Chàng trai Việt mê chạy trải lòng về làn sóng hồi hương mùa dịch COVID-19

thứ ba 24-3-2020 2:43:03 +07:00 0 bình luận
Cả thế giới đang oằn mình chống chọi với dịch cúm virus corona (COVID-19) và hiện có rất nhiều người Việt xa xứ trở về nước để tránh dịch. Từ đất nước Campuchia, một chân chạy người Việt trải lòng về vấn đề này qua một bài viết đáng suy ngẫm.

Nguyễn Bá Tín là một chàng trai phương Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Campuchia với vai trò quản lý một thương hiệu đồ viễn thông của Việt Nam tại thị trường nước này. Anh chàng 34 tuổi mê chạy này từng tham gia rất nhiều giải chạy trong và ngoài nước, trước khi sang làm việc tại Campuchia 3 năm nay.

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát dữ dội vừa qua khiến nhiều quốc gia tan hoang. Người Việt ở khắp nơi trở về nước tránh dịch. Đứng trên góc nhìn của một người Việt xa xứ, Tín Nguyễn đã có một bài viết đáng suy ngẫm và webthethao.vn xin giới thiệu với bạn đọc

NẾU HÀNG RÀO BARRIER GIÚP NGƯỜI THÂN VÀ ĐỒNG BÀO BÊN KIA CỦA MÌNH ĐƯỢC AN TOÀN, HÃY GIA CỐ THÊM CHO NÓ

Mình là một người Việt đang làm việc ở Campuchia, dù không phải một nước phát triển và đầy tiện nghi như nơi nhiều bạn bè khác đang làm, nhưng mình cũng được gọi là một expat (người nước ngoài). Sáng nay, lần đầu tiên sau hơn 3 năm làm việc ở đây, mình thấy cửa khẩu biên giới với Campuchia đóng. Mọi hoạt động nhập xuất ngưng lại hoàn toàn. Tất nhiên mình vẫn ở Cam, nhìn về Việt Nam qua thanh sắt chắn ngang ở cửa khẩu.

Một làn sóng người Việt sống học tập làm việc ở nước ngoài đang đổ dồn về quê hương để tránh dịch và nhận được sự hỗ trợ y tế của chính phủ. Nhưng chắc cũng rất nhiều người trong số đó ở lại vì rất nhiều lý do, trong số đó có mình.

Không ai sinh ra được lựa chọn số mệnh, thay vào đó, mình được toàn quyền lựa chọn cách sống. Quay lại năm 28 tuổi, chán chường với sự quay cuồng nỗ lực làm việc kiếm tiền để thoát nghèo của những bạn trẻ ở một quốc gia đang phát triển ở Việt Nam mình, mình đã nghỉ một năm để nhìn lại về cuộc đời và lý tưởng sống. Một năm đó mình đi nhiều nơi, cảm nhận được sự “look down” (nhìn từ trên xuống, có ý coi thương) từ các nước phát triển với những người mang hộ chiếu như mình, cảm nhận được gánh nặng về sự cố gắng phát triển để thoát nghèo của một dân tộc nhiều chiến tranh như Việt Nam. Và trở lại làm việc, mình rất phấn khởi tham gia một dự án mang tên tuổi Việt Nam ra nước ngoài, dù dự án chỉ bước đầu triển khai ở một quốc gia có GDP một nửa Việt Nam với nền kinh tế còn sơ khai.

Không ai cấm chúng ta có quyền mơ về việc những thương hiệu Việt đủ tiềm lực và sức mạnh có thể mang những giá trị và dịch vụ mình lan tỏa sang các nước lân cận. Không ai nghi ngờ về việc chúng ta rất muốn tấm hộ chiếu chúng ta đang cầm trên tay sẽ ngày càng quyền lực thông qua sự phát triển về mọi lĩnh vực nói chung cũng như kinh tế nói riêng. Và mình may mắn được là một trong những anh em nỗ lực để dù là chậm chạp, vẫn thúc đẩy cho toàn bộ tiến trình phát triển này.

Sau 28 tuôi, với mình cả thế giới này là nhà, với chiếc ba lô đầy đủ vật dụng bên trong, bất cứ nơi nào có thể ngả lưng đều là giường, bất cứ nơi nào có bóng râm đều là nhà, và bất cứ dân tộc nào cũng là anh em. Khi không thể dùng ngôn ngữ thì dùng cử chỉ, khi không dùng cử chỉ được thì dùng nụ cười, sự kết nối giữa con người và con người gần như không có giới hạn. Sống và làm việc 3 năm kế tiếp ở Cam, những người dân ở đây cũng giống như người thân của mình, họ cũng ăn giống mình, nghe nhạc giống mình, quan tâm nhau giống mình và cũng nỗ lực thoát nghèo như mình. Tình cảm cho người Cam thậm chí nhiều hơn, vì chung quy, cuộc sống họ còn khó khăn hơn Việt Nam.

Mọi người ở Cam đều rất lo lắng dịch bệnh sẽ bùng phát ở đây vì ai cũng hiểu hệ thống y tế ở Cam còn kém và những bệnh viện chất lượng thì cực kỳ đắt đỏ. Có lần mình đến bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh xét nghiệm máu với cái hóa đơn 120 USD, trong khi một xét nghiệm tương tự nếu làm ở Việt Nam chỉ vào khoảng 20 USD. Một bạn đồng nghiệp Việt Nam sốt nằm viện một tuần chi phí hết 1000 USD, với thu nhập bình quân đầu người của Cam chỉ vào khoảng 1300 USD một năm, một luật bất thành văn ở đây là người nghèo thì không được phép bệnh.

Cửa khẩu biên giới đóng, trước đó một ngày , mình nhận được tin nhắn trong nhóm CLB doanh nhân Việt ở Cam về các chuyến bay tăng cường vào chiều ngày 17/3 của Vietnam Airlines nhằm giúp những ai có kế hoạch về Việt Nam mà không phải cách ly, nhưng dĩ nhiên là mình không có nhu cầu.

“Đi về” - một cụm từ giàu cảm xúc.

Về với quê hương, về nhà, về với gia đình và người thân ở bên kia sau thanh chắn, “về” luôn là niềm mong mỏi của nhiều người khi thế giới này phủ đầy những nỗi sợ, “về” khi mình cho rằng quê hương mang lại cho mình sự an toàn.

Nhưng thế giới này làm gì có chỗ để trốn chạy, nơi mang nhiều sự sợ hãi nhất là bên trong tâm hồn mình, và nơi chứa nhiều cảm giác an toàn nhất cũng nằm trong chính tâm hồn mình. Khi tâm hồn được an yên, vạn vật xung quanh đều nhẹ nhàng.

Mình được lựa chọn và chọn lựa để ở Cam và đặc biệt là rất hạnh phúc khi ở đây ngay thời điểm này. Sự sợ hãi, dịch bệnh và khủng hoảng rồi sẽ qua đi, một chân trời mới rồi sẽ lại xuất hiện, nếu niềm tin là đủ lớn, rủi ro đôi khi là cơ hội.

Mỗi buổi tối khi chạy bộ mình thường ghé mua một chai nước suối của một cậu bé người Cam lém lỉnh đen nhẻm hay đẩy thùng nước ngồi một góc công viên. Mỗi một lần chạy xong , cậu bé sẽ hỏi mình hôm nay anh chạy được mấy vòng, nhưng tối qua cậu lại im lặng. Khách du lịch giảm, thùng đá còn đầy những chai nước, tiền chẳng kiếm được. Ở cái tuổi mê ăn mê ngủ và cắp sách đến trường, nhìn thấy cậu bé buồn rũ rượi với ít đồng tiền lẻ trên tay, chưa bao giờ mình mong đại dịch sẽ sớm qua đi đến vậy.

Mình vẫn ổn, tâm hồn vẫn ổn và niềm tin thì vẫn còn tràn đầy. Chỉ mong những người thân yêu mình an toàn và mạnh mẽ đối diện với những nỗi sợ hãi.

Và nếu những thanh rào chắn kia bảo vệ được những người thân yêu mình bên kia biên giới, hãy gia cố thêm cho nó.

Thật kĩ vào.

Tín Nguyễn
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội