Tìm hướng đi cho VĐV phong trào Việt Nam dự các giải chạy siêu đường dài thế giới
Cộng động chạy phong trào Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những nhân vật có khả năng đặc biệt, chinh phục những quãng đường được coi là kỷ lục không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực. Dù chưa có một tổ chức nào đứng ra xác nhận những cuộc chạy siêu dài có khả năng là kỷ lục, nhưng các VĐV Việt Nam vẫn mong muốn có ngày được ra đấu trường quốc tế thi đấu vì màu cờ sắc áo.
Từ thành tích chạy 230km trong 24 giờ của một VĐV phong trào
Lúc 17:00 ngày 11/3/2023 tại khu vực Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), anh Nguyễn Đăng Hiếu kết thúc thử thách chạy 24 giờ liên tục của mình và chạm mốc 230km. Đây tạm được coi là “kỷ lục chạy 24 giờ dài nhất của Việt Nam”, thậm chí theo một số thống kê chưa chính thức, đây có thể là “kỷ lục Đông Nam Á”.
Theo như số liệu mà nhân vật chính tìm hiểu thì 230km có thể là số km dài nhất mà một VĐV Đông Nam Á thực hiện được trong vòng 24 giờ. Trước đây, thành tích chạy 24 giờ được coi là dài nhất của một VĐV Việt Nam đạt ngưỡng 174km do anh Cao Ngọc Hà (Cao Hà) thực hiện năm 2014.
Theo số liệu chưa chính thức, thì kỷ lục chạy 24 giờ tại một số nước Đông Nam Á hiện là: Philippines 218km, Singapore 216km, Malaysia 187km, Indonesia 187km, Thái Lan 167km…
Tuy nhiên, đây chỉ là những thông số mang tính chất tham khảo hoặc cũng chưa được một tổ chức nào công nhận chính thức. Chính vì vậy, mọi phỏng đoán vẫn chưa thể là cơ sở rõ ràng.
Cũng theo Đăng Hiếu tìm hiểu, thành tích chạy 24 giờ đạt mốc 230km của anh có thể đủ để đạt được chuẩn B vào đội tuyển chạy ultra của các quốc gia mạnh như Canada, Australia... Đây cũng là thông số tiệm cận với thành tích của các “elite” hàng đầu của Mỹ (VĐV chuyên nghiệp).
Đến mong muốn đại diện Việt Nam dự các giải ultra tầm thế giới
Quang Trần, nhà vô địch chạy 160km, 100km giải đường mòn Sa Pa, từng hoàn thành cả cuộc thi chạy Spartathlon dài 246km ở Hy Lạp năm 2019 và nhiều cuộc thi siêu đường dài khác, đã chia sẻ về hành trình chạy 230km trong 24 giờ của Nguyễn Đăng Hiếu:
“Hành trình 230km/24 giờ của anh Hiếu có thể coi là “Fastest Known Time” ở Đông Nam Á. Khi mới bắt đầu trở lại tập luyện hồi đầu tháng 1, tôi đã nói rằng anh không nên đặt mục tiêu vào các giải địa hình vì anh không phù hợp với nó. Hãy thử sức với bộ môn ultra 12 giờ-24 giờ. Nó hấp dẫn cũng không kém ultra trail. Và vì tôi thấy anh Hiếu là người thật sự phù hợp với thể loại môn này.
Và sau thời gian vài tháng tập luyện, trò chuyện cùng anh Hiếu thì tôi rút ra được những điểm chính giúp anh ấy có được thành tích khủng khiếp như vậy. Đó là: Khát khao lớn, Nghiêm túc tập luyện, Kiên định với chiến thuật, Ý chí, lì lợm, Đội ngũ hỗ trợ và thời tiết lý tưởng…
Tôi mong muốn với những nỗ lực vừa qua của anh Hiếu có thể tạo ra tiền đề về một tổ chức chạy đường dài chính thức, được Liên đoàn Điền kinh chấp thuận để có thể ra thi đấu ở những giải vô địch thế giới. Thật là điên rồ khi mà giải vô địch thế giới mà Việt Nam mình lại không có mặt chỉ vì thiếu đi một liên đoàn, trong khi thành tích có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia mạnh như Canada, Australia, Mỹ...”.
Hướng giải quyết từ Liên đoàn Điền kinh Việt Nam
Trước những mong mỏi trên từ các VĐV, webthethao.vn đã đặt câu hỏi về vấn đề này với ông Nguyễn Mạnh Hùng - phụ trách bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao - Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hộng đồng Điền kinh Đông Nam Á, thì nhận được câu trả lời:
“Hiện nay, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chưa quản lý mảng này. Nếu VĐV phong trào có nguyện vọng tham dự các giải quốc tế kiểu siêu dài thì phía liên đoàn sẽ liên hệ với phía quốc tế để đề cử họ tham dự. Việc thành lập một tổ chức kiểu liên đoàn chạy siêu đường dài, siêu địa hình mà có tư cách pháp nhân hợp lý, được ít nhất cấp Đông Nam Á rồi đến châu Á ghi nhận thì không phải muốn là được, vì muốn thành lập liên đoàn, hiệp hội thì cần tuân thủ các quy định của Bộ Nội vụ tại Nghị định 45.
Nếu các VĐV phong trào thật sự có mong muốn này thì Liên đoàn Điền kinh Việt Nam sẽ kết nối giúp trong điều kiện được cho phép”.
Đây được coi là một tín hiệu tốt cho những VĐV phong trào có mong muốn đại diện cho Việt Nam thi đấu ở những giải chạy siêu địa hình. Ngay cả khi chưa có Liên đoàn Quốc gia Chạy đường trường thì thông qua Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, các VĐV phong trào vẫn có thể đăng ký tham dự các giải chạy đường trường lớn nếu đáp ứng đủ các yêu cầu.
Sự chung tay của cộng đồng
Mặc dù đã thực hiện cuộc chạy đặc biệt trên, nhưng thành tích của anh Nguyễn Đăng Hiếu mới chỉ dừng lại ở sự công nhận mang tính chất nội bộ, tức do cá nhân VĐV này cũng như một số người bạn trong nhóm chứng kiến. Để thành tích mang tính xác thực và có độ uy tín cao, những cuộc chạy như trên cần có sự chứng kiến của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam hoặc những tổ chức có uy tín được Hiệp hội Điền kinh Thế giới công nhận giám sát việc chạy thì thành tích mới được công nhận.
Do đó, đây sẽ là trường hợp điển hình để những VĐV có ý định chuẩn bị thực hiện những thử thách tương tự tìm đến một tổ chức có uy tín để xác nhận cho thành tích của mình, hướng đến mục tiêu xa hơn là được ghi nhận và đem thành tích kiếm suất tham dự những giải đấu tầm cỡ lớn hơn.
Vấn đề trên đã nhận được sự tâm lớn của những người làm công tác tổ chức giải chạy trong nước. Ông Nguyễn Tử Anh - CEO Công ty cổ phần truyền thông Nexus (Nexus Sport Events), đơn vị tổ chức các giải chạy đường bằng, địa hình và những loại hình giải chạy kết hợp du lịch thể thao như Tà Năng Trail Challenge, Đà Lạt Music Run, Đất Mũi Cà Mau Marathon, Mekong Delta Marathon… cho biết:
“Từ trước đến nay, các nhà tổ chức giải chạy ở Việt Nam chỉ quan tâm đến vấn đề tổ chức, làm sao tạo ra một sân chơi, một giải chạy an toàn, giàu trải nghiệm… để các VĐV thi đấu, chưa chưa nghĩ đến vấn đề này.
Bản thân tôi cũng đã tổ chức nhiều giải chạy khác nhau, nhưng về lĩnh vực pháp lý để thành lập một tổ chức chính quy, đại diện cho tiếng nói của các VĐV phong trào có mong muốn ra quốc tế thi đấu dưới màu cờ sắc áo Việt Nam, thì tôi cũng chưa nắm rõ.
Tôi rất quan tâm đến vấn đề này nên thời gian tới sẽ tìm hiểu đường đi nước bước, tạo kết nối để những mong muốn trên của các VĐV phong trào có thể trở thành hiện thực”.