Câu chuyện thú vị về "vua ám khí", võ sư Trần Công và những lần may mắn được gặp Bác Hồ
Trong suốt cuộc đời, Bác Hồ thường xuyên nói về thể thao, khuyến khích toàn dân tập luyện thể thao và xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để xây dựng một quốc gia, một dân tộc hùng mạnh. Tuy vậy, Người không có nhiều cơ hội để nói về võ thuật. Sinh thời, các tướng lĩnh, quân nhân vẫn thỉnh thoảng thấy Bác tập luyện võ thuật, nhưng không phải ai cũng có dịp cùng bác nói về tư duy võ thuật.
Cố võ sư Trần Công (sinh năm 1914, sau này là tổ phụ Môn phái Sơn Đông Không Động Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội Võ thuật Hà Nội, sáng lập Võ phái Võ cổ truyền Huyền Công Đạo), người còn được làng võ Việt mệnh danh "vua ám khí" có lẽ là người sở hữu cơ duyên gặp Bác Hồ nhiều nhất.
Võ sư Trần Công thời còn trẻ.
Năm 1961, khi cố võ sư Trần Công đang ở nhà - cũng là hiệu cắt tóc của ông ở Hà Nội, ông được một người khác đi ô tô đến gặp với lời mời mang đôi Song hổ vĩ côn ra sân Hàng Đẫy. Thời ấy, xe ô tô đi trên đường Hà Nội còn hiếm hơn cả nghe tiếng bom đạn nên cố võ sư biết là sắp được gặp nhân vật đặc biệt. Ông chỉ không ngờ rằng khi bước ra giữa sân, người ngồi trên khán đài là Hồ Chủ Tịch. Lúc bấy giờ, võ sư Trần Công đã khá có tiếng tăm trong làng võ, đặc biệt là từ khi tham gia giảng dạy cho một số lực lượng kháng chiến.
Suốt buổi hôm ấy, rất khó khăn cố võ sư Trần Công mới lấy đủ can đảm và bình tĩnh để thi triển bài Song hổ vĩ côn, vốn là bài võ khiến ông được cả làng võ Việt kính nể. Thỉnh thoảng ngước lên, nhìn thấy Bác cười hiền vẫy tay, ông cảm động đến rơi nước mắt.
Khi ra về, "vua ám khí" được cận vệ của Bác đưa chiếc phong bì, dặn về nhà mới được mở ra xem. Tờ giấy ấy cố võ sư Trần Công giữ đến tận ngày mất (năm 2013 và vẫn được gia đình lưu giữ như bảo vật.
"Thể lực đứng đầu há phải tiền?
Luyện rèn võ thuật vẫn thường xuyên
Tiền nhiều thượng võ mua chẳng được
Vui mạnh sống lâu khác gì tiên?"
Đây được xem như lần đầu tiên Bác Hồ nói về tư duy võ thuật của riêng mình, xem thể lực như "tiền bạc" của một con người, nhưng là thứ tiền bạc không thể mua được, giúp rèn luyện thân thể, có cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc.
Sau đó ít lâu, ông được mời vào thăm Phủ Chủ Tịch. Tại đây, thấy Bác đang mải miết tập quyền cước, ông buột miệng hỏi: "Dạ thưa, Bác cũng tập võ Trung Quốc?". Nghe câu hỏi của ông, ngừng tập Bác quay sang từ tốn: "Sao chú lại hỏi thế?". "Dạ, cháu thấy bài quyền Bác đang tập có xuất xứ từ võ Trung Quốc".
"Đúng, chú nói đúng rồi! Đây chính là bài quyền bác học được của người Trung Quốc, nhưng không thể gọi là võ Tàu được!". "Thế gọi là võ Trung Quốc, thưa Bác!". "Chú nói thế cũng không phải, mà phải gọi là võ Việt Nam!".
Võ sư Trần Công trong những năm tháng cuối đời vẫn thường xuyên tập luyện võ thuật, truyền dạy cho nhiều thế hệ võ sinh - võ sư võ cổ truyền Việt Nam.
Câu khẳng định của Bác làm ông ngạc nhiên, không hiểu. Thấy vẻ bối rối của ông, Bác khẽ mỉm cười, kéo ông ngồi xuống, Người nói: "Nhà chú có ao thả cá, nhà hàng xóm của chú cũng có ao thả cá. Một hôm, trời mưa, nước lớn, cá nhà chú tràn sang ao nhà hàng xóm thì chú có sang đó mà nhận hay đòi lại cá nhà mình được không? Võ cũng vậy, từ Trung Quốc chảy xuống nước ta thì phải gọi là võ ta chứ!". Triết lý đơn giản nhưng vô cùng chí lý của Người khiến ông suy nghĩ.
Thấy thế, Bác liền vỗ vai, thân mật: "Chú là người giỏi võ, chú phải cố gắng làm sao để cả dân tộc ta học được võ, có thế thì mới có sức khoẻ để bảo vệ và kiến thiết đất nước! Phong trào học võ, rèn luyện sức khoẻ phải nở như hoa!" Chỉ một lần gặp ấy thôi, "vua ám khí" đã phục sát đất sự uyên bác và tư duy võ thuật của Bác Hồ, người mà ông cả đời kính trọng.
Nhớ lời dạy của Bác, cố võ sư Trần Công đã gắn bó với võ thuật và sự nghiệp truyền bá võ cổ truyền cho đến cuối đời.
Kế đó, như để đáp lễ, Bác Hồ tự mình đến thăm nhà võ sư Trần Công - khi ấy ở dốc Tam Đa. Mải dọn dẹp, "vua ám khí" không để tâm tiếng ô tô vì nghĩ là khách nhà bên, mãi đến khi được vỗ vai, ông quay lại mới giật mình nhận ra đó là Bác.
Trong những tháng năm ấy, khi Mỹ - Ngụy điên cuồng tìm cách ám sát nhân vật quan trọng và có sức ảnh hưởng nhất cuộc kháng chiến, Bác rất hiếm khi ra ngoài. Với võ sư Trần Công, ông luôn xem cuộc ghé thăm của Bác như một đặc ân to lớn nhất cuộc đời mình.