Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Đại diện webthethao với những trải nghiệm đáng nhớ ở SEA Games 32
Tình yêu dành cho nghề của những người làm webthethao.vn luôn đặt ở chế độ ít nhất là nhân hai! Vì trong mỗi dòng tin, bức ảnh hay đoạn video / clip được chuyển đến độc giả, tất cả đều truyền tải tình yêu không toan tính vừa dành cho nghề báo mà mình trót yêu thương, vừa dành cho môn thể thao mà mình trót đam mê. Chính vì vậy mà tại SEA Games 32, cảm xúc và trải nghiệm của những người làm webthethao.vn cũng như nhân hai khi chứng kiến thành công lịch sử của thể thao Việt Nam ở nước bạn.
Vốn cũng là dân chạy thứ dữ, Tuấn Đạt được xem như đại diện hiếm hoi của truyền thông gắn bó với tuyển marathon tại Siem Reap, qua đó được tham gia vào các hoạt động như tập luyện, ăn uống các bữa trong ngày, đi họp chuyên môn cũng như dự các hoạt động bên lề khác... Đồng thời, anh còn đóng vai trò một phiên dịch viên của đội.
Qua đó, Tuấn Đạt đã có dịp chứng kiến Hoàng Nguyên Thanh đuối sức và rút lại, chỉ về hạng ba, không bảo vệ được tấm huy chương vàng marathon nam từng giành được trên sân nhà năm 2021 tại SEA Games 31; hoặc cú gục ngã do nỗ lực thi đấu hết mình của Nguyễn Thị Ninh, cô gái “gây bão” với hành động từ chối xe cứu thương dù phải sử dụng bình thở để tiếp sức sau khi gục ngã ở vạch đích.
Đặc biệt nhất là được chứng kiến màn thi đấu ấn tượng của Lê Thị Tuyết, cô gái chỉ nặng 37kg, cao trên mét tư, nhưng đã xuất sắc giành tấm huy chương bạc marathon nữ ở ngay lần đầu dự SEA Games. Tuấn Đạt cho biết: "Nhưng điều khiến tôi ấn tượng và cảm thấy khó quên nhất chính là hành trình cùng Lê Thị Tuyết đi lấy mẫu nước tiểu thử doping.
Do có thành tích đứng bục, Tuyết dĩ nhiên được chọn lấy mẫu thử doping. Và tôi đã đồng hành cùng cô gái bé nhỏ này khi làm các thủ tục, mà nếu không phải vận động viên chuyên nghiệp hay huấn luyện viên của họ thì chắc chắn chẳng bao giờ người ngoài có cơ hội làm việc này.
Xem ngay Lê Thị Tuyết - Chân chạy 37 kg mang hy vọng giành vàng marathon tại SEA Games 32
Bên trong căn phòng vốn đã ngột ngạt vì cái nóng xấp xỉ 40 độ C ở Siem Reap thời điểm đó, thì cái cảm giác ngạt thở nhất chính là đứng trong căn phòng mà Tuyết và một nữ nhân viên của ban tổ chức đi lấy nước tiểu, nhưng tôi vẫn phải đứng bên ngoài, ngay cạnh để có vấn đề gì còn phiên dịch.
Dĩ nhiên là việc quay phim, chụp ảnh bị cấm hoàn toàn bên trong phòng lấy mẫu thử doping nên tôi không có hình ảnh nào về quãng thời gian lên đến 3 tiếng đồng hồ này. Cùng với vô số các thông tin phả cung cấp cho đội lấy mẫu thử doping, tôi với vai trò người làm chứng cho Lê Thị Tuyết cũng đã “có tên tuổi” trên các bảng khai. Tôi nói đùa với các nhân viên đội lấy mẫu thử doping rằng: “Tôi và các vận động viên không bao giờ muốn gặp lại các bạn nữa đâu đấy!”.
Bởi nói dại, nếu có vấn đề gì trong mẫu thử A của Lê Thị Tuyết thì chắc tôi cũng sẽ bị réo tên trong các thủ tục tiếp theo. Và trong bối cảnh lúc đó danh tính của 5 vận động viên điền kinh Việt Nam dương tính chất kích thích tại SEA Games 31 năm ngoái vừa được công bố, thì việc phải theo chân một tuyển thủ điền kinh mất tới 3 giờ đồng hồ cho quá trình chờ đợi, lấy mẫu và khai báo thông tin khác… thực sự khiến công việc lúc đó rất căng thẳng và ngột ngạt.
Tôi đã có cơ hội chứng kiến một trong những công đoạn đáng sợ nhất đối với tất cả các vận động viên thể thao, khâu mà bất kỳ vận động viên nào cũng cảm thấy đáng ngại, cho dù trong sạch hay có lăn tăn về việc mình “nhỡ có ăn hay uống thứ gì bị coi là chất cấm không”… thì đi lấy mẫu thử doping luôn là công đoạn mà chẳng vận động viên muốn thực hiện cả".
Như dành cả thanh xuân cho bóng rổ, Việt Long đã được trải nghiệm từ giọt nước mắt tiếc nuối ở SEA Games 31 đến cảm giác hạnh phúc tột cùng tại SEA Games 32. Vì theo anh, "trước khi bước vào SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia, buổi chiều ngày 14/05/2022 tại Nhà thi đấu Thanh Trì là một trong những kỷ niệm khó quên nhất của tôi khi tác nghiệp.
Hôm ấy, đội tuyển bóng rổ 3x3 nam và nữ Việt Nam cùng dắt tay nhau vào chung kết, điều vốn đã là chiến tích lịch sử qua rất nhiều lần tham dự SEA Games. Mỗi tập thể đều vượt qua những thử thách riêng như cường quốc bóng rổ Philippines hay đội tuyển Indonesia với ngôi sao nhập tịch từ Bắc Mỹ.
Hai trận chung kết diễn ra kế nhau. Trùng hợp là cả đội tuyển nam và nữ Việt Nam đều gặp Thái Lan, đối thủ mà những chiến binh cờ đỏ sao vàng đã từng là bại tướng ở vòng bảng. Nhưng giống như một sự trêu đùa của số phận, cả hai đội tuyển bóng rổ 3x3 Việt Nam lần lượt gục ngã trước người Thái. Cay đắng và đáng tiếc hơn là cả hai thất bại đều là thua trên thế thắng. Cả hai trận đều có cách biệt 2 điểm, đều thua bằng cú ném game-winner.
Lúc nỗi buồn từ trận chung kết nữ còn chưa nguôi, tôi và các đồng nghiệp đã phải tạm nén cảm xúc vào trong để tiếp tục tác nghiệp trận chung kết nam. Và rồi kịch bản tương tự tái diễn. Lần này đội tuyển 3x3 nam Việt Nam bỏ lỡ cơ hội chiến thắng ở hiệp chính, sau đó để thua trong hiệp phụ. Cứ như vậy, hai tấm huy chương vàng lịch sử đã tuột khỏi tay các cầu thủ.
Tôi đang tác nghiệp nhưng cũng là người yêu và theo dõi bóng rổ lâu năm, cảm nhận rõ được sự hụt hẫng. Trong khi các cầu thủ Thái Lan ăn mừng, những tuyển thủ bóng rổ Việt Nam đổ gục. Cùng có cảm giác tiếc nuối ấy, nước mắt tôi đã rơi. Hai tấm huy chương bạc nội dung 3x3 nam và nữ tại Hà Nội năm 2022 vẫn là chiến tích lịch sử của bóng rổ Việt Nam tại SEA Games. Tuy vậy, mọi thứ vẫn có cảm giác không trọn vẹn".
Nào ngờ SEA Games 32 đã đem đến cho Việt Long cùng những người yêu bóng rổ Việt Nam hạnh phúc tột cùng với ngôi vô địch 3x3 của đội tuyển nữ. Việt Long tâm sự: "Cảm động nhất với tôi là lời hứa mà hai chị em Trương Thảo My và Trương Thảo Vy còn giữ với người bà quá cố. Cả hai từng hứa rằng sẽ mang tấm huy chương vàng về làm quà. Và như một câu chuyện cổ tích với cái kết có hậu, đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam đã giành huy chương vàng nội dung bóng rổ 3x3 tại SEA Games 32 vào trưa ngày 07/05/2023.
Họ đánh bại đội tuyển Philippines một cách thuyết phục ở trận chung kết với tỷ số tuyệt đối. Trương Thảo Vy là người ghi điểm quyết định cho ĐTVN và ngay sau tiếng còi mãn cuộc, cô đã đổ gục rồi khóc nức nở trong vòng tay của các đồng đội. Đây không chỉ là chiến tích lịch sử của bóng rổ Việt Nam mà còn là một hành trình vượt khó với quá nhiều khó khăn và thử thách. Phải đến khi đạt được thành quả cuối cùng, cảm xúc mới có cơ hội được tuôn trào.
Bên cạnh các cầu thủ, một số thành viên ban huấn luyện và bản thân tôi, một người làm truyền thông cho bóng rổ lâu năm cũng đã rơi nước mắt dù tay vẫn còn cầm máy ảnh. Trên khán đài, rất nhiều CĐV Việt Nam đã không ngại đường xa di chuyển sang Phnom Penh để cổ vũ, hy vọng được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử. Cuối cùng họ đã được hưởng sự hân hoan và niềm vui chiến thắng.
Xem ngay Cảm xúc vô địch SEA Games 32 của đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam
Cá nhân tôi luôn cảm thấy biết ơn khi được webthethao.vn trao cơ hội tác nghiệp tại SEA Games 32. Đặc biệt hơn cả là cơ hội được tận mắt chứng kiến và làm việc, bắt những khung hình về khoảnh khắc đăng quang của những cô gái vàng Việt Nam ở nội dung bóng rổ.Trước khi lên đường sang Campuchia tác nghiệp SEA Games 32, kỷ niệm khó quên nhất của tôi khi tác nghiệp chính là cảm xúc sau hai trận thua chung kết bóng rổ 3x3 liên tiếp ở Thủ đô Hà Nội vào tháng 5 năm 2022.
Còn bây giờ, nó đã được thay thế bằng khoảnh khắc rơi nước mắt của những cô gái vàng bóng rổ Việt Nam tại khu tổ hợp Morodok Techo, Phnom Penh, Campuchia. Không thể bỏ qua cảm xúc đặc biệt thiêng liêng ở buổi lễ trao huy chương. Lần đầu tiên từ trước đến nay, quốc ca Việt Nam được cất lên ở đấu trường bóng rổ SEA Games".
Được đánh giá có chuyên môn cao về boxing, Nam Khánh khẳng định SEA Games 32 đã thay đổi suy nghĩ của anh với cảm xúc đỉnh cao là "võ thuật đồng đội". “Võ thuật đối kháng là môn thể thao cá nhân”, đó từng là suy nghĩ của anh, một người ưa thích theo dõi những môn võ đối kháng chuyên nghiệp trước khi lên đường sang Campuchia tác nghiệp. Thế nhưng, kì đại hội tại Campuchia đã thay đổi định kiến này, ngay từ những ngày đầu tiên.
Nam Khánh giải thích: "Đối với tôi, võ thuật hay thể thao đối kháng là sàn đấu đậm yếu tố cá nhân. Khi tiếng chuông khai cuộc vang lên, bạn phải tự mình quan sát, đưa ra quyết định, tung đòn, vui mừng hoặc trả giá vì những gì đã thực hiện. Tất cả, chỉ có mình bạn trải nghiệm mọi thứ trên sàn đấu. Không giống như những môn thể thao khác, nơi tính đồng đội khi thi đấu luôn xảy ra đồng thời hoặc liên tục nhau.
Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, thậm chí cả điền kinh và bơi lội, nơi đồng đội có thể “gỡ gạc” cho bạn một khoảnh khắc thi đấu không thực sự hoàn hảo. Tôi từng nghĩ, thật khó để võ thuật đối kháng có thể mang lại những cảm giác tương tự như thế, cho đến khi chứng kiến trận chung kết Karate đồng đội nam SEA Games 32. Nhìn cảnh Đỗ Thanh Nhân, người mở màn trận thắng cho đội nam liên tục thay đổi cảm xúc từ bồn chồn, lo lắng cho tới vỡ òa ăn mừng chiến thắng, tôi mới phần nào hiểu được những cảm xúc của các vận động viên khi bước vào nội dung đồng đội.
Trong 5 trận đấu với các đối thủ Malaysia, Đỗ Thanh Nhân mở màn bằng chiến thắng áp đảo 10-2. Nhưng ngay sau đó, hai trận thua liên tiếp của Lò Văn Biển (0-3) và Đỗ Mạnh Hùng (4-5) khiến áp lực buộc phải thắng đặt lên vai hai người đồng đội thi cuối cùng là Võ Văn Hiền và Chu Văn Đức. Áp lực chiến thắng cho hai vận động viên thi cuối càng khiến những khán giả theo dõi trực tiếp tại Hội trường A Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Chroy Changvar nín thở chờ đợi.
Tới khi hai cái tên cuối cùng lần lượt giành chiến thắng, toàn đội Karate nam đều vỡ òa trong sung sướng. Không chỉ vì đây là tấm huy chương vàng “khóa sổ” cho Karate Việt Nam tại SEA Games 32, mà còn là sự ghi nhận cho những khó khăn, cảm xúc nghẹt thở mà họ phải đối mặt suốt thời gian trước đó.
Chia sẻ với tôi, HLV trưởng Dương Hoàng Long thừa nhận hai trận thua của Lò Văn Biển và Đỗ Mạnh vốn đã nằm trong kế hoạch ban đầu của ông, một chiến thuật sẵn sàng chấp nhận rủi ro để loại các võ sĩ mạnh của đối thủ. Lúc đó, tôi mới hiểu rằng, nội dung đồng đội trong các môn võ đối kháng, đặc biệt là Karate và Judo có ý nghĩa như thế nào.
Dĩ nhiên, bạn bước lên sàn đấu vì thành tích chung của cả đội như bao môn thể thao khác. Dù vậy, chiến thắng của bạn dù có oanh liệt tới đâu, vẫn có thể bị xóa mờ nếu những đồng đội thi đấu không tốt. Thậm chí, trong trường hợp xấu nhất, có vận động viên chưa được lên đài đã phải ngậm ngùi nhìn cảnh toàn đội nhận thua, vì kết quả từ các trận đấu trước đó.
Nếu không chứng kiến cả 5 trận đấu nghẹt thở của đội tuyển nam của Karate Việt Nam tại SEA Games 32, chắc tôi sẽ không hiểu được những cảm xúc trọn vẹn mà nội dung đối kháng đồng đội có thể mang lại. Tới tận những giây phút nhận huy chương cuối cùng, tôi mới hiểu vì sao có những môn võ đối kháng lại sản sinh ra nội dung đồng đội.
Khi đó, những yếu tố cao thượng nhất của thể thao, không chỉ sự xuất sắc của cá nhân, mà còn cả tinh thần trách nhiệm, sự tin tưởng tuyệt đối để cùng nhau đến đích cuối cùng. Việc cùng nhau vượt qua những cảm giác ấy, càng khiến chiến thắng của các vận động viên trở nên đẹp hơn bao giờ hết".
Về phần Trần Khánh, niềm vui của anh không chỉ gắn bó với bóng đá, mà còn theo phương châm của webthethao.vn qua slogan “Thể thao vì cuộc sống tốt đẹp hơn”. Do đó, khi sang Campuchia từ trước lúc SEA Games 32 thi đấu môn đầu tiên là bóng đá, Trần Khánh bèn lọ mọ đến sông Tonle để tìm hiểu cuộc sống của những người Việt "đi tàu".
Chỉ 3 tiếng giao lưu ít ỏi nhưng anh có thể cảm nhận hết cuộc sống của bà con, tình cảm của họ hướng đến thể thao Việt Nam. Trần Khánh cho biết: "Ở xứ người, ai ai cũng hướng về Tổ quốc với sự tự hào. Tất cả những ai làm việc ở tàu đều tay mắt mặt mừng, và luôn hỏi vé xem U22 Việt Nam thi đấu. Họ tranh thủ để đến cổ vũ đội nhà, nơi hào khí dân tộc ngút trời với hy vọng thỏa lòng mong mỏi chứng kiến các cầu thủ “bằng xương bằng thịt”.
Chính tinh thần, khí chất đó tiếp thêm ngọn lửa cho chúng tôi để tiếp tục hành trình muôn vàn thử thách, đưa thông tin nhanh, chính xác và hấp dẫn đến với độc giả ở kỳ SEA Games 32. Và ở đó, chúng tôi cũng biết thêm cuộc sống của đồng bào nơi xứ người và trải nghiệm về nghề khá lạ lẫm này".