Huyền thoại Bùi Lương và câu chuyện chiếc cúp pha lê vô giá

thứ sáu 27-1-2017 9:59:14 +07:00 0 bình luận
Ngày Tết Đinh Dậu, "ông già vạn dặm" Bùi Lương chia sẻ với Webthethao.vn nhiều câu chuyện thú vị về niềm đam mê chạy bộ và cả những trăn trở điền kinh VN.

HLV Bùi Lương là người vừa nhận được giải thưởng Thành tựu cống hiến trọn đời Cúp Chiến thắng 2016. Giải thưởng tôn vinh những con người có đóng góp xuất sắc cho nền thể thao nước nhà. PV Webthethao đã có buổi trò chuyện với huyền thoại chạy bộ đường dài của Việt Nam tại căn nhà nhỏ của ông ở Hà Nội trong những ngày đón Xuân Đinh Dậu xoay quanh niềm đam mê chạy bộ. 

Chúc mừng ông vừa nhận giải thưởng Thành tựu cống hiến trọn đời Cúp Chiến thắng 2016. Sau đêm trao giải thưởng, có ai hỏi thăm ông không?

Nhiều lắm, khắp miền đất nước. Họ điện liên tục, nhắn tin liên tục. Có những người bạn Hải Phòng từ năm 1962 hiện sinh sống ở Tp.HCM trên đường đi Đà Lạt tối xem chương trình, họ gọi điện cho tôi. Nhiều học trò gọi điện ra. Cũng có người hâm mộ ở Ninh Bình xem trên báo chí, truyền hình rồi tìm bằng được đến nhà bằng được để gặp.

 


Giây phút vinh danh huyền thoại điền kinh Việt Nam, 9 lần vô địch giải Việt dã báo Tiền Phong (8 lần liên tiếp), thầy của nhiều kiện tướng điền kinh Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng

Ông ra Hà Nội từ bao giờ?

Tôi ra Hà Nội 3 ngày trước hôm trao giải Gala. Trong Bình Phước nhiệt độ từ 26-28 độ, ra ngoài này lạnh tôi vẫn chịu được do cơ địa quen rồi. Tôi thích lạnh hơn vì được mặc quần áo đẹp.

Ở trong Bình Phước, chỉ trừ thứ 2 chào cờ, tôi mặc quần tây áo sơ mi. Những ngày còn lại, tôi mặc quần áo cộc tay để chạy và huấn luyện các học trò. Tôi vẫn thích mỗi khi được về Thủ đô.

Ông đến với chạy bộ như thế nào? 

Hồi bé tôi ở Sài Gòn. Sáng dậy, tôi tập chạy thoải mái 1 vòng công viên từ nhà rồi về cũng chỉ khoảng 3km. Khi tập kết ra Hải Phòng, anh em mới rủ nhau chạy dài hơn đến 5,6km. Cũng trong năm này, Hải Phòng tổ chức giải chạy vòng quanh Sông Lấp. Hồi đó, tôi không biết chạy phân đoạn hay biến tốc gì cả, cứ chạy đều đều thôi. Tôi xếp thứ 3 chung cuộc.

Tháng 10/1957, chúng tôi thi chạy ở Hồ Gươm. Lúc đấy, anh em coi việc chạy Hồ Gươm như là được đi nước ngoài vậy vì mấy khi có dịp. Tôi lại xếp thứ 3 ở giải này cùng Hải Phòng nhất toàn đoàn. Khi đó, Hải Phòng có phong trào rất mạnh chứ không như bây giờ, cử hẳn 3 đội, mỗi đội 3 người tham dự. Số người tham dự hơn 100 người chứ đâu như bây giờ lèo tèo vài đội tuyển.

 


Giải chạy trong Công viên Bách Thảo. Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp

Tại sao ông lại chọn chạy cự ly dài chứ không phải cự ly ngắn? 

Lúc đó tôi chưa am hiểu rõ lắm. Tôi chạy đường dài và nhiều giờ để rèn luyện ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm và để đỡ nhớ nhà. Bố mẹ anh em ruột thịt ở Sài Gòn hết.

Ông có thể kể lại kỷ niệm Giải chạy việt dã báo Tiền Phong 1958 và cũng là một trong những giải đầu tiên trong sự nghiệp?

Năm 1958, giải việt dã báo Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức tại Bách Thảo (Hà Nội). Tôi xếp thứ Nhì. Hồi đó, một trong những huyền thoại của làng điền kinh Zatopek (người Tiệp Khắc, giành 3 HCV 3 nội dung 5000m, 10.000m và marathon tại Olympic Helsinki 1952 - PV).  Zatopek cũng là người đầu tiên trên thế giới chạy 10km dưới 29 phút.

Đường chạy dài 5km, xuất phát ở chuồng voi, leo núi Nùng luôn rồi chạy ra phía ngoài đường Ngọc Hà, thậm chí nhảy qua ghế đá, chạy qua chỗ để xác máy bay B-52 rồi vòng lại. Zatopek chỉ tham gia chạy mang tính chất vui vẻ.

 


Cúp giải Việt dã báo Tiền Phong lần đầu tiên năm 1958. Chiếc cúp độc nhất vô nhị làm bắng pha lê pha sứ của Tiệp Khắc do huyền thoại Olympic Zatopek (giành 3HCV 5000m, 10.000m và marathon tại Helsinki 1952) đích thân mang sang Việt Nam

 

Ông Zatopek có trao đổi kinh nghiệm chạy với ông không?

Ông ấy chia sẻ kinh nghiệm khi chạy thả lỏng, đánh tay nhẹ nhàng, luôn tìm cho mình một niềm vui để cơn mệt mỏi không đến nhanh. Cơn mệt mỏi sẽ phải đến nhưng không đến nhanh. Trong quá trình chạy có thể có nhiều cơn cực điểm như vậy, cơ thể như rã rời không muốn chạy nữa. Nhưng hít sâu, thả lỏng là sẽ vượt qua được cơn cực điểm đó để chạy tiếp. 

Xem clip chiếc cúp vô giá làm bằng pha lê sứ tuyệt đẹp từ năm 1958 do huyền thoại Olympic Zatopek mang sang Việt Nam:

 

>

Ông Zatopek bảo tìm niềm vui vậy thì ông tìm niềm vui như thế nào trong sự mệt mỏi khi chạy?

Hãy tưởng tượng ra gia đình, bạn bè đang chờ đón mình. Tôi nghĩ đến đất nước bị chia cắt và mong đất nước mau chóng được thống nhất, để đoàn tụ với gia đình tôi ở Sài Gòn. Về điều này, các đối thủ của tôi có lẽ không biết. Tôi vượt qua những cơn cực điểm rất nhanh nhờ những suy nghĩ đó.

Năm 1958, có phải VĐV Quảng Bình đi bộ ra Hà Nội dự giải ?

Họ bị trục trặc trong khâu di chuyển nên đi bộ ra. Khi họ đến Hà Nội thì giải đã kết thúc rồi. BTC tổ chức cho họ thi riêng rồi trao huy chương danh dự.

 


VĐV Bùi Lương tại giải chạy việt dã năm 1968 với bộ đồ toàn màu trắng để tưởng nhớ người yêu mất vì bị trúng bom

Năm 1967, chỉ ít ngày trước khi thi đấu ông nhận được tin người yêu ông bị trúng bom ?

Cuộc thi đấu sắp đến nơi rồi nên tôi quyết định thi xong mới về khi chuyện hậu sự cho cô ấy đã xong. Những ngày đó, tôi ăn ngủ không được trọn vẹn, khóc nhớ thương. Năm 1968, tôi mặc toàn đồ trắng từ giày, quần áo đến mũ để tang chạy. Năm đó tôi lập kỷ lục.

Lần chạy nào khiến ông ám ảnh, khó quên nhất?

Năm 1967, lúc đó tôi xúc động đau thương quá (người yêu mất vì trúng bom - PV), không chạy được.

Giờ giấc sinh hoạt của ông có khác gì so với người bình thường không?

Khi còn là VĐV, sáng tôi dậy từ 4 giờ kém 15. Dậy xong rồi tập. Hồi tôi lên đội tuyển ở Nhổn, tôi chạy trước từ đó lên trạm thú y cách đó 5km rồi chạy quay về Nhổn “súc miệng buổi sáng” 10km. Sau đó mới là tập chính. Chiều tập đến 5 giờ. Ăn xong, nghỉ ngơi tập đến 8 giờ. Một ngày 4 buổi. 9 giờ tối, ai thức mặc kệ, tôi mắc màn ngủ đến sáng.

Giờ làm HLV ở Bình Phước, tôi cho tập 2 kíp tùy thuộc nhóm VĐV phải đi học buổi sáng hay buổi tối. 3 giờ huấn luyện đến 5 rưỡi chiều.

 


VĐV Bùi Lương cùng đoàn Việt Nam tại lễ thượng cờ ở Olympic Barcelona 1992

Có nhiều người hay rủ ông nhậu không?

Vào Bình Phước có nhiều người nhậu chứ nhưng tôi chỉ góp mặt thôi. Bia rót cho 1/3 đá. Cốc bia của tôi từ đầu đến cuối vẫn còn một nửa.

 Ông có uống cà phê hay thuốc lá không?

Tôi không uống cà phê hay trà chỉ từ khi làm huấn luyện tôi mới uống trà, cà phê. Thuốc lá tôi thậm chí không bao giờ cầm trên tay.

Ông đã bao giờ phải vào viện chữa trị bệnh hoặc chấn thương chưa?

Tôi mới vào viện để chữa răng và viêm họng. Nhức đầu sổ mũi là chuyện bình thường.

Cự ly dài nhất mà ông đã từng chạy? 

Tôi từng chạy luyện tập 80km.

 


Ánh cưới vợ chồng HLV Bùi Lương

Cách đây 3 năm, ông tỏ ra quan ngại, lo lắng cho điền kinh Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về điền kinh Hà Nội ở thời điểm hiện tại? 

Điền kinh Hà Nội cự ly ngắn, vượt rào còn có thể có huy chương. Sau SEA Games 2003, cự ly dài của Hà Nội đi xuống và đến giờ chưa lên được. Các VĐV quận, huyện không cần cù tập luyện còn HLV không kịp thời đi xuống cơ sở, lặn lội tìm quân “đãi cát tìm vàng”.

Năm 1973, tôi về Hà Nội công tác vừa tập luyện vừa huấn luyện. Buổi sáng, tôi huấn luyện. Buổi chiều, tôi đạp xe khắp nơi, lúc thì Hải Bối (huyện Đông Anh) lúc thì huyện Gia Lâm, Sóc Sơn. Thậm chí, tôi ngủ ở đó để đốc thúc VĐV tập luyện.

Thời đó, nhiều người đồn nữ chạy nhiều không đẻ được. Tôi phải bảo học trò "để chứng minh cho người ta biết, các con chịu khó tập muộn tí". Sau khi các VĐV có thành tích, đẳng cấp, được mua tem phiếu thì nhiều người mới gửi con cho tập.

 


Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp

 

Tại sao ông nhận lời mời làm HLV cho đội tuyển điền kinh Bình Phước thay vì các trung tâm thể dục thao lớn như Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Sau khi chia tay ĐTQG, tôi có làm cho đoàn Biên Phòng vài năm trước khi đến Bình Phước. Đó là lời hứa của tôi khi dẫn đoàn Hà Nội vào đó thi đấu. Họ nói “khi nào thầy rảnh thầy vào trong này”. Họ nhiệt tình theo đuổi đến mấy tháng. Vợ tôi cũng xúc động mới bảo “họ khó khăn quá, anh vào đó giúp đỡ họ đi”. Đến rằm tháng giêng tới đây là tròn 6 năm. 

Vợ HLV Bùi Lương: Trong kia, họ có người tập nhưng không có thầy. Chính vì thương quý tình nghĩa của người ta nên tôi mới bảo ông nhà tôi vào mặc dù ngoài này nhiều người mời. Khi chọn lựa, đứa thứ nhất ông ấy không lấy mà lại chọn đứa thứ hai, thứ ba để vực tụi nó lên.

Tôi bảo ông ấy khi nào không làm được nữa thì về nghỉ chứ không làm cho đoàn nào khác. Thực ra ở trong đó, ông nhà tôi cũng buồn. Đi huấn luyện thì còn vui. Cuối tuần học trò nghỉ, ông ấy chỉ biết đi ra đi vào. Anh em họ hàng không có, vợ, con cháu thì ở xa.

HLV Bùi Lương: Nhưng anh em trong đó cũng hay mời tôi về nhà ăn cơm cùng nên cũng có niềm vui.

Ngay ở giải việt dã báo Tiền Phong ở Đăk Nông sau đó, tôi đảm bảo có thành tích thi phong trào. Những VĐV từng bị trả về thì tôi gọi lại. Lãnh đạo đội cũng không tin nhưng cuối cùng đoàn có thành tích vượt mong đợi.

 


Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp

Ông có tham vọng đưa học trò không chỉ cạnh tranh với các đoàn khác trong nước mà còn hướng ra các đấu trường quốc tế không?

Bình Phước hướng tới trở thành cái nôi của quốc gia về chạy cự ly dài. Xa hơn nữa là ASIAD và Olympic. Tuổi tôi cao rồi không thể lên ĐTQG. Nếu anh em trẻ cần, mình sẵn sàng đứng đằng sau hỗ trợ.

Tại giải điền kinh VĐQG 2016, Bình Phước tụt hậu nội dung marathon?

Có nhiều nguyên nhân lắm. Hôm trước thi đấu, thời tiết 26-28 độ, đùng cái đêm hôm sau trời chuyển rét mười mấy độ. Đợt chúng tôi chạy thi ở Nam Định ra trước 45 ngày, chạy trong điều kiện 10 độ cũng không sao cả. Bất ngờ nhất là VĐV nhì nữ marathon. Ở giải điền kinh trẻ ở Vĩnh Long, VĐV này chạy 10.000m còn bê bết

Ở giải chạy leo núi Bà Rá, có phải các VĐV Bình Phước chiếm ưu thế do quen địa hình?

Thiên thời địa lợi nhân hòa. Các VĐV từ nhà bước chân ra khỏi nhà đã gặp đường dốc rồi.

 


Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp

 

Khi các học trò trẻ tuổi của ông tập dưới sức, ông thường nói gì với họ?

Cũng có lúc bực. Quá lắm tôi mới nói nặng lời, còn không thì nói chuyện. Tôi nói các con không vượt qua chính mình thì không bao giờ có thành tích được. Các con thử nghĩ xem nếu ở nhà phụ bố mẹ lấy mủ cao su từ 2 giờ sáng. Các con đi tập được ăn, ở đàng hoàng rồi có thành tích thì được đi đó đi đây thì tại sao không tập?

Hai con của ông có theo nghiệp thể thao không?

Một đứa cũng có thi đấu một thời gian rồi đi học Đại học rồi làm huấn luyện cho điền kinh Hà Nội cùng Nguyễn Chí Đông, Đặng Thị Tèo. Đứa thứ hai cũng có chơi bóng bàn nhưng sau không tiếp tục và đi làm công nhân.

Có vẻ như giải điền kinh chuyên nghiệp lắng xuống, điền kinh phong trào phát triển, ngày càng có thêm nhiều giải chạy quốc tế được tổ chức?

Ở Bình Phước, chúng tôi cũng theo sát phong trào, xuống địa phương để tìm người. Quân của tôi có người rất trẻ, sinh năm 2005, chạy giải Bà Rá giành giải Nhất.

Chạy dài như vậy thì có giới hạn độ tuổi đối với VĐV trẻ?

Không nên cho VĐV chạy dài sớm quá. Tùy độ tuổi chỉ chạy 5000m, 10.000m đổ lại.

 


HLV Bùi Lương luôn nhiệt huyết, tận tâm với các VĐV điền kinh trẻ

Hiện nay, các giải chạy phong trào rất hấp dẫn và đông khán giả trong khi giải chạy chuyên nghiệp như giải điền kinh quốc gia  2016 nội dung marathon ở quận Long Biên rất ít VĐV, không có khán giả?

Rất lèo tèo. Hồi xưa chúng tôi chạy marathon ít nhất cũng mười mấy người.

 Vì sao có tình trạng này?

Họ tổ chức khu vực biệt thự ấy thì làm gì có khán giả. Các giải chạy không có khán giả còn có ý nghĩa gì. Năm ngoái, Tp.HCM đưa marathon, đi bộ sang Quận 2 thi đấu. Lãnh đạo ở địa phương cần hiểu biết về thể thao, làm sao cho nước ngoài biết sự hâm mộ thể thao của người địa phương.

Hồi Olympic Barcelona 1992, chúng tôi chạy giữa phố sầm uất. Mật độ xe cộ của Việt Nam hiện kinh quá, không thể cấm đường được. Các nước chỉ cần xe dẫn đường phía trước không cần cấm đường.  Người đứng 2 bên đường cổ vũ. Họ hâm mộ thể thao nói chung và điền kinh nói riêng. Việt Nam mình chỉ có bóng đá. 

Liệu điền kinh có cách nào tiếp cận, thu hút người xem không?

Điền kinh Việt Nam mà lấy lại khán giả kín sân Mỹ Đình như SEA Games thì không biết đến bao giờ. Muốn người ta hâm mộ thì phải làm sao để họ tập điền kinh (chạy, đi bộ).

Người làm thể thao chưa đưa chạy bộ đến với người dân được trong khi đó mở tivi ra là thấy bóng đá chứ không thấy điền kinh.

 


Thế Anh (271), Vũ Văn Sơn (223), Hoàng Nguyên Thanh (38, Bình Phước) tại giải điền kinh VĐQG. Môn marathon được tổ chức quanh một khu biệt thự thuộc quận Long Biên (Hà Nôi) trong thời tiết rét và không có khán giả xem. 

Tôi thấy ở Hà Nội nói riêng, số người chạy thể dục rất nhiều nhưng họ tập một cách ngẫu hứng, chưa có khoa học. Có cách nào để hướng đối tượng này tập một cách bài bản và duy trì lâu dài như sở thích, thói quen?

Cần có hội thể thao quần chúng miễn phí. Khi tôi ra ngoài công viên tập gặp nhiều người, tôi bảo anh chị phải đánh tay vào trong, tầm nhìn về phía trước... Họ lắng nghe, tha thiết yêu cầu hướng dẫn. Tôi nói với họ tôi chỉ có mấy ngày nghỉ phép ở đây thôi. Ở Đồng Xoài, Phước Long (Bình Phước - PV) có phong trào chạy tốt.

Thể thao đỉnh cao, cụ thể là điền kinh, ít khi nghĩ đến giới chạy phong  trào trong khi đối tượng này rất thích tham gia các giải trong hệ thống điền kinh chuyên nghiệp. Chẳng hạn, nhiều người rất muốn tham giải chạy báo Hà Nội Mới mà không thể?

Tôi cũng đã từng có ý kiến rồi. Ai thích chạy đến đăng ký. Người ta không qua được quận, huyện thì đăng ký cá nhân. Bình Phước có giải leo núi Bà Rá, các bạn nếu tham gia thì Bình Phước có sự hỗ trợ nhất định. Các bạn tham gia để thấy không khí vui vẻ cũng như sự khắc nghiệt của giải chạy này.

Sắp tới, nhiều VĐV phong trào sẽ tham gia các giải chạy có  cự ly dài 70km, 100km như giải VMM 2017. Ông có lời khuyên gì với họ?

Trước đây, tôi tập chạy tăng dần cự ly từ 25km, 30km và xa nhất là 80km để dự thi chạy 50km. Tùy theo VĐV, HLV phải nắm được  khả năng hấp thụ oxy, sức chịu đựng của VĐV để ra bài tập phù hợp. 


Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp

Trong hơn nửa thế kỷ gắn bó với niềm đam mê, chạy bộ đã mang lại cho ông những gì?

Chạy bộ mang lại cho tôi sức khỏe, niềm vui trong công tác. Trong buổi Gala Cúp Chiến thắng tôi đã nói “duyên thể thao hết mới về cõi tiên”.

Ông có điều gì hối tiếc trong sự nghiệp chạy bộ của mình không?

Cũng có. Những người bạn mình không tham gia chạy mà làm kinh tế. Họ có cuộc sống sung túc hơn. Mình tham gia chạy thì có sức khỏe. Điều kiện kinh tế không tương xứng với thương hiệu của mình. 

Ở nước ngoài, các VĐV như ông có thể sống tốt…

Điều quan trọng nhất là có sức khỏe, được nhiều người quý mến.

 


HLV Bùi Lương cầm trên tay bảo vật vô giá trong sự nghiệp chạy bộ hơn nửa thế kỉ của mình: Cúp giải Việt dã báo Tiền Phong năm đầu tiên (1958) làm bằng pha lê sứ do huyền thoại Olympic Zatopek (Tiệp Khắc) mang sang Việt Nam

Điều mong ước của ông cho chạy bộ và điền kinh?

Tôi mong muốn môn chạy, đi bộ phát triển mạnh hơn nữa. Ai cũng chạy, đi bộ để có sức khỏe. Việt Nam mới ở trong phạm vi SEA Games. Mong Việt Nam có VĐV vô địch ASIAD, Olympic.

Những người làm thể thao phải có kế hoạch quan tâm để phát huy lòng nhiệt tình tập luyện, ham mê của thể thao quần chúng. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng chọn lựa từ phong trào. 

 


Chiếc Cúp được bày giản dị trong một chiếc tủ nhỏ cùng một số cúp khác mà ông còn giữ được. Nhiều huy chương, cúp đã được ông cho, tặng

Ông có nhắn gửi gì tới độc giả của Webthethao.vn nhân dịp Xuân Đinh Dậu?

Chúc quý vị độc giả Webthethao.vn thích hơn nữa, quan tâm hơn nữa đến chạy bộ và điền kinh. Riêng tôi sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ để các bạn vượt chúng tôi để chúng ta có thể vươn xa ra biển lớn ASIAD và Olympic.

Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện.

 

 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội