Thiết bị đeo công nghệ có thực sự nhàm chán?
Theo thống kê của Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Gartner, 30% người dùng đã “chia tay” các thiết bị công nghệ đeo chỉ sau 6 tháng sở hữu. Bên cạnh đó, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến cho các thiết bị đeo bị người sử dụng thờ ơ sau một thời gian ngắn chính là việc các sản phẩm này thường thiếu tính ứng dụng và nhàm chán.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, sự nhàm chán không hẳn đến từ các thiết bị, mà do bản thân người dùng có thể chưa biết cách làm chúng trở nên thú vị và hữu ích hơn. Theo đó, các nhà nghiên cứu tại trường ĐH Penn Medicine và Tập đoàn Deloitte Consulting triển khai công trình nghiên cứu có tên STEP UP, với mục đích sử dụng các thiết bị đeo một cách thú vị hơn, đó là: Cạnh tranh với nhau!.
Trong vòng 6 tháng, khoảng 600 nhân viên trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì của Deloitte Consulting đến từ 40 bang trên khắp nước Mỹ đã tham gia một chương trình hoạt động đặc biệt do ĐH Penn Medicine tổ chức. Những người này được chia thành 4 nhóm, trong đó nhóm 1 chỉ tập trung vào việc cải thiện thành tích cá nhân thông qua việc sử dụng thiết bị đeo. Trong khi đó, 3 nhóm còn lại được hướng dẫn sử dụng các thiết bị đeo theo những cách khác nhau.
Cụ thể, những người ở nhóm 2 được một “nhà tài trợ” khuyến khích sử dụng các thiết bị đeo. Nhóm 3 thì có tính đồng đội cao hơn khi các nhóm 3 người sẽ tập luyện cùng nhau để đạt được nhiểu điểm hơn trên các thiết bị đeo. Trong khi đó, nhóm 4 là nơi cạnh tranh nhất khi các nhóm 3 người cạnh tranh với nhau đề xem nhóm nào đạt được điểm số cao hơn.
Sau 6 tháng, những người ở nhóm 4 cho thấy sự tiến bộ vượt bậc ở từng thành viên. Kết quả cho thấy, thành tích của nhóm 4 nhiều hơn nhóm 1 tới… 920 bước, thậm chí còn tốt hơn cả nhóm 2 và nhóm 3.
Sự biến chuyển tích cực của các thành viên trong nhóm 4 còn được nhận ra ngay ở 3 tháng đấu tiên. Ấn tượng hơn, ngay cả khi chương trình hoạt động đã kết thúc, những người trong nhóm 4 vẫn tập luyện đều đặn hàng ngày với thiết bị đeo, cùng thành tích 600 bước chạy nhiều hơn các thành viên ở nhóm 1, trong khi 2 nhóm còn lại đều cho thấy sự suy giảm về thành tích một cách rõ rệt.
“Điều này cho thấy nếu sử dụng các thiết bị đeo công nghệ với một thái độ tích cực và cạnh tranh hơn, bạn có thể nhận thấy sự hiệu quả tăng lên đang kể”, ông Mitesh Patel, trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời là người đứng đầu khoa Tâm lý học của ĐH Penn Medicine khẳng định.
Ông Mitesh cũng cho biết thêm, ngoài tính cạnh tranh cao, một số yếu tố khác giúp cho các thành viên ở nhóm 4 đạt được hiệu quả cao nhất chính là việc họ tự lựa chọn mục tiêu của mình trên thiết bị đeo thay vì một mục tiêu nào có sẵn nào đó. Thậm chí, nếu như làm mất điểm, họ có thể không đạt được mục tiêu đã đề ra. Chính điều này đã mang tới động lực cho người dùng, từ đó xây dựng hoạt động thể chất trở thành một thói quen ngay cả khi chương trình khép lại.