LAN events và vai trò to lớn trong sự phát triển của Esports
Nhiều năm trở lại đây, Esports đã không còn dừng lại là những trò chơi giải trí đơn thuần mà đang dần được công nhận là môn thể thao thực sự. Những bước tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian qua đã biến Esports đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của mình, trở thành ngành công nghiệp tỷ đô, được nhiều quốc gia đón nhận.
Tuy nhiên, Esports vẫn là ngành công nghiệp còn khá non trẻ với nhiều tiềm năng phát triển. Chúng ta cũng không thể đặt ra chuẩn mực cho các giải đấu, hay các sự kiện Esports, nhưng chính những sự kiện này đã đóng vai trò to lớn cho sự phát triển của những bộ môn Esports. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các tựa game lớn như LMHT, Dota 2, PUBG hay CS:GO đều cố gắng tổ chức các sự kiện offline lớn, hay còn gọi là LAN events.
Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vẫn đang tranh luận về việc có nên đưa Esports vào danh sách thi đấu chính thức hay không. Tuy nhiên, các tựa game không thực sự cần đến sự công nhận này để thu hút lượng khán giả khổng lồ và khiến người hâm mộ kinh ngạc với tổng giải thưởng hàng triệu đồng. Các sự kiện offline lớn như Chung Kết Thế Giới (LMHT), The International (Dota 2) hay Major (CS:GO) vẫn thu hút một lượng lớn người xem, thậm chí còn lớn hơn cả những giải đấu của các môn thể thao chính thống.
Theo thống kê từ Statista khán giả Esports đã tăng từ 193 triệu người vào năm 2019 lên 223 triệu người vào năm 2020 và dự kiến sẽ có thêm 70 triệu người vào năm 2023. Và các con số này chỉ bao gồm những người đam mê thể thao điện tử trong khi những thi thoảng người xem và theo theo dõi lĩnh vực này sẽ thêm vài trăm triệu người vào con số đó.
Sau đây là các thể loại LAN Events - các sự kiện offline mà chúng ta vẫn được thưởng thức mỗi năm:
Giải vô địch thế giới (The International Dota , CKTG LMHT, Major CS:GO...)
Đây là những sự kiện hàng đầu của Esports, và cũng là những viên kim cương đối với ngành công nghiệp Thể thao điện tử. Đối với các tuyển thủ, đây sẽ là dịp để họ được cọ xát với những đối thủ hàng đầu thế giới hay thậm chí là cơ hội để đổi đời. Còn với các fan hâm mộ, họ sẽ được chứng kiến những trận đấu đỉnh cao từ những đội tuyển đẳng cấp nhất, thậm chí là được tận mắt nhìn thấy các thần tượng trên sân khấu lớn. Những sự kiện LAN này cũng thường đi kèm một vài sự kiện trong game, giúp người chơi nhận được nhiều phần quà giá trị.
Còn đối với ngành công nghiệp Thể thao điện tử và đối với nhà phát hành, đây là dịp để họ quảng bá tựa game của mình với cả thế giới, qua đó thu hút những nhãn hàng tài trợ và những nhà đầu tư lớn. Các đội tuyển cũng sẽ nhận được những ưu đãi to lớn khi tham dự các sự kiện lớn này.
Vì quy mô to lớn và chất lượng cao, các sự kiện lớn này sẽ chỉ diễn ra khoảng 1-2 lần trong năm, và trở thành thước đo chuẩn mực nhất cho sự phát triển của tựa game này trong thế giới Esports.
LAN Party
Được hòa mình cùng cộng đồng game thủ PC, tham gia vào một LAN Party mang lại cho bạn những trải nghiệm vô cùng thú vị, cả khi chơi game hay những lúc giao lưu kết bạn cùng người mới. Một LAN Party tầm cỡ có thể thu hút sự có mặt của hơn 10.000 game thủ với nhiều game thi đấu khác nhau. LAN Party là cuộc đấu game trực tuyến thông qua mạng nội bộ (hay còn gọi là mạng LAN), với kết cấu hoàn toàn khác với hình thức Internet Café hay các festival về game, người tham gia sẽ mang theo PC cùng những phụ kiện mà họ vẫn hay sử dụng tại nhà đến với LAN Party.
Khái niệm LAN Party lâu nay đã trở thành quá quen thuộc trong nền văn hóa chơi game các nước phương Tây, tuy nhiên tại Việt Nam, LAN Party còn khá mới mẻ và chưa từng được tổ chức theo đúng cách của nó. Ngoài các giải đấu lớn được tổ chức như WCG, game thủ không chuyên Việt Nam thường ít có cơ hội được cọ xát, giao lưu với nhau.
Nhờ mặt bằng phần cứng khá và tốc độ đường truyền Internet ngày càng được cải thiện và phát triển, cộng đồng gamer Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức các sự kiện LAN Party tầm cỡ quốc gia, với mục đích giao hữu, vui chơi và học hỏi lẫn nhau. Còn nếu muốn lên chuyên, LAN Party là một bước đệm vô cùng quan trọng trên hành trình của game thủ nước nhà, vừa để phát hiện những tài năng tiềm ẩn, vừa là một sân chơi đa dạng để tôi luyện bản thân.
Hội chợ thương mại, triển lãm game
Thông qua những sự kiện này, các công ty phát triển game sẽ có cơ hội trình bày cũng như thu hút sự chú ý của các nhà chuyên môn hay các game thủ hàng đầu thế giới về các dự án mà họ đã ấp ủ cả năm trời. Đó có thể là những tựa game đỉnh cao, máy chơi game, các thiết bị công nghệ hỗ trợ chơi game...
Trái ngược với các giải đấu, các hội chợ thương mại sẽ hướng tới sự giao lưu giữa các người chơi cũng như giữa người chơi và nhà phát hành. Đôi khi, các hội chợ thương mại và triển lãm game được tổ chức song song với các hội nghị game và các giải đấu. Mô hình này từng được áp dụng hết sức thành công tại World Cyber Games.
Thông qua các hội nghị, những người làm games sẽ cùng nhau thảo luận về những vấn đề chủ yếu xoay quanh về hiện tại và tương lai của Esports cũng như những tác động mang tính văn hóa của nó lên sự phát triển của xã hội, đồng thời vẽ ra phương hướng để thể thao điện tử tiếp tục phát triển vững mạnh trong tương lai.
Đáng tiếc là do bối cảnh của dịch COVID-19, trong một vài năm qua, các hội chợ thương mại, triển lãm game hay các hội nghị buộc phải chuyển đổi từ tổ chức offline sang online.
Những sự kiện giao lưu
HomeStory Cup (HSC) là giải đấu được tổ chức bởi Dennis “TaKe” Gehlen, một game thủ kì cựu của Starcraft. TaKe bắt đầu tổ chức giải đấu như một sinh hoạt thường niên với cộng đồng game thủ SC toàn cầu bằng việc mời các pro khắp nơi trên thế giới quy tụ về Studio của anh để tham gia tranh tài. Game thủ đến đây phần lớn là để trao đổi tinh thần và tham gia các hoạt động tranh tài giải trí nên cũng không thể thiếu được những phút ngẫu hứng để đời.
Cũng giống như HomeStory, All Star (Siêu Sao Đại Chiến) của tựa game LMHT là nơi tụ họp của những ngôi sao hàng đầu, nhưng với mục đích là những cuộc tranh tài vui vẻ, không mang tính thắng thua. Những sự kiện giao lưu này cũng là nơi mà người hâm mộ có nhiều cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với những tuyển thủ yêu thích.
Đôi khi, các đội Esports cũng sẽ tổ chức những sự kiện giao lưu với các fan hâm mộ nhằm mục đích quảng bá cho đội cũng như nhà tài trợ. Nhìn chung, những sự kiện giao lưu chính là nơi kết nối những fan hâm mộ, và cũng là dịp để NPH, hay các tổ chức Esports xây dựng cộng đồng.