Phân tích chuyên sâu: Lằn ranh mong manh giữa vượt ngưỡng và phá sức
Cứ tập luyện là phải vượt ngưỡng. Có vượt ngưỡng thì cơ thể mới đạt được những giới hạn mới. Tuy nhiên, vượt ngưỡng như thế nào lại thường là một yếu tố mà các HLV phong trào bỏ quên rất nhiều.
Vấn đề phục hồi
Quá trình điều trị, phục hồi của Diego Sanchez. Bên cạnh những buổi phục hồi như thế này, võ sĩ cũng cần những buổi phục hồi nhỏ, có kế hoạch cụ thể và những ngày nghỉ cụ thể.
Để tiến bộ, võ sĩ buộc phải vượt qua ngưỡng giới hạn của cơ thể. Tuy nhiên, cũng vì đi quá giới hạn của cơ thể, người tập sẽ ở trong trạng thái cận kề với chấn thương. Vượt ngưỡng càng xa, khả năng mắc chấn thương càng lớn. Nếu không gặp chấn thương, thể chất của người tập cũng sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái rệu rã, mệt mỏi sau mỗi lần vượt ngưỡng như thế. Do đó, sau mỗi buổi tập, những võ sĩ chuyên nghiệp bắt buộc phải có một chuyên gia phục hồi để đảm bảo hiệu suất tập luyện cho ngày hôm sau.
Phục hồi sau tập luyện là công tác cực kỳ quan trọng vì bởi, một võ sĩ có ý chí mạnh mẽ thế nào, anh vẫn không thể đạt được hiệu suất tập luyện cao nhất với một cơ thể kiệt sức.
Việc phục hồi cho võ sĩ cũng không chỉ đơn giản là "thả lỏng". Một chuyên gia phục hồi cần phải ăn ý với đội ngũ huấn luyện và nắm được những nhóm cơ, gân, dây chằng hay bất kỳ bộ phận nào bị quá tải trong ngày tập luyện để họ có thể đưa ra giải pháp phục hồi hiệu quả nhất.
Vượt ngưỡng hay phá sức
Nếu phải nói về sai lầm phổ biến nhất trong công tác huấn luyện võ sĩ ở hiện tại, có lẽ vấn đề thúc ép võ sĩ tập vượt ngưỡng chính là yếu tố bị hiểu lầm nhiều nhất. Các HLV có thể thoải mái quát tháo học trò phải tập nặng hơn nữa, bắt học trò phải trải qua hàng giờ phá hoại thể chất mà không có một biện pháp phục hồi cụ thể nào cho học trò.
Một số người cho rằng việc tập luyện kiệt lực là "tốt" và chỉ cần ăn đúng chất, ngủ điều độ là có thể hồi phục tốt. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng.
Các clip tập luyện chỉ cho thấy cường độ tập của vận động viên mà không hề cho thấy quá trình phục hồi thư giãn sau đó
Cơ thể người cũng như một cỗ máy cực kỳ tinh vi. Việc bắt cơ thể hoạt động quá tải cũng không khác là bao so với hiện tượng nóng máy. Hãy tưởng tượng bạn có một chiếc xe, bạn đổ xăng tốt, nhớt xịn, nhưng nếu bạn cứ duy trì tình trạng nóng máy, chắc chắn xăng sẽ cạn, nhớt sẽ loãng và máy thì vẫn hỏng.
Tương tự, việc tập luyện quá sức không đơn thuần chỉ kéo theo sự mệt mỏi. Việc bắt cơ bắp phải co giãn liên tục trong thời gian dài thậm chí có thể gây tổn thương cơ và làm giảm độ đàn hồi của cơ vĩnh viễn. Đưa ra kế hoạch tập luyện lại không có tính khoa học, phân chia cường độ tập luyện bất hợp lý, nhưng vẫn bắt võ sĩ phải giữ được nhiệt trong phòng tập là điều ấu trĩ nhất mà các HLV có thể làm được.
Vượt ngưỡng về bản chất là một điều rất khó để duy trì lâu dài. Do đó, để võ sĩ vượt ngưỡng an toàn, bạn phải nắm vững rất nhiều kiến thức về phục hồi, phân bổ thời gian tập luyện hợp lý, dinh dưỡng và hàng chục những yếu tố khác. Không phải chỉ có quát tháo vào học trò là đã làm tròn nhiệm vụ của một huấn luyện viên.