Những điều ít ai biết về nghề trọng tài MMA
Thực tế, người hâm mộ biết rõ về các võ sĩ nhiều hơn hiểu trọng tài MMA thực sự làm gì, xuất phát từ đâu. Trong lịch sử 30 năm phát triển của bộ môn MMA, trong khi các thế hệ võ sĩ thay đổi thậm chí theo từng tháng thì những vấn đề về trọng tài vẫn là một đề tài bí ẩn với khán giả.
Không có một quy chuẩn rõ ràng cho vai trò trọng tài MMA
Chính bản thân bộ môn MMA vẫn chưa có một hệ thống quản lý quy chuẩn quốc tế. Khái niệm “làng MMA thế giới” hiện nay vẫn đang được quản lý bởi các tổ chức nhỏ lẻ mang tầm quốc gia hay thậm chí được quản lý bởi từng giải đấu riêng lẻ.
Vậy nên, câu hỏi “làm gì để trở thành trọng tài” không có một câu trả lời chính xác. Dĩ nhiên vẫn có nhiều điều kiện bắt buộc như thông hiểu về luật thi đấu, có kinh nghiệm phán đoán và xử lý các tình huống khác nhau… Nhưng về mặt thủ tục thì không có con đường nào thống nhất cả.
Ở Mỹ, các trọng tài MMA phải có chứng chỉ COMMAND (viết tắt của Certification of Officials for Mixed Martial Arts National Development). Nhưng bản thân COMMAND lại là một trường đào tạo tư nhân của trọng tài huyền thoại John McCarthy, được các tổ chức quản lý thể thao của Mỹ chấp nhận chọn làm đơn vị uy tín trong việc cấp phép hoạt động cho các trọng tài.
Thực tế, chứng chỉ của COMMAND mang ý nghĩa về uy tín nhiều hơn quyền lực hành chính, bởi lẽ trọng tài MMA ở nhiều nước trên thế giới (kể cả những quốc gia không chịu sự ràng buộc từ luật thể thao Mỹ, chẳng hạn như Trung Quốc, Anh…) cũng theo học và lấy chứng chỉ này để khẳng định trình độ.
Tuy vậy, trong hướng dẫn của COMMAND cũng khẳng định rằng chứng chỉ này chỉ chứng tỏ bạn được trường đào tạo của COMMAND công nhận đủ trình độ. Nó không đồng nghĩa với việc bạn có quyền hoạt động ở bất cứ nơi đâu với tư cách trọng tài. Việc đó tùy thuộc vào luật pháp ở nơi tổ chức giải đấu có tôn trọng uy tín của COMMAND hay không.
Trọng tài MMA nên xuất thân từ võ sĩ hoặc HLV
Đây là điều được chính huyền thoại John McCarthy khẳng định cũng như nhận sự ủng hộ từ rất nhiều đồng nghiệp, bao gồm những cái tên đình đám như Herb Dean hay Mario Yamasaki.
Dù được đào tạo khá kỹ lưỡng nhưng thực tế luôn phức tạp hơn lý thuyết, trọng tài MMA phải làm việc với một tốc độ và sự tập trung khủng khiếp để phân tích, phán đoán và đưa ra nhiều quyết định quan trọng, thậm chí có thể bóp méo kết quả thật của trận đấu. Chỉ riêng việc phán đoán một võ sĩ "vẫn còn đang tập trung bảo vệ cơ thể khỏi trận đòn" hay đang ôm đầu nằm vô thức dưới sàn khi đối thủ đang "giã gạo" đã đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thi đấu để nắm chắc.
Hơn bất cứ ai, một võ sĩ sẽ hiểu sự thật trên sàn đấu. Một trọng tài MMA nên xuất thân từ võ sĩ ở đẳng cấp càng cao càng tốt, thời gian thi đấu càng nhiều càng tốt. Họ chính là phòng tuyến cuối cùng của võ sĩ, là bức tường ngăn cách giữa lồng bát giác và bệnh viện. Sự nghiệp của võ sĩ hay sự tồn tại của cả một giải đấu thậm chí có thể bị hủy hoại bởi một sai lầm dẫn đến chết người của trọng tài.
Những sai lầm chết người của trọng tài MMA thế giới.
Kinh nghiệm thi đấu sẽ cho trọng tài kiến thức quý giá ở rất nhiều vấn đề khác nhau. Việc di chuyển hay tư thế của trọng tài trên sàn đấu cũng chịu ảnh hưởng bởi cách nhìn nhận của trọng tài, phán đoán xem hai võ sĩ sẽ có hướng di chuyển như thế nào, trận đấu có thể diễn ra theo kịch bản nào... Bởi lẽ mọi va chạm dù vô ý giữa võ sĩ với trọng tài đều có thể làm trận đấu bị sai lệch.
Mặt khác, chính trọng tài cũng biết các chiêu trò của võ sĩ, chẳng hạn như cố nhả rơi bảo hộ hàm để câu giờ, tapout giả bằng một cú chạm nhẹ để đối phương buông bỏ (nhưng trọng tài chưa ra dấu hiệu dừng) - cũng chính là thủ thuật Conor McGregor đã làm khi bị Khabib Nurmagomedov "hành" dưới sàn nhưng cả Khabib lẫn trọng tài đều mặc kệ.
Trọng tài đòi hỏi một cái đầu cực lạnh và thái độ bất chấp dư luận
Khoảng cách giữa đúng và sai trong phán quyết của trọng tài rất mong manh. Arash Makazi - một phóng viên MMA nổi tiếng của ESPN và cũng là người được cấp giấy phép COMMAND kể: "Trong các buổi dạy, John McCarthy đưa ra rất nhiều nhận định mà nếu bạn không hiểu rõ, bạn có thể tưởng rằng nó trái ngược nhau hoàn toàn.
Có lúc, ông ấy dạy rằng trọng tài là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo võ sĩ, đảm bảo họ thi đấu thể thao chứ không phải giết nhau. Nhưng có lúc ông ấy lại nói một vết cắt chẳng là gì cả. MMA là vậy, và máu chỉ là giọt mồ hôi pha chút mực đỏ thôi."
Trọng tài có thể khiến một trận đấu được dừng đứng lúc, đảm bảo an toàn cho võ sĩ nhưng cũng có thể hủy hoại một cuộc đối đầu đáng chú ý chỉ vì phán đoán sai thời điểm. Đôi khi, những quyết định của trọng tài có thể chống lại ước muốn của cả một cộng đồng người hâm mộ. Trận đấu đình đám giữa Conor McGregor và Khabib Nurmagomedov hồi UFC 229 là một ví dụ. Cụ thể, siêu sao người Ireland đã có những pha lên gối vào đầu đối thủ khi cả hai đang trong trạng thái grounding (địa chiến).
Về lý thuyết, đây là một đòn cấm nghiêm trọng. Tuy vậy Herb Dean đã bỏ qua để trận đấu cứ thế tiếp diễn và dĩ nhiên hứng không ít búa rìu dư luận. Sau đó, anh chỉ giải thích: "Pha đòn của McGregor hoàn toàn không gây bất lợi cho Khabib. Việc tạm hoãn trận đấu sẽ khiến diễn biến bị bóp mèo rất nhiều." Thực tế, chính McGregor cũng có nhiều pha đòn lỗi hay kỹ thuật câu giờ mà Herb Dean cảm thấy ổn và cho qua.
Những đòn lỗi của Conor McGregor được trọng tài Herb Dean bỏ qua vì ông cho rằng việc can thiệp sẽ ảnh hưởng đến lợi thế của Khabib.
Việc mặc kệ dư luận cũng là một phần bài giảng của John McCarthy trong giáo trình COMMAND. Ông cho rằng việc trọng tài xử lý tình huống ngược với ý muốn khán giả là điều rất thường xuyên xảy ra. Đôi khi, nghe theo ý muốn khán giả là vi phạm đạo đức của trọng tài.
Sẵn sàng “xả thân” cứu võ sĩ
Cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào trong làng MMA ghi nhận trọng tài bị chấn thương nghiêm trọng khi đang xử lý trận đấu. Tuy vậy, những vết bầm do ăn "đạn lạc" vẫn xảy ra liên tục, đặc biệt là lúc trọng tài thường phải dùng cả thân mình để che chắn cho các võ sĩ khi cảm thấy cần dừng trận đấu.
MMA là một bộ môn có áp lực và tốc độ thi đấu cực kỳ cao. Từ lúc hai võ sĩ hoàn toàn còn kiểm soát được trận đấu cho tới thời điểm một người bất tỉnh nằm trên sàn để đối thủ giã chỏ vào đầu đôi khi chỉ cách nhau 1 giây đồng hồ.
Đúng "sách giáo khoa", khi đó trọng tài phải dùng cả thân mình để tông võ sĩ còn lại văng khỏi khoảng cách ra đòn, hay thậm chí lấy thân mình đưa ra che chắn cho pha đòn. Việc đó khiến bản thân người trọng tài (với bảo hộ, ý thức bảo vệ bản thân và khả năng chịu đựng của cơ thể thấp hơn các võ sĩ) có thể hứng trọn những đòn đánh lạc đạn. Nhưng đó là điều bắt buộc phải làm. Đôi khi, dừng trận trễ một cú đấm cũng đủ để sự nghiệp của họ "đi bụi" nếu như có võ sĩ gặp tổn thương nguy hiểm tính mạng.