Chơi bóng rổ mùa dịch COVID-19: Nên làm gì để đảm bảo an toàn?

thứ sáu 24-4-2020 10:05:00 +07:00 0 bình luận
Chơi bóng rổ sẽ là việc đầu tiên mà rất nhiều baller làm sau khi Chính phủ ra quyết định dừng cách ly xã hội. Tuy nhiên, chơi bóng rổ trong thời điểm sống chung với dịch cần có một số lưu ý.

Kể từ ngày 23/04, hầu như mọi tỉnh thành trên cả nước đã dừng cách ly xã hội theo kết luận từ cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 22/04.

Theo đó, rất nhiều hoạt động đã trở lại bình thường ở những tỉnh và thành phố nằm trong nhóm nguy cơ thấp. Riêng Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ và một số địa bàn tại Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín có ca nhiễm chưa qua 14 ngày.

Dừng cách ly xã hội đồng nghĩa với việc các hoạt động thể thao sẽ dần được người dân đưa trở lại lịch trình hằng ngày. Với các baller, việc lên lịch cho những buổi hội tụ trên sân bóng rổ cũng bắt đầu xuất hiện.

Người chơi bóng rổ trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại sân bóng Masteri, Quận 2. Ảnh: Hải Mạc

Tuy nhiên, việc chơi bóng rổ trong mùa dịch COVID-19 vẫn là hoạt động có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Vì vậy, việc đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và giữ an toàn vẫn cần được duy trì, giúp chống dịch bệnh bùng phát hay lây lan trở lại.

Để chơi bóng rổ một cách an toàn trong thời điểm "sống chung với dịch", dưới đây sẽ là một số lưu ý và những điều nên làm để các baller vừa có thể sống với đam mê cùng trái bóng cam, vừa hạn chế khả năng lây lan của COVID-19 trong thời gian tới.

1. TUÂN THỦ TUYỆT ĐỐI quy định của địa phương về hoạt động thể thao

Hiện nay, các tỉnh thành trên cả nước đều có những quy định riêng về giãn cách xã hội sau khi Chính phủ dừng cách ly xã hội kể từ ngày 23/04. Vì vậy, việc hoạt động thể thao vẫn sẽ nằm trong "danh sách cấm" của một số tỉnh và thành phố.

Tính đến ngày 24/04, một số nơi vẫn chưa cho phép trung tâm thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà hoạt động bao gồm Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Giang... Nhiều tỉnh vẫn tạm dừng các hoạt động thể thao đến hết ngày 03/05.

Để tránh việc bị xử phạt, baller cần tìm hiểu kỹ quy định riêng của từng địa phương nhằm xác định xem họ có được phép tham gia các hoạt động thể thao hay không trước khi chơi bóng rổ.

Tp.Hồ Chí Minh cùng một số địa phương chưa cho phép hoạt động thể thao trở lại. Ảnh: Hải Mạc

2. Trang bị ba thứ thiết yếu là khẩu trang, nước rửa tay và bình nước uống riêng

Nếu như chỉ thị về việc hạn chế tụ tập được tháo dỡ, rất nhiều baller sẽ tìm ngay đến sân bóng rổ gần nhất. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn đang diễn ra cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch, vì vậy nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn tồn tại.

Để có sự chuẩn bị nhằm bảo vệ bản thân tốt nhất, người chơi bóng rổ cần chuẩn bị ba vật dụng là khẩu trang, nước rửa tay và bình nước uống riêng.

- Khẩu trang cần được đeo toàn thời gian trong lúc di chuyển đến sân và từ sân bóng trở về nhà

- Nước rửa tay cần được trang bị. Người chơi nên rửa tay trước và sau khi chơi bóng để giữ vệ sinh tay. Ngoài ra trong khi tập luyện, các baller cũng không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh. Đây là hành động rất thường thấy trên sân bóng rổ.

- Chuẩn bị bình nước riêng đồng nghĩa với việc hạn chế tối đa nhiều người sử dụng cùng một bình nước để tránh lây nhiễm. Các baller có thể mua các loại nước điện giải rồi chiết sang bình riêng này để sử dụng hoặc mang sẵn nước từ nhà theo để bổ sung nước khi chơi bóng rổ.

3. Hạn chế tụ tập sau khi chơi bóng rổ

Một chút hội họp sau mỗi buổi chơi tập là điều rất nhiều baller hay làm. Tuy nhiên trong mùa phải sống chung với dịch, người chơi cần hạn chế tụ tập làm này vì nhiều lý do khác nhau.

Đầu tiên, các quán nước luôn là nơi rất dễ lây lan virus nếu có một người nhiễm bệnh đã từng xuất hiện. Nguyên nhân là ly nước thường được sử dụng chung và được lâu rửa rất sơ sài.

Thứ hai, hàng quán vẫn chưa được phép hoạt động tại nhiều địa phương. Ví dụ như ở Hà Nội, "trà đá vỉa hè" vẫn trong diện tạm ngưng hoạt động để tránh lây lan COVID-19.

Sân bóng rổ trên cao đặc biệt của CLB Hanoi Buffaloes. Ảnh: Minh Hiếu

4. Thực hiện nghiêm túc việc rửa tay và giữ vệ sinh trước cũng như sau khi chơi bóng rổ

Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân trong mùa dịch là vô cùng quan trọng, vì vậy các baller cần làm một số điều sau:

- Rửa tay thường xuyên trong ngày, trước và sau khi chơi bóng rổ.

- Trong lúc tập luyện hoặc thi đấu, hạn chế đập tay với các đồng đội.

- Sau khi chơi, cần giặt sạch quần, áo và các phụ kiện sớm nhất có thể.

Việc chơi thể thao không chỉ là thoả mãn đam mê mà còn là hoạt động để tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, chơi thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng là thời điểm tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn và giữ sức khoẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Ngay khi có dấu hiệu hoặc các triệu chứng như ho, sốt, khó thở... cần phải báo ngay cho các cơ quan y tế để có cách xử lý phù hợp nhất.

Tính đến 06h00 ngày 24/04, Việt Nam có tổng số ca mắc COVID-19 là 268 người. Tuy nhiên, nước ta đã trải qua 8 ngày không có ca nhiễm mới theo thông tin từ Bộ Y Tế. 

Việt Long
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội