Những khó khăn của phụ nữ khi tham gia chạy so với nam giới
Khi quyết định tập luyện và thi đấu một môn thể thao nào đó, phụ nữ đã được xác định có những khác biệt so với cánh mày râu. Riêng với môn chạy bộ, những khác biệt về giới tính đôi khi cũng là rào cản của chị em. Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời cho vấn đề “Những khó khăn của phụ nữ khi tham gia chạy so với nam giới?”
1. Sự khác nhau về cơ quan nội tạng
Theo nghiên cứu, nhịp tim của đàn ông chậm hơn so với phụ nữ. Một người đàn ông khỏe mạnh được xác định có trung bình 80ml máu trên 1.000 thể trọng. Ví dụ, trọng lượng của người đó là 70kg thì lượng máu trong cơ thể khoảng 5.600ml.
Trong khi đó, lượng máu của phụ nữ được cho là ít hơn, với khoảng 75ml/1.000 thể trọng. Lượng hồng cầu trong máu của phụ nữ cũng ít hơn nam giới. Sức thở của đàn ông cũng mạnh hơn phụ nữ gần gấp đôi, do đó phụ nữ bị đánh giá là yếu hơn so với đàn ông.
Điều này dẫn đến việc khi phụ nữ chơi thể thao, đặc biệt là chạy bộ, đã mang sẵn yếu thế so với đàn ông. Thành tích thể thao của phụ nữ cũng phần lớn thấp hơn đàn ông.
2. Hệ cơ, xương khớp yếu hơn
Với cấu tạo khác biệt của cơ thể, hệ cơ và xương khớp của phụ nữ cũng yếu hơn so với đàn ông. Chính vì vậy, thành tích tập luyện và thi đấu của phụ nữ về cơ bản là kém hơn so với đàn ông. Nếu như Eliud Kipchoge (Kenya) đang sở hữu kỷ lục thế giới chạy 42,195km nam là 2:01:39 (lập tại Berlin Marathon 2018) thì kỷ lục thế giới của nữ đang là 2:15:25 do Paula Radcliffe (Anh quốc) lập tại London năm 2003.
Hệ cơ, xương khớp của phụ nữ cũng được đánh giá là yếu hơn đàn ông. Do đó, sức bền, sức rướn hay tốc độ… cũng chưa thể so sánh với giới mày râu.
3. Lo lắng nhiều hơn về ngoại hình, nhan sắc
So với đàn ông thì rõ ràng nữ giới quan tâm hơn đến sắc đẹp và vóc dáng bên ngoài. Khi đến với chạy bộ, đàn ông có thể dễ dàng cởi trần, chạy dưới nắng, mưa hàng giờ đồng hồ mà không quá lo ngại về làn da hay sức khỏe thì đối với phụ nữ, do cấu tạo khác về da (mịn hơn, nhạy cảm hơn…), nên họ cũng mất nhiều thời gian hơn để chăm sóc cơ thể.
Khi tập luyện và thi đấu, phụ nữ cũng để ý hơn đến các sản phẩm dưỡng da hoặc các cách để bảo vệ làn da. Do đó, phụ nữ sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn vào chuyện mua sắm trang phục, phụ kiện và dinh dưỡng…
4. Nỗi ám ảnh mang tên “đèn đỏ”
Trở ngại lớn nhất của phụ nữ khi đến với thể thao so với đàn ông chính là… kinh nguyệt. Mỗi tháng một lần, chị em phải chịu đựng những ngày khó nói. Vào thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ bị mất máu, hormone thay đổi, nhiều người còn bị phù nề, tính tình dễ cáu bẳn hơn…
Theo một số chuyên gia, tùy theo thể trạng của mỗi người, vẫn có thể tập luyện vào “ngày đèn đỏ”, tuy nhiên nên giảm cường độ tập. Với một số chị em có thể trạng yếu thì được khuyên nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong những ngày này.
5. Áp lực công việc và những mối quan tâm gia đình, con cái
Với nhiều phụ nữ, việc duy trì được lịch tập luyện đều đặn mỗi tuần là một kỳ tích. Ngoài những áp lực công việc căng thẳng, chị em phụ nữ còn nhiều mối bận tâm khác như chăm sóc gia đình, con cái… Nếu cánh mày râu có thể vô tư dành ra vài giờ mỗi ngày để tập luyện thì phụ nữ sẽ phải tính toán kỹ càng và hợp lý hơn về lịch trình để có thể tập thể thao.