Khai mạc SEA Games 31: Kỳ Đại hội đặc biệt bậc nhất và ngôi đầu chờ sẵn chủ nhà
1/ Từ lần đầu đăng cai thành công về mọi mặt năm 2003, vòng quay SEA Games trở lại Việt Nam ở kỳ Đại hội lần thứ 31, và theo dự kiến diễn ra từ 21/11 đến 2/12/2011. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch COVID-19, vào tháng 7 năm nay, Việt Nam và Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã thống nhất hoãn SEA Games 31, dời sang 2022.
Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, trong phiên họp đầu tiên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 đã chính thức quyết định thời điểm diễn ra Đại hội là 12-23/5/2022.
Đây được đánh giá là thời điểm phù hợp nhất có thể như khẳng định của ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT. Đúng như tính toán, khi SEA Games khởi tranh, các nước trong khu vực khả năng đã “phủ” vaccine phòng chống COVID-19 cho khoảng 70-80% dân số.
SEA Games 31 cũng không trùng với các sự kiện thể thao quốc tế lớn của năm 2022, như Olympic mùa đông (tháng 2), Asian Games (tháng 9), đồng thời tạo thuận lợi cho lịch trình của Campuchia SEA Games 32 (từ 5-17/5/2023).
SEA Games 31 trở thành kỳ Đại hội thể thao khu vực đặc biệt bậc nhất, khi lần đầu diễn ra vào năm chẵn, cách kỳ trước 3 năm và ngay sau đó một năm lại là một kỳ Đại hội mới.
Qua đây, Việt Nam khẳng định trách nhiệm cao nhất với đại gia đình ASEAN nói chung, thể thao khu vực nói riêng, cũng như quyết tâm, nỗ lực và hiệu quả của việc phòng chống dịch, đúng như kết đọng trong khẩu hiệu của chính SEA Games 31 “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” (For a Stronger South East Asia).
2/ Với phương án chính thức mới, quỹ thời gian để Việt Nam chuẩn bị SEA Games 31 chỉ còn khoảng nửa năm, với một khối lượng công việc khổng lồ, trên nhiều mặt để sẵn sàng cho ngày hội, màn thi tài của 10.000 VĐV của 10 quốc gia trong khu vực.
Trên thực tế, các đơn vị liên quan, nhất là Tổng cục TDTT cùng các địa phương, vẫn đang tích cực triển khai việc chuẩn bị, nhất là về chuyên môn và cơ sở vật chất. Một thuận lợi căn bản, là Hà Nội cùng 11 địa phương đăng cai sẽ có thể tận dụng được các cơ sở vật chất sẵn có, hầu hết đã cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, đều đang được nâng cấp sửa chữa.
Công trình duy nhất phải xây mới phục vụ môn quần vợt tại Bắc Ninh với một cum sân thi đấu và sân tập thuộc diện hiện đại nhất Đông Nam Á theo mô hình xã hội hóa cũng đã sớm hoàn tất.
Dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí, thời gian, cùng những ảnh hưởng của dịch COVID-19, song đến cuối tháng 4, nước chủ nhà đã cơ bản sẵn sàng về mọi mặt cho các cuộc tranh tài.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao Ủy ban TDTT, Trưởng đoàn TTVN, điều có thể yên tâm, yếu tố mang tính quyết định, chính là việc thể thao Việt Nam, không còn như lần đầu đăng cai SEA Games 22, đã tích lũy được kinh nghiệm tổ chức, lễ tân, chuyên môn, qua hàng loạt các sự kiện, giải đấu, kể cả tầm châu lục và thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam đang sở hữu một đội ngũ nhân lực quản lý, nhân viên có thể điều hành các cuộc thi đấu một cách chuyên nghiệp không thua gì quốc tế, cả về tổng thể chương trình thi đấu đến từng môn.
3/ Theo tinh thần được Ban Chỉ đạo Quốc gia về SEA Games 31 đặc biệt nhấn mạnh với ngành thể thao trong việc chuẩn bị, tổ chức Đại hội thì “Việt Nam dứt khoát phải vượt tầm ở SEA Games 31”.
Theo đó, ở lần thứ 2 nhận vinh dự và trọng trách đăng cai, thể thao Việt Nam phải phấn đấu làm nên một kỳ Đại hội thể thao khu vực không chỉ tốt ở phần lễ mà còn ở việc tổ chức thi đấu. Việt Nam dứt khoát không chạy theo những Đại hội trước đây mà chỉ tập trung vào những môn Olympic và Asian Games.
Nước chủ nhà đã chứng tỏ quyết tâm vượt lên chính mình, nâng tầm SEA Games ngay từ “gốc” với một chương trình thi đấu 40 môn cùng 526 nội dung có sự áp đảo của các môn Olympic và Asian Games. Đáng chú ý, khác với “nếp quen” SEA Games, không môn Olympic nào bị cắt nội dung.
Đây là một chương trình thi đấu được chính các nước trong khu vực đánh giá thuộc diện “ổn” nhất từ trước đến nay, thậm chí còn “chuẩn” Olympic hơn cả các kỳ Asian Games.
Giới chuyên môn đều cho rằng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào “một kỳ SEA Games fair play” như lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam cam kết với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cùng 10 đoàn bạn. Trong khi đó, đoàn thể thao nước chủ nhà vẫn sẽ đua tranh sòng phẳng để chiến thắng ở hàng loạt môn thế mạnh, cũng như vị trí dẫn đầu toàn đoàn, với đối thủ chính được xác định là Thái Lan.
Trong đó, đúng như cố Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang từng khẳng định “Việt Nam đủ mạnh ở các môn Olympic để tranh chấp sòng phẳng ngôi nhất toàn đoàn”.
Ngay từ trước Đại hội, lãnh đạo đoàn TTVN đã công bố chỉ tiêu giành từ 140 HCV trở lên để lần thứ hai đoạt ngôi nhất toàn đoàn, và đích nhắm này hoàn toàn khả thi. Tại SEA Games 30, Việt Nam chính là đoàn dẫn đầu ở các môn Olympic với 71 HCV, nhiều hơn Thái Lan đứng sau tới 20 chiếc, và thành quả này còn có thể lớn hơn nhiều ở SEA Games 31 với một chương trình thi đấu có sự áp đảo của các môn Olympic và Asian Games.
Trong chỉ tiêu 140 HCV, có “định mức” 100 HCV thuộc về các môn Olympic. Trong 40 môn với 523 nội dung, thể thao Việt Nam có thể đoạt HCV ở khoảng 30 môn, đứng đầu ít nhất 15 môn tại SEA Games 31.
Và những diễn biến thực tế qua hai ngày tranh tài đã cho thấy khả năng nước chủ nhà vượt qua chỉ tiêu 140 HCV là cực cao.