Dành cho những người muốn tự tập Boxing: Hãy chơi bóng rổ trước tiên!
Thể thao đỉnh cao đòi hỏi người vận động viên phải đạt được cả 3 yếu tố, kỹ thuật, thể lực và kinh nghiệm. Chỉ khi hội tụ đủ 3 yếu tố này, bạn mới có thể được xem là vận động viên chuyên nghiệp. Trong 3 yếu tố đó, thể lực là thứ dễ đến dễ đi trong quá trình tập, kinh nghiệm là cả quá trình thi đấu đánh đông dẹp bắc các giải nhỏ. Trong khi đó, kỹ thuật lại được quyết định từ những bước đi đầu tiên định hình và theo đuổi bạn suốt cuộc đời thi đấu. Nói cách khác, kỹ thuật là viên gạch đầu tiên bạn phải chú trọng và cũng là viên gạch cuối cùng khép lại cuộc đời thi đấu.
Như vậy, điều gì sẽ xảy ra khi nền tảng kỹ thuật đã bị hư hỏng ngay từ đầu? Nếu xây một căn nhà mà toàn bộ móng của nó lại vụn vỡ be bét thì phải làm sao? Câu trả lời chính là "đập đi xây lại"! Vấn đề tiếp theo nữa chính là, ở võ thuật nói riêng và thể thao nói chung, độ tuổi 20-30 là độ tuổi đẹp nhất để bước lên đỉnh cao. Nếu bạn phải mất thêm vài năm để xây dựng lại kỹ thuật, bạn còn bao nhiêu năm để chinh chiến, bao nhiêu năm để tích lũy đủ mà bước lên đỉnh cao?
Thể thao đỉnh cao đòi hỏi người vận động viên phải đạt được cả 3 yếu tố, kỹ thuật, thể lực và kinh nghiệm
Vì thế, nếu chưa thể tìm đến một lớp tập đàng hoàng tử tế, tốt nhất, bạn nên tự tập một môn thể thao khác ngoài đam mê để chuẩn bị cho một hành trình mới. Đối với môn thể thao làm nền này, các bạn có thể thoải mái sai, thoải mái mắc lỗi, vì những lỗi đó không ảnh hưởng đến tương lai đấu võ của bạn. Cụ thể hơn, các bạn có thể bắt đầu với bóng rổ!
Những điểm chung không ngờ của bóng rổ và boxing
Thành thực mà nói, Boxing không giống bóng rổ, nhưng bóng rổ lại rất giống với Boxing. Một vận động viên bóng rổ không chuyên có rất nhiều tố chất để trở thành một võ sĩ Boxing giỏi.
1. Nhịp độ cao đến căng thẳng
Dù được lấy cảm hứng từ bóng đá, bóng rổ vẫn phát triển rất mạnh và tìm được một chỗ đứng riêng trong nền thể thao thế giới. Điểm hấp dẫn nhất ở bóng rổ chính là nhịp độ trận đấu luôn được giữ ở mức cao nhất. Ở bóng rổ, chỉ có tấn công và tấn công, thậm chí trong phòng thủ cũng ẩn chứa yếu tố phản công tốc độ, hoàn toàn không thể chơi "đổ bê tông" như môn thể thao tiền thân là bóng đá. Điều này khiến các trận đấu bóng rổ, thế trận tấn công và phản công luôn được chia đều cho 2 đội đấu sau mỗi pha ghi điểm. Bóng rổ là một bộ môn đòi hỏi thể lực rất nhiều.
Đối với Boxing, kể cả khi bạn có chọn lối đánh phòng thủ đi chăng nữa, bạn vẫn phải vận động liên tục vì ở Boxing, ở thế tĩnh đồng nghĩa với việc ăn hành. Việc phòng thủ của boxing cũng không thể thụ động chờ đối thủ mà người võ sĩ buộc phải đồng thời vừa di chuyển vừa trả đòn vừa chống đỡ vừa đọc trận đấu để phản công... Boxing không có khái niệm "dễ thở".
2. Bộ pháp, thân pháp và bộ tay tương đồng
Trong boxing, để tung ra được một cú đánh trọn vẹn chính xác, người võ sĩ phải có những động tác "đánh lừa" đối thủ. Đó có thể là một pha chui hụp có chủ đích, đó có thể là một đòn tay nhấp nhả, thậm chí đó cũng có thể là một màn khiêu vũ đồng điệu trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Cốt yếu đều là để đánh lừa đối thủ trước khi tung ra đòn đánh quyết định.
Đặc biệt thay, bóng rổ cũng thế. Vì bị giới hạn bởi các luật 3 giây, luật chạy bước, các cầu thủ bóng rổ phải nỗ lực sử dụng bộ pháp và thân pháp rất nhiều để giữ bóng, dẫn bóng, chuyền bóng và ghi điểm. Đó đều là những yếu tố thiết yếu trong Boxing. Nếu bạn đã làm quen với những kỹ thuật này trong bóng rổ, bạn có thể dễ dàng học boxing hơn. Cổ chân, sức bật của các cầu thủ bóng rổ cũng tốt hơn các võ sĩ boxing.
Footwork nhạy đến hoa mắt của James Harden đã "tiễn" nhiều đối thủ lên cáng cứu thương vì lật cổ chân
Đừng coi thường footwork của các cầu thủ bóng rổ
Thân pháp và khả năng duy trì thăng bằng của bóng rổ cũng là một yếu tố đáng quan tâm
Một điều đặc biệt nữa ở bóng rổ, bạn buộc phải kiểm soát bóng bằng cả hai tay, đổi trọng tâm liên tục, nên những cầu thủ bóng rổ nếu chuyển sang boxing lại có tiềm năng thi đấu ở cả 2 kèo trái và phải (orthodox và southpaw). Đây là một lợi thế rất lớn vì bởi, rất hiếm những võ sĩ thuần túy có thể thi đấu được ở cả 2 kèo khác nhau trong khi bóng rổ lại là bộ môn tập luyện rất kỹ yếu tố này.
3. Va chạm
Còn lâu bóng rổ mới có thể so được với boxing về tần suất va chạm, nhưng nếu nói về cường độ va chạm, bóng rổ cũng chẳng hề kém cạnh với Boxing. Hãy tưởng tượng bạn bị một khối tạ cao hơn 1m8, nặng hơn 80kg va đập thẳng vào ngay trong lúc bạn vừa lên bóng, đó là kiểu va chạm của bóng rổ. Vì thế, để chơi bóng rổ, vận động viên cũng phải đòi hỏi sức mạnh không kém gì các môn thể thao đối kháng cao, nhất là khi đối thủ của bạn cũng là những gã cơ bắp với thân hình đồ sộ.
Kết luận:
Nếu muốn theo đuổi sự nghiệp boxing đỉnh cao mà vẫn chưa thể tìm được một lớp tập phù hợp, hãy chơi bóng rổ. Bóng rổ sẽ là bước đệm hoàn hảo để chuẩn bị cho Boxing.