Sự thật ít biết trên đường chạy hơn 330km của cô gái Việt tại Mỹ
Sáng 18/8/2021 (đêm 17/8 giờ Mỹ), Diệu Trần hoàn thành cuộc đua Bigfoot 200, giải chạy được ban tổ chức công bố có tổng quãng đường vào khoảng 209 dặm (khoảng 335km). Cuộc đua diễn ra trong 4 ngày 3 đêm với sự tham dự của 208 VĐV.
Diệu Trần hoàn thành sau gần 4 ngày rưỡi, tương đương 105 giờ 51 phút. Cô gái quê Lâm Đồng nằm trong số hơn 100 người hoàn thành, trong khi 89 người phải bỏ cuộc.
Ít ai biết được rằng, để hoàn thành cuộc chạy siêu địa hình khắc nghiệt này, cô sinh viên ngành kỹ sư điện máy tại Utah đã phải trải qua những gì.
“Để chạy xa được như thế này thì tôi không thể quên những ngày đầu năm 2016 các anh chị em trong nhóm SRC đã dẫn tôi đi chạy và hướng dẫn tận tình. Không có mọi người, không có Diệu Trần ngày hôm nay.
Chạy được gần 250km, tôi cũng muốn gục rồi, lúc đó mở điện thoại mới thấy rất nhiều tin nhắn của mọi người động viên. Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần suốt cuộc đua và lấy làm một phần động lực đi tiếp về đích. Cảm ơn mọi người và hy vọng ở nhà mọi người tiếp tục vững vàng vượt qua dịch nhé!” - Diệu Trần chia sẻ sau vài ngày nghỉ dưỡng sức.
Cô gái 28 tuổi quê gốc Bảo Lộc kể về hành trình đầy gian nan của mình: “Sáng trước cuộc đua, nhiều người hỏi tại sao tôi mặc áo sơ mi. Thực ra thì áo đó rất mỏng và nhẹ dùng để chạy. Tôi chọn nó vì dự báo thời tiết hai ngày đầu nóng ẩm 40 độ. Áo trắng để bớt hấp thụ nhiệt và dài để che được tay nên hạn chế được việc dùng kem chống nắng để da “thở” tốt hơn và hạ nhiệt hiệu quả.
Năm nay, BTC cũng xác định đây là thời điểm có khí hậu khắc nghiệt nhất nên nhiều anh chị mang dù (ô) đi chạy luôn. Tôi không mang nên nhiều ước là có một chiếc dù để che nắng.
Tối đầu tiên, lúc này là những con dốc liên hồi không có điểm dừng. 50km đầu đường toàn đá lổm chổm rồi lại xen kẽ rừng rậm. Nhiều đoạn dốc đá dựng đứng nên cần dùng dây thừng để leo.
Nhưng đoạn nóng nhất chính là vị trí khoảng hơn 30km, đường không một bóng râm. Rất nhiều VĐV tôi gặp đã hết nước mà còn gần 20km mới tới trạm.
Nhiều người vì khát quá nên uống luôn nước suối đục. Có những trạm rất nhiều VĐV quyết định bỏ cuộc vì có dấu hiệu sốc nhiệt.
Đường đua hiếm lắm mới có một đoạn bê tông, còn lại rất nhiều đoạn không có đường rõ ràng, các VĐV phải chui vào bụi cây để đi. Muỗi nhiều vô kể. Trên đường cũng có nhiều con suối nước sâu và mạnh. Nhưng tôi rất thích lội suối vì rất mát.
Đêm thứ 2, ngón chân cái của tôi bị dập nên các cần đến nhân viên y tế cuốn băng keo. Đỉnh Elk Peak khiến tôi mất gần… 8 tiếng để chinh phục con dốc dài và cao nhất của giải.
Vừa nóng bể đầu thì tới ngày 4 trời chuyển mưa lạnh. Cái lạnh buốt xương và đó là lúc tôi vừa đuối vừa buồn ngủ, vừa ảo giác mà không dám dừng vì sợ lạnh mất thân nhiệt. Gặp được các anh VĐV khác, mọi người rủ đi chung để hỗ trợ nhau. Người nào tỉnh thì dẫn đầu, mệt lại đổi cho nhau. Chỉ một cuộc đua thôi mà tôi có thêm bao nhiêu bạn thân tình.
Nhiều đoạn đường đua có nhiều cây to đổ vì bão. Các VĐV phải len lỏi chui qua hoặc leo qua cây để đi. Có những đoạn, một bên cây đổ ngang dọc, một bên vực.
Trên đường chạy, tôi cũng gặp nhiều cảnh các VĐV nằm ngay bên đường ngủ ngon lành. Những lúc mệt, tôi cũng nghỉ như thế để lấy lại sức.
Đếm trạm nghỉ cuối đoạn 196 dặm, lúc này vừa đuối, vừa đau, nhưng đây cũng là lúc tôi thật sự nhận ra nỗ lực sau mấy ngày đang thành hiện thực vì chỉ còn 20km nữa thôi.
Gần 200 dặm, chân tôi te tua rồi, vết sưng dưới chỗ bị chai phải dùng dao lam cắt cho chảy chất dịch ra. Nhưng lần đi chạy các giải 100 dặm, toàn lầm lũi về đích. Nhưng lần này thì khác…
Gần về đích, một anh có nụ cười đẹp ơi là đẹp từ đâu chạy ra cổ vũ và nói: “Còn 2 dặm nữa thôi, cố lên em gái”. Lúc đó thật sự rất xúc động…
BigFoot 200 dặm, hơn 330km, độ cao khoảng 14000m, hơn 4 ngày lang thang vùng núi Cascade, tiểu bang Washington của Mỹ đã diễn ra như thế...”.