Nhìn từ vụ Kim Huệ bóng chuyền, VBA ngăn chặn tình trạng "đi đêm" như thế nào?
Hôm qua, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) xem xét án kỷ luật đối với HLV Phạm Kim Huệ và 3 VĐV Ngân hàng Công thương.
Vấn đề của sự vụ này không khó nhìn ra, đó là Kim Huệ và các học trò thỏa thuận với Bamboo Airways Vĩnh Phúc trong khi vẫn còn hợp đồng với Ngân hàng Công thương. Và án kỷ luật cảnh cáo cô trò Kim Huệ từ VFV nhận phản ứng quyết liệt từ HLV Ngân hàng Công thương bởi theo cựu phụ công ĐT Bóng chuyền nữ quốc gia là không có căn cứ, áp đặt.
Một bản Quy chế chuyển nhượng dù đã có "tuổi đời" hơn 10 năm nhưng lại không áp dụng được vào thực tế khiến bóng chuyền Việt nhiều năm qua xảy ra những cuộc chuyển nhượng gây nhiều tranh cãi. Sự vụ liên quan đến Kim Huệ là trường hợp mới nhất. Nhìn sang các môn thể thao khác trong đó có Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam - VBA, những quy chế về luật sẽ được ràng buộc như thế nào?
Theo quyết định số 344/QĐ-VBF ban hành vào 25/2/2020, ở mục 2.6 có quy định rõ như sau:
Thành viên của đội bóng không được phép lôi kéo, tiếp cận VĐV, HLV hoặc nhân viên đội bóng khác hoặc nhân viên giải đấu, trừ khi được sự cho phép của Lãnh đạo đội bóng. Đội bóng vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 20.000.000 đồng, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 10.000.000 đồng và bị cấm tham gia giải đấu từ 1 đến 3 năm, không tính giải đấu đang diễn ra.
Sau khi mùa giải kết thúc và trước khi các đội bóng công bố danh sách VĐV được bảo vệ ở mùa giải tiếp theo, thành viên đội bóng sẽ không được phép tiếp cận với VĐV, HLV hoặc thành viên của đội bóng VBA khác khi chưa có sự cho phép từ phía đội bóng chủ quản. Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng và/hoặc cấm tham gia giải đấu từ 1 đến 3 năm.
Những quy định rành mạch của VBA khiến tình trạng các VĐV, HLV, nhân viên "đi đêm" rất khó xảy ra. Hơn nữa mô hình giải đấu cũng cho thấy vai trò của VBA là rất rõ ràng, sau khi các đội bóng đạt thoả thuận chuyển nhượng đều phải báo cáo lên Ban tổ chức xét duyệt, nếu VBA đồng ý thương vụ mới được hoàn tất.
Nhìn lại thương vụ chuyển nhượng đổ bể của Kim Huệ và Bamboo Airways Vĩnh Phúc, sự mờ nhạt trong công tác quản lý và những kẽ hở về luật khiến Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam rơi vào tình thế không ai muốn. Điều cấp thiết phải giải quyết ngay lúc này đối với VFV không chỉ chuyện của Kim Huệ, mà là kiện toàn quy chế tránh những trường hợp tương tự xảy ra.
Kỳ 1: Từ trường hợp Kim Huệ tới nghịch cảnh bi hài của bóng chuyền Việt
Kỳ 2: Những cuộc "đi đêm" đình đám làm dậy sóng bóng chuyền nội
Kỳ 3: Ca ”nóng" Kim Huệ và quy chế chuyển nhượng bóng chuyền Việt 10 năm... "lập cho có"!
Kỳ 4: Nghịch cảnh bóng chuyền Việt qua chia sẻ của "người trong cuộc" đặc biệt
Đón đọc kỳ 6: VFF áp dụng¸triển khai Quy chế chuyển nhượng ra sao?