Khám phá khu ổ chuột lớn nhất Philippines: Những đứa trẻ dưới lòng đất và xe container chạy trên đầu (Kỳ 2)
->>> Hành trình khám phá khu ổ chuột lớn nhất ở Philippines (Kỳ 1)
Những đứa bé bên làn ranh sinh-tử
Ngay khi đặt chấn xuống cầu, chúng tôi bị hắt xì liên tục bởi mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng lên từ con kênh. Nhìn xuống dưới là dòng nước đen ngầu với mọi thứ rác thải nổi lềnh bềnh. Dọc theo hai bờ kênh, những ngôi nhà lụp xụp san sát nhau hiện ra. Chúng chỉ được lợp bằng những tấm tôn cũ, miếng ván hay cả miếng bìa cát-tông tạm bợ, trông ẩm thấp, méo mó.
Vẫn đám con nít xúm xít vây quanh "những người đến từ thế giới khác". Chúng tôi bắt đầu di chuyển, rảo bước quanh các con đường của khu ổ chuột Barangay 93, phố Capulong, Tondo. Ngay sát cạnh những căn nhà lụp xụp nằm ngay mép cầu là ngôi nhà cao tầng, rộng rãi. Phía đằng xa, những khu cao ốc xuất hiện. Một sự tương phản ghê gớm!
Và ngay tầm mắt chúng tôi là cảnh tượng sinh hoạt "nguyên thủy" của người dân vùng Tondo. Họ tắm cho nhau ngay trên cầu, dưới lòng đường, như chưa hề biết tới tiếng gầm rú của những chiếc container, xe tải chạy qua. Một người đàn ông với vẻ mặt nhem nhuốc còn nhảy bổ ra với hai tay dàn ngang như muốn chặn đầu xe đang lưu thông ngược lại.
Trên vỉa hè, một hình ảnh ám ảnh chúng tôi đó là cô bé khoảng 4 tuổi nằm ngủ ngon lành một mình cạnh chiếc xe bán hàng rong rệu rã. Những đứa trẻ khác lại vui đùa cùng chú chó với dòng xe cộ nườm nượp qua lại. Người lớn thì đứng ngồi vất vưởng quanh các ngôi nhà lụp xụp.
Chúng tôi bắt gặp Rosela. Cô ngồi trên xe máy, dù mới 35 tuổi nhưng nét mặt đầy khắc khổ, già hơn độ tuổi của mình. “Cả sáng giờ chưa có cuốc nào cả, lại đói rồi”, Rosela thở dài.
Cô bảo, cô vẫn còn may vì có chiếc xe để chạy xe ôm. Nó cũng là tài sản lớn nhất với cả nhà. “Có ngày kiếm được 30, 40 peso; có ngày kiếm 100 peso là mừng lắm rồi. Lúc đó, cả nhà 6 người không đói còn hôm nay thì đói chắc”, Rosela vừa than vừa cảm thấy may mắn.
Cô chỉ chúng tôi đi xuống hướng của con hẻm Barangay 93. Đám con nít thấy chúng tôi vừa đi xuống liền chạy tới chặn lại. Vẫn chú bé kêu đói, xin tiền đó bám càng chúng tôi. “Cho cháu tiền đi, cháu đói lắm”, cậu nói mà đôi mắt cứ đảo liên tục. Hỏi chuyện thì cậu tên Prins Netan Dalaroma. Đã 10 tuổi nhưng Prins nhỏ thó, gầy guộc.
Vào sâu trong con hẻm, chúng tôi gặp Mario Taraya. Đôi chút ngập ngừng lúc đầu khi chúng tôi bắt chuyện nhưng rồi, Mario Taraya cũng dần trải lòng. Ông bảo, trước đây, ông là thủy thủ, từng đi rất nhiều nước như Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc,… Ông nghỉ cũng lâu rồi. Giờ chỉ ở nhà trông cháu, không làm gì cả.
Mario Taraya có thể xem là một trong những người "có tri thức" trong khu ổ chuột này. Ông đã 56 tuổi và có 50 năm sống ở khu ổ chuột Tondo. Ông kể rằng: “Nhiều người dân ở khu phố này cũng như tôi, họ cũng thất nghiệp. Không ít đã nghiện ngập. Người có nghề thì làm theo thời vụ, có gì làm nấy. Người dân nơi đây sống bằng nhiều nghề: lượm ve chai, bới rác, bốc vác, ăn xin…
Họ khổ lắm, thu nhập thì ngày được ngày không. Có khi được 50 peso, khi may lắm mới được 100 peso còn nhiều ngày không có gì. Cuộc sống như thế thì làm sao để có nhà cửa đàng hoàng. Ở quanh đây cũng có người Myanmar, Ấn Độ, Indonesia… đến sống nhưng cuộc sống của ai thì người đó tự chịu”, Mario trầm ngâm.
Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người (GDP) năm 2018 của Philippines là 3,103 USD/người/năm, tương đương 158,000 peso/người/năm; có nghĩa, cao gấp gần 10 lần con số của người dân ở khu ổ chuột Tondo.
"Căn nhà" 2m vuông và ước mơ của Mae
Mario Taraya sống trong căn nhà khá tồi tàn với chiều rộng chưa đầy 2m nhưng ở khu Capulong Tondo này, ông vẫn còn may mắn hơn bao người khác. Khi đang nói chuyện, bất chợt có cô bé đi ngang qua, Mario Taraya “kết nối” chúng tôi với cô bé. Đó là Mae, 15 tuổi.
Mae sống trong căn nhà cùng hai chị em ruột khác. Nói là “nhà” cho sang chứ Mae chỉ sống dưới cái hầm ở chân dốc cầu dẫn vào ổ chuột Barangay 93, với phía trên là con đường Capulong, một bên là con mương đen kịt đầy rác rưởi.
Chúng tôi thuyết phục để vào mục sở thị "ngôi nhà". Mae ngập ngừng, tỏ vẻ không thích nhưng sau một hồi thuyết phục, cô bé 15 tuổi này dẫn chúng tôi vào nhà. Khi Mae mới chỉ bước chân từ con hẻm để dẫn vào nhà, chúng tôi có cảm giác rùng mình bởi nó chỉ rộng khoảng 1-2 mét vuông. Đặc biệt, để vào được nhà, chúng tôi phải cúi gập nửa thân người.
Trong căn nhà như một cái lăng mộ tồi tàn này chỉ có đúng 1 chiếc võng bên trong. Nơi thấp nhất từ mặt đất chỉ khoảng 1m còn nơi cao nhất chưa đến 1.5m. Tối đến, ba chị em ngủ trong hốc. Hỏi nấu ăn ở đâu, Mae dẫn chúng tôi luồn ra khỏi hốc nhà sát ngay đó là khu vực nhỏ chỉ đủ để mấy cái chậu, cái thùng và cái chuồng gà bé xíu.
Mỗi bước đi chúng tôi phải hết sức nhẹ nhàng và gập nửa thân người xuống. Mae bảo, bên cạnh vẫn còn "nhà" của người khác, với chính xác là 3 người cộng thêm 4 con chó chia nhau khoảng không gian tối tăm ẩm thấp.
Phải khi đứng bên trong một "cái chuồng" đúng nghĩa giữa khu ổ chuột, chúng tôi mới cảm nhận được mặt đất trên đầu rung bần bật do bánh từ những chiếc container nặng hàng chục tấn giã xuống.
Chưa hết, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ con kênh đen ngòm sát bên cạnh khiến người nghe có lẽ thêm rùng mình khi cô bé Mae nói thêm: “Những ngày trời nắng gắt, khổ lắm, vừa nóng vừa hôi thối, không thể ở trong nhà được. Mưa to thì nước cống tràn cả vào nhà. Mấy chị em chỉ biết lang thang vật vờ đi ở nhờ”, Mae nói.
Bước ra khỏi “căn nhà” của Mae lúc chiều tà cũng là lúc, đám trẻ con tập trung tại con mương ngày càng đông và cậu bé Prins khiến đám bạn khoái chí la hét khi ôm theo miếng xốp nhảy thẳng xuống dòng nước đen ngòm, đặc những rác rưởi để... bơi lội thỏa thích.
UNICEF từng thống kê rằng chỉ có 16% trẻ em trong các khu ổ chuột có cơ hội tiếp cận nước sạch sinh hoạt. Còn Ủy ban chăm sóc sức khỏe của Philippines từng đưa ra tỷ lệ trẻ em bị thiệt mạng ở các khu ổ chuột cao gấp 3 lần các khu vực khác. Tất nhiên, một trong những nguyên nhân chính có lẽ cũng bắt nguồn từ dòng nước đen kịt vốn đã trở thành trò chơi vui nhất của đám nhóc trong khu ổ chuột Barangay 93 ở Tondo.
Không ai biết, liệu bao giờ Prins có thể bơi từ chiếc mương nước thải đó ra biển lớn, dù cảng Manila chỉ cách đó vài trăm mét hàng dài những container chồng lên nhau. Và càng không ai biết, cô bé Mae cùng hai chị em gái, sau hằng đêm ngủ đúng nghĩa dưới lòng đất và nghe tiếng bánh xe container nện xuống mặt đường trên đầu sẽ có một tổ ấm đúng nghĩa...
Trời đã chập choạng tối, chúng tôi quyết định rời Tondo để trở lại với thế giới khác, Makati, để tiếp tục công việc tác nghiệp tại SEA Games 30. Mae thấy chúng tôi đeo ba lô đựng chiếc máy ảnh phía sau liền rướn lên nhắc: “Chú nhớ đeo lại ba lô trước ngực và phải coi chừng đấy...”!