Chủ nhà Trung Quốc dựa vào đâu để bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn với số lượng HCV áp đảo?
Asian Games có thể ví như cuộc chiến Tam quốc. Nơi đó, Trung Quốc sắm vai Tào Ngụy lấn lướt hẳn so với Đông Ngô Nhật Bản và Thục Hán Hàn Quốc. Từ năm 1974 khi Trung Quốc ra mắt ASIAD tại Tehran, Iran, họ đã nhanh chóng vươn lên đoạt ngôi đầu bảng xếp hạng toàn đoàn từ tay Nhật Bản tại New Delhi, Ấn Độ vào năm 1982. Cho tới nay, trải qua 10 kỳ Đại hội Thể thao châu Á, Trung Quốc luôn đứng đầu, kế đến là Hàn Quốc chiếm vị trí số 2 được 7 lần, còn Nhật Bản 3 lần. Tại Quảng Châu 2010, Trung Quốc áp đảo với 199 HCV so với Hàn Quốc 76 HCV và Nhật 48 HCV. Tại Incheon, Hàn Quốc năm 2014, Trung Quốc giành 151 ngôi vô địch so với chủ nhà 79 và Nhật 47. Ở Jakarta 2018, Nhật soán ngôi nhì bảng của Hàn Quốc với 75 HCV so với 49, nhưng cả hai kém xa Trung Quốc 132 HCV.
Lần này tại Hàng Châu, mục tiêu của Trung Quốc không đơn giản chỉ là dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương vàng với ưu thế áp đảo như trước, mà còn nhắm tới 74 suất có thể kiếm được tại Đại hội Thể thao châu Á để vượt qua vòng loại Olympic Paris 2024. Trưởng đoàn thể thao Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Thể thao Gao Zhidan xác nhận: "Toàn đội sẽ nỗ lực hết sức để chứng tỏ sức mạnh thể thao Trung Quốc. Chúng tôi không chỉ cố gắng đứng đầu BXH huy chương, mà còn xem Asian Games như cuộc kiểm tra chủ yếu trước Olympic Paris". Tuy nhiên, ông Gao Zhidan cũng thừa nhận: "Nếu chúng tôi không đạt kết quả tốt ở những môn phổ biến như các môn bóng, bao gồm bóng rổ, bóng đá và bóng chuyền, Asian Games lần này khó có thể xem như thành công cho dù chúng tôi giành được cả tấn huy chương".
Tranh tài ở 407 trong tổng số 481 nội dung trao huy chương vàng, hãy chờ xem 886 vận động viên Trung Quốc bao gồm 36 nhà vô địch Olympic Tokyo 2020 tỏ ra đáng gờm như thế nào trước thách thức không nhỏ từ Hàn Quốc và Nhật, những đối thủ lâu năm lần này đưa đến Hàng Châu đội ngũ hùng mạnh không kém, lần lượt có 867 và 771 vận động viên. Chủ nhà Trung Quốc không đề cập chỉ tiêu số HCV cụ thể tại Hàng Châu, nhưng "mỏ" huy chương vàng của họ vẫn trông cậy vào 6 môn sở trường: Bóng bàn, nhảy cầu, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ và cầu lông, bất chấp các thế lực tranh hùng như Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong số đó, nhảy cầu và bóng bàn là những môn dự báo Trung Quốc cố gắng thâu tóm hết huy chương vàng. Bơi và điền kinh là các môn mà Trung Quốc đang nỗ lực giành nhiều huy chương hơn. Riêng bóng rổ, bóng đá và bóng chuyền là các môn mà Trung Quốc phải cố gắng "vượt lên chính mình".