Phân tích chuyên sâu: Phân phối sức trong trận đấu là như thế nào?
Thể lực là khả năng hoạt động bền bỉ của cơ thể. Những yếu tố tạo nên thể lực của một người đến từ thể chất ban đầu (ADN, di truyền,...) và việc tập luyện phát triển sự bền bỉ của cơ bắp. Tuy nhiên thể lực không đơn thuần chỉ đến từ thể chất và các bài tập, trong những trận đấu đối kháng, thể lực bị chi phối rất mạnh bởi nhịp độ trận đấu.
Nhịp độ trong trong tập luyện
Vì sao trong tập luyện, dù bạn có đẩy mạnh bài tập đến thế nào đi nữa, bạn vẫn không thể mệt mỏi bằng trận đấu thực sự? Điều khác biệt duy nhất đó chính là nhịp độ. Trong phòng tập, bạn làm chủ nhịp độ tập luyện, do đó, bạn biết phải hít thở như thế nào. Trong thi đấu, đối thủ chính là kẻ điều khiển nhịp độ của bạn. Nếu bạn để đối thủ kiểm soát hoàn toàn nhịp độ trận đấu, bạn sẽ trở thành kẻ kiệt quệ trong chốc lát.
Nhịp của Andre Ward đi với tốc độ 1-2 ----- 1--2
Nhịp của Mike Tyson lại đi với tốc dộ 1-2--1-2--1-2-3--1-2
Nếu như xem ở các bài tập trên, bạn sẽ thấy Andre Ward dường như tập luyện có vẻ "nhẹ nhàng" hơn rất nhiều so với Mike Tyson. Tuy nhiên, trên thực tế, cả 2 võ sĩ này đều là những tay đấm bền bỉ. Dù vậy, khi tập luyện, nhịp độ chuyển động của cả hai võ sĩ đều được duy trì khá đồng đều. (nhanh đều nhịp hoặc chậm đều nhịp). Chính vì nhịp độ được kiểm soát này, những võ sĩ thường tập luyện "điên cuồng" và bền bỉ hơn so với khi thi đấu.
Nhịp độ trong thi đấu
Đối với nhịp độ khi thi đấu, nhịp độ ra đòn của cả 2 võ sĩ đều phụ thuộc vào những diễn biến trên võ đài. Do đó, việc duy trì nhịp độ trước một đối thủ khác hoàn toàn rất khó so với việc bạn tự làm chủ nhịp độ trong lúc tập luyện của bản thân.
Nhịp độ cú jab của Mayweather lại theo nhịp không ổn định 1-2-2,5 so với nhịp độ lách né của Canelo đang là 1-2-3. Canelo bị bắt ở khoảng giữa nhịp độ thứ 3
Cú jab của Floyd Mayweather hoàn toàn không đi đều nhịp. Đó là lý do khiến cho Canelo không thể phản ứng. Có thể nói rằng, Canelo Alvarez đã bị nhịp độ "giả" của Floyd Mayweather thôi miên. Đây là một kỹ thuật bậc cao được gọi là đánh trật nhịp (Punching off tempo).
Một ví dụ khác đến từ Wladimir Klitschko, nhịp độ của Klitschko đi theo hướng 1-1/1-2 với sự thay đổi nhịp độ đột ngột sau cú jab nhử thứ hai
Nhưng đó mới chỉ là nhịp độ ra đòn, trong trận đấu, nhịp độ di chuyển, nhịp độ tấn công, nhịp độ phòng thủ,... tất cả những điều đó tạo thành nhịp độ của trận đấu nói chung. Những ví dụ trên là những ví dụ đơn giản nhất về nhịp độ. Trên thực tế, áp lực chính là thứ kiểm soát nhịp độ trận đấu. Đối với những tay đấm chuyên tấn công hoặc những tay đấm lối Mễ chính hiệu, sự dồn ép khó chịu của họ chính là khi họ dùng sức mạnh và sự lì lợm của mình để giữ cho trận đấu ở nhịp độ dồn dập, qua đó, những võ sĩ thể lực yếu thiên về lối đánh giữ nhịp độ chậm sẽ nhanh chóng kiệt sức vì chạy trốn.
Kiểm soát nhịp độ bằng bạo lực
Không gì thể hiện được việc kiểm soát nhịp độ trận đấu rõ ràng hơn lối đánh Mễ dồn dập và bạo lực.
Trong ảnh động trên được cắt ra từ trận đấu giữa Gennady Golovkin và Canelo Alvarez 2, có thể thấy rằng dù là võ sĩ mang đậm phong cách Mễ, nhưng khi gặp phải áp lực khủng khiếp từ Canelo, ngay cả Golovkin cũng phải thụ động tránh né theo nhịp độ dồn dập từ kỳ tài trẻ tuổi Canelo Alvarez. Đây cũng chính là lần đầu tiên, thế giới thấy Gennady Golovkin phải thở dốc.
Nếu thật sự muốn hiểu thêm về kiểu duy trì nhịp độ dồn dập phong cách Mễ, hãy xem trận đấu này. Cả 2 võ sĩ đều cố gắng kiểm soát nhịp độ trận đấu để hòng làm cạn thể lực đối phương, bạn sẽ thấy sự chuyển giao quyền kiểm soát liên tục giữa hai võ sĩ kỳ cựu này.
Ngoài ra, một bậc thầy khác trong việc kiểm soát nhịp độ bằng bạo lực nữa đó là Roberto Duran. Ông vận dụng các kỹ năng Counter, tấn công áp lực để nắm giữ quyền kiểm soát nhịp độ trận đấu. Counter để có thể chuyển trạng thái phòng thủ sang tấn công, trong khi tấn công là cách để ông duy trì nhịp độ trận đấu theo ý muốn
Roberto Duran dùng counter để chuyển đổi sang trạng thái tấn công cũng như dùng counter để duy trì trạng thái này
Kết luận: Đối với phong cách kiểm soát nhịp độ bằng tấn công, mục tiêu chính của bạn chính là làm cạn kiệt thể lực đối phương tối đa bằng cách bắt họ phải phản ứng và phòng thủ liên tục. Đây là phong cách phù hợp với những võ sĩ có nền tảng thể lực tốt.
Kiểm soát nhịp độ bằng phòng thủ phản công
Nếu nói về bậc thầy kiểm soát nhịp độ trận đấu bằng phòng thủ phản công, có lẽ phải kể đến Floyd Mayweather. Trái với nhiều suy nghĩ cho rằng Mayweather chỉ biết phòng thủ tiêu cực, thực tế, chính những pha counter mới là thứ khiến đối thủ của Mayweather rơi vào bế tắc.
Floyd Mayweather đi với nhịp độ 1-2-3-4-4,5 ngắt nửa nhịp ở nhịp thứ 5, trong khi đó, Maidana đang chủ động đuổi theo Mayweather ở nhịp đều
Floyd Mayweather có khả năng counter nhạy bén cùng với khả năng đọc nhịp chuẩn đến từng giây. Do đó, không khó để huyền thoại này kiểm soát nhịp độ trận đấu kể cả khi mang lối đánh trọng phòng thủ phản công. Trong ảnh động trên, Floyd Mayweather đã tự thay đổi nhịp độ của mình đột ngột để tung ra cú móc trái vào đầu Maidana. Khi Maidana chủ động áp sát ép đài Mayweather, anh đi với nhịp 1-2-3 tương đương với nhịp sang phải của Mayweather. Tuy nhiên, trước khi đến với nhịp thứ 4, Mayweather đã nhanh chóng thay đổi nhịp độ đột ngột bằng một đòn pivot hook.
Nếu so sáng với pha jab gãy nhịp ở đầu bài, có thể nhận thấy rằng, Floyd Mayweather luôn chú trọng tung ra những pha đòn lẻ chuẩn xác. Đây cũng là yếu tố giúp Mayweather duy trì thể lực bền bỉ suốt 12 hiệp đấu. Để duy trì thể lực, bạn cần giữ vững nhịp độ, để giữ vững nhịp độ, đối thủ phải bị ĐE DỌA để ngoan ngoãn tuân theo nhịp độ của bạn. Nếu đối với các tay đấm lối Mễ, họ đe dọa đối thủ bằng sự lì lợm và sức mạnh thì đối với Mayweather, anh đe dọa đối thủ bằng những pha counter chuẩn xác và đau rát đến từng milimet.
Kết luận: Đối với việc dùng phòng thủ phản công để kiểm soát nhịp độ, mục tiêu của bạn là tiêu hao càng ít thể lực càng tốt, cũng như tiết kiệm càng ít vận động càng tốt. Đồng thời trong lúc đó, bạn phải giữ cho đối thủ luôn ở trạng thái căng thẳng chờ đợi bạn ra đòn, thậm chí là phản ứng với những trò hù dọa để làm cạn kiệt thể lực đối phương.
Tóm lược về phân phối sức và kiểm soát nhịp độ:
Miễn bạn có thể khiến đối thủ phải vận động không theo quy tắc nào, tức là bạn đang làm cạn kiệt thể lực của đối thủ. Nếu bạn duy trì được một nhịp độ ổn định trong suốt trận đấu, ấy là bạn đang tiết kiệm thể lực cho chính bản thân bạn.