Võ tổng hợp có thể mưu trí và dùng đòn hiểm như võ cổ truyền?
Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, "một võ sĩ võ tổng hợp sẽ rất khó để đánh bại một người tập Võ cổ truyền Việt Nam nếu ta dùng mưu trí và những đòn hiểm. Võ cổ truyền của VN dùng mưu trí nhiều, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu đánh mạnh. Mưu trí cũng là một trong những tính cách của người Việt Nam."
Tuy lời nhận xét của Chưởng môn Phật Quang Quyền hoàn toàn phù hợp với nền văn hóa võ thuật Việt Nam, đặc biệt là dựa trên góc nhìn võ cổ truyền, nhưng việc đề cập đến võ tổng hợp - một môn võ mới nhưng không hề lạ với cộng đồng võ thuật Việt Nam gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội. Bởi lẽ, theo lập luận này, võ tổng hợp không sở hữu mưu trí và đòn hiểm như Phật Quang Quyền nói riêng và võ cổ truyền Việt Nam nói chung.
Hãy xét đến các yếu tố sau:
Khái niệm "đòn hiểm"
Chưa có một bộ môn võ thuật nào đủ sức ảnh hưởng để đưa ra một khái niệm rõ ràng cho "đòn hiểm". Tuy nhiên, nhìn chung có thể hiểu đó là những đòn gây tổn thương đặc biệt nguy hiểm cho cơ thể con người, không phù hợp với môi trường thể thao, tập luyện hay cả một số tình huống tự vệ.
Vốn xuất thân từ chiến trận, võ cổ truyền Việt Nam không bỏ qua bất cứ "đòn hiểm" nào, từ việc tấn công vào vùng mắt, cổ, hạ bộ cho đến các kỹ thuật khóa bẻ khớp xương.
Võ tổng hợp càng ngày càng bị khống chế bởi những bộ luật chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo an toàn cho võ sĩ, từ đó các võ sĩ cũng không cần tập luyện các "đòn hiểm". Nhưng nếu họ muốn làm điều đó?
Thực tế, các võ sĩ võ tổng hợp chuyên nghiệp có điều kiện để tập luyện đòn hiểm hơn bất cứ ai. Họ có mọi yếu tố thể chất (sự chính xác, tốc độ, khả năng phán đoán tình huống, bắt thời điểm, phản xạ, uy lực...) vượt trội. Có một sự thật khó chối cãi rằng việc phần lớn cơ sở đào tạo võ cổ truyền Việt Nam vẫn chưa đạt đến trình độ chuyên nghiệp, khoa học và môi trường tập luyện như các phòng tập MMA.
Như vậy, nếu thực sự muốn tập và sử dụng đòn hiểm, các võ sĩ võ tổng hợp không hề thua kém võ cổ truyền, nếu như không muốn nói là có phần nhỉnh hơn. Bản chất của cú chọc mắt cũng có cùng chuyển động với cú Jab của Quyền Anh, đạp gối chặt cổ bẻ khớp... cũng tương tự.
MMA không mưu trí?
Thực tế, võ tổng hợp là một bài toán phức tạp, thậm chí là phức tạp nhất trong làng võ thuật đối kháng vì nó bao hàm cả ba trường phái striking (đả thương va chạm), wrestling (vật) và grappling (khóa siết).
Võ đài cũng là một cuộc chiến mô phỏng thực tế. Dĩ nhiên, nó nhẹ nhàng hơn (có bảo hộ), ít yếu tố sinh tử hơn (có trọng tài, các luật cấm) nhưng nó diễn ra vô cùng thường xuyên và trở thành môi trường rèn luyện với tần suất cao cho các võ sĩ MMA - nếu so sánh với những người tập luyện võ cổ truyền vốn ưa thích lối tập đối luyện, đồng luyện.
Môi trường rèn luyện đó buộc võ sĩ phải suy nghĩ liên tục. Võ đài MMA là trò chơi mưu trí thực sự. Từ việc phán đoán những gì đối thủ attempt (muốn thực hiện), ép đối thủ phải tư duy và hành xử như ý mình muốn, quấy rối sự phán đoán, cho đến những cuộc chơi đậm chất toán học như cuộc đọ sức thể lực của từng hiệp, buộc đối thủ để lộ ý đồ ra đòn thật, cắt góc, cắt khoảng cách... mối yếu tố trên đều là một cuộc đấu trí thực sự trên võ đài so găng cân não.
Hơn nữa, như huyền thoại Quyền Anh Mike Tyson đã nói: "Ai cũng có một kế hoạch cho tới khi trúng đòn và mọi thứ rối mù hơn", thực tế rằng khái niệm "mưu trí" không tồn tại khi võ sĩ không đủ khả năng kiểm soát áp lực của cuộc giao chiến nói chung và trận đấu nói riêng. Trong bài toán này, người được lợi nhiều hơn chính là người đã quen với áp lực giao chiến hơn.
Lời kết
MMA hay võ cổ truyền cũng chỉ là những phạm trù võ thuật. Nó tạo đường hướng cho con người tập luyện chứ không giới hạn con người. Một võ sĩ MMA lười biếng cũng sẽ rối mù thực sự khi so găng, nhưng một người đưa võ cổ truyền ra thực tế liên tục chắc chắn là người thắng trong cuộc chiến sử dụng mưu trí.
Mặc cho một sự thật thực tế rằng phần lớn phòng tập MMA trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bám sát những cập nhật kỹ - chiến thuật hiện đại và hiệu quả nhất thì môi trường tập luyện võ cổ truyền còn nhiều hạn chế, hãy thừa nhận một điều rằng chính con người và cách con người ấy tập luyện mới là thước đo mưu trí, không phải môn võ.