Vì sao World Cyber Games, giải Esports lớn nhất một thời bị khai tử?

thứ hai 15-11-2021 17:00:00 +07:00 0 bình luận
World Cyber Games từng được xem như sự kiện Esports số một hành tinh, nhưng đến hiện tại, WCG chỉ còn là niềm nuối tiếc trong lòng những người hâm mộ.

World Cyber Games (WCG) là một sự kiện Esports mang tầm cỡ thế giới được điều hành bởi công ty World Cyber Games Inc (Hàn Quốc) dưới sự tài trợ của Samsung và Microsoft. Kỳ WCG đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 với sự tham dự của 174 vận động viên đến từ 17 quốc gia, được đánh giá cột mốc khởi đầu quan trọng, đánh dấu bước nhảy vọt lớn trong lịch sử phát triển của Thể thao điện tử.

World Cyber Games đã mở ra kỷ nguyên phát triển mới của Esports

Olympic của Thể thao điện tử

Nhắc đến WCG, những game thủ kì cựu của thế hệ 8x 9x không thể không biết đến giải đấu này. Đây có thể được coi là sự kiện Olympics của làng Esports vào thời điểm các bộ môn thể thao điện tử không được nhiều sự quan tâm, đồng thời các giải đấu riêng của từng game không có được quy mô hoành tránh. Việc được góp mặt trong WCG như 1 giấc mơ với hàng triệu game thủ trên thế giới bởi tầm ảnh hưởng của các tên WCG là quá lớn.

Những năm 2000, WCG là lễ hội trò chơi điện tử lớn nhất trong năm với khoảng 700 VĐV đến từ hơn 70 quốc gia cùng hơn một triệu lượt khách đến với lễ hội mỗi năm. WCG quy tụ các game thủ từ khắp nơi trên thế giới để cùng nhau xây dựng và trải nghiệm môi trường trò chơi điện tử. Mỗi quốc gia tham dự sẽ tổ chức các vòng thi đấu dự bị để chọn ra các game thủ tốt nhất của mình tham gia sự kiện, và các game thủ hàng đầu trên toàn thế giới sẽ cùng tranh tài để tìm ra những người xuất sắc nhất.

WCG cũng được coi là một cuộc hội thảo về công nghiệp trò chơi điện tử, nơi lôi kéo những công ty hàng đầu về lĩnh vực trò chơi điện tử và những chuyên gia công nghệ. Tại đây, những vấn đề chính chủ yếu xoay quanh về hiện tại và tương lai của Esports cũng như những tác động mang tính văn hóa của nó lên sự phát triển của xã hội.

World Cyber Games: Sự kiện Olympic của Thể thao điện tử

Sau thành công của lần tổ chức đầu tiên vào năm 2000, các kỳ đại hội sau đó được diễn ra đều đặn và trở thành một sự kiện thường niên.WCG 2013 là lần cuối cùng giải đấu được tổ chức, khép lại 14 năm lịch sử vàng son của giải đấu huyền thoại trong lịch sử Esports thế giới.

Sự kết thúc của World Cyber Games

Tháng 2/2014, World Cyber Games đã gửi một thông cáo tới các đối tác nhằm thông báo World Cyber Games buộc phải dừng tổ chức kể từ năm 2014. Thông cáo được viết bởi Brad Lee, lãnh đạo Ủy ban tổ chức World Cyber Games với nội dung như sau:

"Năm nay, World Cyber Games Inc sẽ không tổ chức giải đấu và sự kiện, bao gồm cả vòng chung kết World Cyber Games thế giới...

Đây là một tin tức gây sốc đến các bạn, chúng tôi biết, toàn bộ nhân viên của WCG cũng rất ngạc nhiên. Trong 14 năm qua, tất cả các bạn đã làm những gì tốt nhất khiến WCG trở thành sự kiện tuyệt vời nhất trên thế giới.

Có rất nhiều khoảnh khắc tuyệt vời dựa trên những sự cống hiến của các bạn. Mặc dù thương hiệu WCG đã biến mất nhưng tinh thần WCG sẽ vẫn mãi ở trong trái tim của mỗi game thủ và người hâm mộ.

Khoảnh khắc này rất khó khăn và đau đớn với tôi. Tuy nhiên, tôi phải nói lời tạm biệt với WCG. Tôi đánh giá rất cao niềm đam mê và sự nhiệt tình của các bạn trong 14 năm qua. Tôi hi vọng công ty các bạn sẽ phát triển, thịnh vượng và chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau."

Sự kết thúc của World Cyber Games đã được báo trước nhưng nhiều người vẫn không khỏi cảm thấy nuối tiếc khi chứng kiến của sự sụp đổ của giải đấu lớn nhất của Esports một thời, góp công lớn cho sự phát triển của thể thao điện tử thế giới. 

World Cyber Games sụp đổ sau 14 năm

Năm 2018 và 2019, World Cyber Games đã quay trở lại nhưng không còn nhận được sự quan tâm đông đảo của người hâm mộ. Sau năm 2019, WCG một lần nữa biến mất khỏi làng Esports một cách lặng lẽ.

Vì sao World Cyber Games bị khai tử?

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 2008 đã tác động nghiêm trọng tới nhiều tập đoàn lớn trên toàn thế giới, trong đó có Samsung - nhà tài trợ chính của World Cyber Games. Số tiền đầu tư cho giải đấu bị giảm xuống, kéo theo quy mô và chất lượng giải đấu cùng bị ảnh hưởng trầm trọng. Ngoài ra, Samsung cũng có xu hướng đầu tư mạnh vào thị trường di động, trong khi WCG lại bỏ qua xu thế mới này...

WCG đã bỏ lỡ cơ hội để tìm ra một đường hướng mới cho tổ chức khi mà sự kiện vẫn ở thời kỳ vàng son. Không phải cứ cái gì lâu ngày mà được bền gốc, trường hợp của WCG thể hiện đúng quan điểm này. Sau 14 năm tổ chức, khi mất đi sự quan tâm từ nhà tài trợ Samsung, sự kiện đã không cách nào duy trì bất chấp những nỗ lực từ những người trong cuộc.

WCG đã tự tách mình ra khỏi sự phát triển của Esports kể từ khi họ đặt bút ký vào bản hợp đồng độc quyền với Microsoft. Sự ràng buộc này đã buộc WCG chỉ tập trung hoàn toàn trên những hệ thống của Microsoft (Windows, Windows Phone và Xbox) và đi ngược với tôn chỉ ban đầu của WCG là chung tay góp sức, cùng nhau phát triển nền eSports thế giới.

World Cyber Games đã mắc nhiều sai lầm, đi ngược lại với tôn chỉ ban đầu của giải đấu

Đến năm 2013, World Cyber Games tiếp tục gây phẫn nộ khi ký hợp đồng độc quyền với Leagues of Legends và loại bỏ Dota 2 khỏi WCG. Một bài báo đã thẳng thắn chỉ trích cách làm việc điên rồ của những người trong ban tổ chức, ví hành động này giống như việc IOC loại bỏ cầu lông khỏi Olympics vì liên đoàn Tennis tài trợ nhiều tiền hơn. Những cố gắng trong tuyệt vọng để thu hút nhà tài trợ vô tình khiến WCG đi ngược với tinh thần thể thao và phá vỡ “tính chất Olympics” của giải đấu thể thao điện tử lớn nhất thế giới.

Việc WCG bị khai tử cũng mở ra một thời kỳ mới, khi mô hình các thương hiệu làm chủ thay đơn vi tài trợ. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, các giải đấu do một thương hiệu nào đó làm chủ có biểu hiện cực tốt và mang lại một nguồn sức sống mới đang dần che đi những vinh quang của người tiền nhiệm.

Mô hình để các thương hiệu game có đủ khả năng làm chủ ngày một thịnh hành hơn trong những năm qua. Các tựa game như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2, CS:GO hay mới hơn là Liên Quân, Free Fire, PUBG... đủ sức để tổ chức những giải đấu tầm cỡ, với quy mô hoành tráng, thậm chí còn hơn hẳn so với World Cyber Games.

Các giải đấu được tổ chức bởi chính NPH game có quy mô và chất lượng rất cao

Các tựa game cũng cố gắng xây dựng một hệ thống Esports bền vững theo quy chuẩn riêng của mình để thu hút các khán giả cũng như giữ chân các game thủ hàng đầu ở những giải đấu lớn. Điều này cũng khiến những giải đấu đại diện cho quốc gia như WCG kém thu hút hơn khi không thể quy tụ những cái tên nổi tiếng nhất. 

Kế thừa và phát triển

Sau sự gục ngã của WCG, những giải đấu quốc tế như WECG Thế vận hội Thể Thao Điện Tử) hay ESWC (Cúp Thể thao Điện tử Thế giới) vẫn tiếp tục diễn ra với sự tham gia của đông đảo game thủ, cũng như những tài trợ lớn. Rút kinh nghiệm từ World Cyber Games, WECG và ESWC tập trung vào các trò chơi trên những hệ máy như mobile, PC và console, tất cả những gì thuộc các mảng này sẽ đều được chào đón tại đây. Dẫu vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, các giải đấu quốc tế này đang phải tạm hoãn lại.

IESF World Championship, giải đấu được tổ chức bởi Liên đoàn Thể thao điện tử Quốc tế cũng đang ngày càng được mở rộng và đạt được những thành công nhờ những nỗ lực liên kết giữa các tổ chức Esports của các quốc gia. Những năm qua, IESF nỗ lực mở rộng nhanh chóng trong việc mang lại lợi ích cho các thành viên để tạo ra một hệ sinh thái thể thao điện tử phát triển mạnh ở cấp độ toàn cầu, thúc đẩy sự tăng trưởng cho các nền kinh tế thể thao điện tử lớn, cũng như các quốc gia cấp cơ sở. 

World Cyber Games đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc khuyến khích sự phát triển của khái niệm eSport trong suốt 14 năm qua từ khi nó còn là một cái gì đó lạ lẫm sơ khai cho đến một môn thể thao được nhiều nước công nhận là chính thống như hiện nay. Tuy nhiên, những sai lầm mang tính hệ thống của WCG sẽ là bài học đắt giá cho những người làm Esports, đó là dùng mô hình phụ thuộc vào một nguồn cung cấp sẽ không mang lại triển vọng gì.

Thành Hưng
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội