệu nhà sản xuất bằng dải băng có logo của Nike.
Tuy nhiên, đó chỉ là số ít trường hợp nhận được sự chấp thuận. Số còn lại đều ít nhiều gặp phải trục trặc với nhà tài trợ, thậm chí bị châm dứt hợp đồng.
Năm 2011, VĐV ném lao Mike Hazle nói đôi giày của Nike quá chật khiến anh bị đau và phải mượn đồng đội những chiếc giày hiệu Asics và Li Ning để thi đấu. Hazle cũng dùng một dải băng để che logo của Nike.
Mọi chuyện sẽ chẳng có vấn đề gì ở một giải đấu nhỏ cho đến khi Hazle giành chức vô địch và chụp ảnh kỷ niệm. Hazle để lộ logo của Li Ning ở đế giày chân trái.
Nike không vui, và trong lần gia hạn năm 2012, Nike đính kèm điều khoản cấm anh ký hợp đồng với công ty khác, đồng thời chỉ tài trợ 10.000 USD mà không có khoản thưởng nào thêm.
Tuy nhiên, Hazle vẫn còn may so với VĐV nhảy sào Brad Walker. Năm 2013, Nike đã hủy hợp đồng với Walker sau khi anh này dùng vải quấn quanh đôi giày và che mất logo của Nike. Walker phân trần trên Facebook rằng anh làm vậy vì “cảm thấy thoải mái hơn khi thi đấu” do đôi giày của Nike không thực sự vừa chân.
Nike chưa bao giờ giải thích lý do tại sao hợp đồng bị hủy bỏ, chỉ thông báo rằng “Walker không phù hợp với những lựa chọn của Nike về phong cách” ở thời điểm đó.
Không giống một số môn như bóng đá hay bóng rổ mà cầu thủ có lương hàng tháng, thu nhập của VĐV điền kinh chủ yếu đến từ tiền thưởng sau mỗi giải đấu và từ các nhà tài trợ, trong đó phần lớn là hợp đồng với công ty sản xuất giày.
Nhiều VĐV tin rằng hành vi cố tình che logo nhãn hiệu mình đại diện là thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng nhà tài trợ, trong khi có ý kiến cho rằng đó chỉ là việc làm bất đắc dĩ, vì chẳng ai muốn làm phật lòng những người đã bỏ tiền và cung cấp dụng cụ thi đấu cho mình.
Chủ nhân của 9 tấm HCV Olympic Carl Lewis thì đưa ra quan điểm: “Việc làm trên chỉ ra vấn đề lớn hơn: Liệu các VĐV có thực sự chuyên nghiệp khi quá phụ thuộc vào các công ty giày?”.