U50 tập bụng 6 múi, chạy marathon chỉ vì hồi nhỏ bị thầy chê còi không dạy võ
Bụng 6 múi, thân hình rắn chắc như Lý Tiểu Long, anh Xuân Phương, người tham gia giải chạy marathon Đà Nẵng, khiến nhiều bạn trẻ "mắt tròn mắt dẹt" nể phục.
Hầu như những người yêu chạy bộ đều có một lý do khác nhau để đến với chạy bộ, không hẳn vì ngay từ ban đầu họ đã thích chạy. Có người chạy đơn giản vì có người bạn lôi kéo, chạy để giảm béo, chạy vì cơ thể nhiều bệnh tật, chạy để giải tỏa căng thẳng. Đối với VĐV Trần Xuân Phương, người từng tham gia chạy giải Manulife Da Nang International Marathon ở mùa đầu tiên (năm 2013), anh chạy bộ từ khi còn nhỏ chỉ vì không được nhận vào lớp học võ.
>>> Manulife Da Nang International Marathon: Giải chạy có cung đường hấp dẫn nhất Việt Nam
>>> Bí kíp chinh phục Manulife Da Nang International Marathon 2017
>>> Run Ăn Run: Cuộc thi chạy bộ độc nhất vô nhị không thể bỏ lỡ ở Đà Nẵng
“Tất cả bắt đầu từ cách đây hơn 40 năm...Tôi là đứa trẻ ốm yếu, còi cọc nên bị gán biệt hiệu ‘Phương còi’. Lúc tôi 7 tuổi, tôi bị thày giáo dạy võ không nhận dạy khi tôi đến xin học. Ông ấy nói với cha tôi: ‘Nó quá yếu để học võ’”. Thần tượng của tôi khi đó là Lý Tiểu Long nên tôi rất muốn học võ. Không có sự lựa chọn nào khác, tôi bắt đầu chạy một mình với khát khao cháy bỏng: mình là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. 40 năm tập luyện thể thao, chạy bộ đã tạo nên hình hài tôi như ngày hôm nay”.
Đó là lời tâm sự của anh Trần Xuân Phương với Webthethao.vn khi nhớ lại những ngày đầu anh đến với chạy bộ.
Một cậu bé còi cọc 7 tuổi tự tập chạy một mình trên quãng đường 5km mỗi ngày. Không có ai chạy cùng bởi vì ở tuổi ấy, chúng bạn vẫn còn chỉ “biết ăn biết ngủ”.
“Tôi chạy từ nhà xuống đến chợ Cồn (Đà Nẵng) rồi quay về là được 5km”, anh kể. “Hồi đó, chạy bộ không thịnh hành như bây giờ. Mỗi buổi sáng sớm, khi Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh vào lúc 5 giờ 15, tôi lẳng lặng dậy và chạy. Ngày ngày, bố mẹ tôi bắc ghế trước cửa ngồi đợi tôi chạy về”.
Trong 5 chị em trong gia đình, cậu út Xuân Phương là đứa ngoan nhất, học giỏi nhất nên được bố mẹ thương mến hơn cả. Sau gần 10 năm, cậu bé còi cọc mới chạy được...nửa thành phố Đà Nẵng. Vì thích võ thuật nên cách luyện tập chạy của anh Phương cũng nhuốm mùi võ.
Vốn là người mê truyện Kim Dung, chàng thiếu niên Phương còn đeo tạ sắt vào chân để chạy. Anh đã nhờ cậu bạn làm thợ may làm túi vải đựng sắt. Tiếp đến, anh mò đến xưởng cơ khí của ba mình để tìm sắt nhét vào. Cứ thế, anh chạy với 2 chân đeo 2 túi. Mỗi túi 1kg. Lưng đeo thêm thắt lưng nặng...3kg. Không khác gì những màn khổ luyện được mô tả trong các truyện kiếm hiệp.
Một buổi chạy của anh Phương chỉ kết thúc khi hoàn thành thêm 100 cái hít xà đơn. Động tác hít xà của anh Phương cũng rất khác thường, khó tưởng tượng. Để tăng độ “ép phê”, anh đeo quả tạ 25kg móc vào chân trong khi hít xà chỉ vì sợ...lùn. Có ngày mệt quá, không hít xà nổi 100 cái, anh thay thế 20 lần hít đất (push-up) bằng 1 lần hít xà cho đủ chỉ tiêu.
“Hồi đó tôi có biết kỹ thuật chạy là gì đâu. Tôi toàn ra sân vận động học mót một số bài tập của các VĐV chuyên nghiệp”.
>>> Tiểu Phương: "Bông hồng thép" mê chạy bộ
Mười mấy năm sau ngày bị từ chối, anh Phương có dịp gặp lại người thầy dạy võ ngày xưa khi anh đang chạy bộ từ bãi biển về. Ông "suýt ngất" khi thằng bé gày gò ngày nào mà giờ thân hình vạm vỡ như... Rambo.
“Anh ấy hỏi sao tôi khác quá vậy. Tôi chỉ đáp, tại anh chê nên em phải tự tập”. Anh Phương không còn thiết tha tập võ nữa vì khi ấy bận tập...boxing ở SVĐ Chi Lăng (Đà Nẵng) do thích võ thuật tổng hợp (MMA) mà thời đó, MMA còn chưa được công nhận là môn thể thao hợp pháp.
Anh dừng tập boxing sau 2 năm để đi học Đại học. Với anh Phương, anh lúc nào cũng phải tập một môn thể thao nào đó: bóng đá, bơi, gym, đạp xe... Quá trình rèn luyện từ nhỏ giúp anh được gọi vào đội tuyển trường Bách Khoa đi thi đấu môn điền kinh nội dung 1500m.
Đến năm 20 tuổi, anh bắt đầu chạy dài hơn. Như bao thanh niên thế hệ cùng thời, anh chạy 21km với đôi giày bata đế mỏng dính chứ không phải những đôi giày có đế êm, hỗ trợ chân tốt như bây giờ.
“Tôi cảm thấy rất thích thú khi lần đầu tiên chạy ở trên quê hương cự ly 42km”, anh kể. “Mọi thứ thay đổi thật nhanh. Đến nay, nhiều CLB chạy đã ra đời, thanh niên Việt Nam có nhiều sân chơi lành mạnh hơn”.
Sau 5 năm, người Việt đã hòa nhập với môn thể thao tưởng như chỉ dành riêng cho người nước ngoài. Runner Việt tham gia các giải chạy đường dài ngày càng đông đảo. Nếu như năm 2013, số người có khả năng chạy marathon như anh Phương chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì đến bây giờ, số lượng "marathoner" không thể đếm được.
Hơn 4 thập kỷ chơi thể thao, chạy bộ phong trào một cách chuyên nghiệp, anh Phương đã tham gia gần 100 giải các loại. Bên cạnh chạy bộ, anh còn thi đấu các giải 2 môn phối hợp, 3 môn phối hợp, giải đua vượt chướng ngại vật…
“Có năm tôi đi thi đấu cả chục giải. Bên Singapore mỗi tuần có hơn 1 giải thể thao nên có thể thi đấu quanh năm", anh cho biết.
Với anh Phương, chơi thể thao bây giờ không còn để hết còi nữa (anh cao 1m69) mà là để...ăn được nhiều hơn đồng thời duy trì được cơ thể cường tráng, dẻo dai ở tuổi trung niên. Tại Manulife Da Nang International Marathon diễn ra cuối tuần này, anh sẽ tham gia cự ly 21km. "Tôi không đặt mục tiêu cụ thể nào mà muốn thử một kiểu chạy mới", runner gạo cội chia sẻ.
Hiện tại, anh Phương vẫn tập "xoay tua" đều đặn các môn thể thao: xe đạp, yoga, chạy bộ, tập core hàng ngày. Niềm đam mê, sự bền bỉ của VĐV U50 này luôn là nguồn cảm hứng để bạn bè của anh có thêm động lực chơi thể thao say mê hơn.