Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Webthethao tự hào trên dòng chảy báo chí
Mang “chất Webthethao” vào VCK EURO
“Khi tôi may mắn được trao nhiệm vụ đi Pháp tác nghiệp VCK EURO hồi tháng 6/2016, đó là thời điểm trang Webthethao.vn mới “ra đời” 3 tháng và đang bắt đầu hòa vào dòng chảy báo chí Thể thao sôi động tại Việt Nam.
1. Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác rét run cầm cập giữa mùa Hè, khi bước ra khỏi cửa sân bay Charles De Gaule. Chính xác đó không phải bầu không khí đặc quánh mùi vị bóng đá, mà lại là cái rét lạnh căm giữa tháng 6 chào đón tôi ở Paris, sau 12 tiếng ngồi máy bay từ nơi xuất phát (Hà Nội) nóng bức gần 40 độ.
Sự khác biệt về thời tiết chỉ là yếu tố thử thách đầu tiên khi đến tác nghiệp EURO. Và điều thứ hai, bắt buộc, đó phải nhanh chóng tự điều chỉnh đồng hồ sinh học bản thân. Bởi nếu ở nhà (VN) bạn có thể đã lên giường ngon giấc lúc 23h00 đêm thì trên đất Pháp mới là 17h00 chiều và guồng quay công việc còn rất tất bật.
Có quá nhiều kỷ niệm, bài học kinh nghiệm, và đặc biệt là sự may mắn đến với tôi trong hành trình tác nghiệp EURO 2016, bởi khi ấy chưa ai quên nước Pháp mới trải qua liên tiếp những vụ tấn công khủng bố cực đoan đẫm máu, thậm chí sân Stade de France cũng từng bị đặt bom, thế nên cảm giác e sợ là có thực.
Tôi nhớ như in khoảng thời gian chậm rãi đáng sợ khi một mình khoác chiếc ba lô nặng trĩu đồ tác nghiệp cuốc bộ về nhà sau một ngày dài tác nghiệp, lúc gần nửa đêm, trong con hẻm tối ở khu Lepic nổi tiếng ăn chơi ồn ào và cũng không thiếu trộm cướp.
Rồi còn nữa cảm giác rùng mình khi ngồi trên tàu điện ngầm về nhà sau trận chung kết Pháp thua sốc BĐN mà chỉ có Chúa mới biết liệu đám CĐV hăng máu chủ nhà có trút giận vào mình hay không.
Và đặc biệt, cảm giác bị cay xè nhức mũi, chảy cả nước mắt vì dính khói từ những quả đạn hơi cay cảnh sát chống bạo động bắn ra trong ga tàu điện ngầm khi dẹp người biểu tình làm ảnh hưởng đến EURO.
2. EURO 2020 đang mang đến một trải nghiệm tuyệt vời khi giải tổ chức ở 12 thành phố trên khắp châu Âu. Nhưng ở kỳ EURO 5 năm trước, tôi đã có may mắn tác nghiệp, hít thở không khí giải đấu cả ở những quốc gia lân cận.
Hành trình tới Barcelona giúp tôi cảm nhận rõ hơn cuộc sống trong lòng một “quốc gia thu nhỏ” luôn coi mình “tách biệt” với Tây Ban Nha, cả trong ngôn ngữ bóng đá. Và xem một ĐTQG thi đấu VCK EURO, từ ngay trên đất nước họ, mang đến một cảm xúc rất đặc biệt.
Và còn nữa, cảm giác từ thất vọng đến hạnh phúc khi cuốc bộ cả ngày dò tìm khu fanzone tự dựng lên của đám tifosi máu lửa, giữa thủ đô Roma, để xem trận tứ kết Italia - Đức tuyệt vời làm sao.
Nó thậm chí xua tan mệt mỏi và cả cái khó khăn khi một chân dẫm lên gờ cột đèn điện, chân kia dẫm lên nắp thùng rác chỉ để nhìn thấy rõ hơn màn hình ti-vi ở Fanzone.
Điều đó, chắc chắn thú vị và là chất xúc tác tuyệt vời để bất kỳ phóng viên nào tìm cảm hứng viết bài về EURO.
Sau cùng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những người tôi may mắn gặp gỡ, kết bạn trên hành trình dài ấy. Đó có thể là bạn sinh viên quen từ trên máy bay sau đó đã đón và giúp tôi tác nghiệp ở Bordeaux, hay một tình nguyện viên EURO gốc Việt làm việc bên ngoài SVĐ ở Toulouse, hoặc một gia đình Việt sẵn sàng lái xe đón tôi lúc 12h đêm ở ngoại ô hẻo lánh gần Marseille và đưa về nhà đãi món phở bò lúc 1h sáng…
Đấy là những gương mặt, kỷ niệm không bao giờ quên trong hành trình tác nghiệp EURO 2016, và cũng là hành trình Webthethao.vn ghi dấu ở một trong những sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh.
Dương Quỳnh
Tim đập mạnh, chân run khám phá khu ổ chuột lớn nhất Manila ở SEA Games 30
“Bước ra bên ngoài khách sạn cũng có khu ổ chuột, làm gì mà đi xa thế”, một đồng nghiệp hỏi khi biết chúng tôi tìm đến Tondo, nơi cách trung tâm thành phố Manila khoảng 13km. Nhưng không, nếu thế thì quá dễ và chưa phản ánh hết chân thực về cuộc sống ở Philippines, địa điểm tổ chức SEA Games 30. Chúng tôi quyết định chọn Tondo vì đây khu vực có dân cư, diện tích lớn nhất trong 16 quận thủ đô Manila và là một trong những khu ổ chuột lớn bậc nhất ở Philippines cũng như thế giới.
Trong lúc chờ đợi SEA Games 30 khởi tranh, chúng tôi muốn tìm hiểu bức tranh muôn màu ở nơi đây. Trước đó, khi còn ở Việt Nam, một trong những đề tài mà chúng tôi muốn khám phá là cuộc sống, văn hóa, con người bản xứ cũng như người Việt ở xứ người.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi không khỏi giật mình vì những câu chuyện liên quan đến khu ổ chuột; nào là nạn cướp bóc, móc túi, băng nhóm tội phạm,… Tất cả đều có thể gây nguy hiểm cho bản thân. Nhưng rồi, chúng tôi quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim, của sự chân thật nhất có thể, để kể lại cho độc giả.
Trước đêm đó, thứ cảm giác bồi hồi xen lẫn lo lắng xuất hiện. Song, tất cả đều vụt qua để hào hứng khám phá góc khuất này, khác xa so với Manila phồn hoa. Tất cả dữ liệu chỉ nằm trên… google. Và với nghiệp vụ của mình, chúng tôi dò lần mãi mới đến được nơi mình cần đến.
Khủng khiếp và sốc! Đó là cảm giác đầu tiên khi chúng tôi dừng ngay trên cầu sau khi đặt chân đến Tondo. Đó là một thế giới hoàn toàn khác với toàn rác là rác, với một con kênh đen đặc quánh và với hình ảnh sinh hoạt như thời “nguyên thủy”. Chúng tôi cứ như người “ngoài hành tinh” đến khu vực này với sự chào đón “nồng nhiệt” bằng những ánh mắt khác lạ, bằng sự vồ vập của những đứa trẻ.
Nhưng rồi, sau những phút “đứng hình” đó, chúng tôi bình tâm lại; để khám phá một góc ở khu ổ chuột này. Càng đi sâu càng thấy nỗi cơ cực của người dân nơi đây. Một “ngôi nhà” rộng chưa đến 2m vuông, nằm ẩm thấp dưới chân cầu, phía trên là xe container ầm ầm chạy. Đó là nơi cư ngụ của 3 nhân khẩu, ở chung với cả 4 con chó. Có cảm giác, nó có thể bị sập bất cứ lúc nào. Một hình ảnh quá cô đọng để nói về Tondon. Nhưng không, lòng trắc ẩn vẫn thôi thúc chúng tôi muốn khám phá nhiều hơn, muốn cảm nhận rõ nhất cuộc sống của người dân nơi đây.
Tôi muốn tìm đến khu vực dân cư rộng 10.000m vuông ở Tondo bị hỏa hoạn san phẳng. Thế nhưng, vì SEA Games 30 đang đến gần và vì sự an toàn cho bản thân, đó vẫn là lời hứa ở tương lai, nếu có dịp quay lại Tondo.
Trần Khánh
Ký ức tác nghiệp không thể quên trên đường chạy marathon SEA Games 30
Tác nghiệp tại SEA Games luôn là một thử thách với cánh phóng viên Việt Nam bởi ở đó, những cây bút phải trải qua tất tần tật những áp lực về thời gian, ý tưởng viết, tốc độ chụp ảnh và cả thể lực để “nuốt trọn” khối lượng công việc cực lớn.
Tại Philippines tháng 12/2019, tôi đã trải qua một kỳ tác nghiệp nhiều cảm xúc nhất trong những lần ra nước ngoài công tác. Và thứ đọng lại chính là những trải nghiệm khó quên với một kỳ SEA Games thú vị.
Đến Làng VĐV ở New Clark City, bơ vơ mãi tìm được chỗ ở, tụ quân cùng một số anh em đồng nghiệp báo khác, tôi bắt đầu cho hơn một tuần tại điểm tổ chức các môn thi Olympic quan trọng như điền kinh và bơi lội của SEA Games 30.
Từ Hà Nội, tôi và các đồng nghiệp đến thủ đô Manila vào những ngày cuối tháng 11 năm đó. Riêng tôi chỉ có một đêm ở lại Manila rồi sáng hôm sau phải tự di chuyển đến vịnh Subic, nơi tổ chức một triathlon (3 môn phối hợp) mà tôi phụ trách. Kế hoạch tác nghiệp bị cắt giảm từ 5 ngày xuống còn 3 ngày sau khi hoàn tất “hòm hòm” công việc tại đây. Chứng kiến khoảnh khắc Nguyễn Thị Phương Trinh giành tấm huy chương đồng SEA Games đầu tiên cho đội tuyển Việt Nam ở phân môn duathlon này khởi đầu cho những ngày chạy… sạt háng sau đó.
Nhưng dấu ấn lớn với tôi chính là việc tác nghiệp ở nội dung marathon sáng sớm 6/12/2019. Ngày đó, chỗ chúng tôi ở rất xa sân vận động. Cách di chuyển duy nhất đến đó là xe tuk tuk. Marathon bắt đầu từ rất sớm nên việc đến sân vận động rất khó khăn khi không có người lái tuk tuk. Xác định vậy nên một mình tôi lọ mọ đi bộ trong bóng tối tại một ngôi làng xa lạ ở đất Philippines từ 3 giờ sáng. Những tưởng phải đi bộ rất lâu thì thấy bóng sáng của đèn xe máy, chẳng nghĩ gì cả, tôi lao ra giữa đường gần như chặn xe đó lại. Rất may đó một là chàng trai xe đi xe máy phân khối lớn đang trên đường đi làm tại một quán Internet, đã đồng ý chở tôi sau vài câu giải thích. Nghĩ cũng liều mạng.
Tới sân vận động kịp giờ xuất phát nội dung marathon nam, tôi quan sát hình như mình là phóng viên Việt Nam duy nhất ở đó bởi xung quanh toàn phóng viên nước bạn. Cả buổi chạy như con thoi để tác nghiệp các VĐV chạy hơn 42km cũng đáng giá khi tôi và cậu em đồng nghiệp bắt trọn được khoảnh khắc VĐV Phạm Thị Hồng Lệ khi lên nhận tấm huy chương đồng marathon nữ.
Chứng kiến hình ảnh cô gái Bình Định bé nhỏ xiêu vẹo đau đớn, cần người đưa ra nhận giải khi trước đó ngã quỵ, phải thở oxy vì kiệt sức… chúng tôi đã khóc, như mưa luôn. Cảm xúc đó được đưa vào những tấm ảnh, bài viết sau đó ngay trong một góc vắng trên sân New Clark City đã lan tỏa tinh thần thể thao đẹp tại quê nhà hôm đó.
Dù những khoảnh khắc hôm ấy được trao giải Hình ảnh thể thao ấn tượng của năm tại Cúp Chiến thắng 2019 sau này, nhưng cảm xúc giấu đi đằng sau đôi kính râm khi bấm máy ảnh tác nghiệp thời điểm đó mới là thứ theo tôi mãi mãi trong sự nghiệp viết báo của mình.
Tuấn Đạt
Tác nghiệp trong giai đoạn "tránh dịch COVID-19" của VBA 2020
VBA 2020 có lẽ là một mùa giải đặc biệt với tất cả những người tạo nên nó! Từ thời điểm giải đấu được xác định vào giữa tháng 5/2020, ban tổ chức đã buộc phải thông báo lùi lịch tới 3 lần vì COVID-19. Cũng vì con virus quái ác ấy, 7 sân đấu với hàng vạn cổ động viên bỗng chỉ còn quy về một mối, một phim trường được dựng lên thành nhà thi đấu với những cuộc đọ sức diễn ra hàng ngày.
Với cá nhân những phóng viên như tôi không khó để vẽ nên một quy trình làm việc trong hơn 2 tháng ấy. Ngày mới của tôi và những người đồng nghiệp là lên toà soạn làm việc, buổi chiều ăn vội một chiếc bánh mỳ và di chuyển hơn 10 cây số từ trung tâm Tp.Hồ Chí Minh tới quận 12 tác nghiệp.
Trận đấu kết thúc vào khoảng 21h15 nhưng đó chưa phải là thời điểm chúng tôi lấy xe ra về. Vẫn còn đó những công việc phải làm như thu dọn đồ đạc cho những người anh em truyền hình, chỉnh sửa ảnh, viết bài và phỏng vấn.
Trở về nhà vào khoảng 23h đêm, ăn vội bát cơm và tiếp tục phải làm những thông tin cho sáng ngày hôm sau, tất cả tạo nên một vòng tuần hoàn ngày qua ngày không ngừng nghỉ trong hơn 2 tháng.
Sẽ là nói dối nếu tôi không thừa nhận đó là một hành trình ngán ngẩm và vô cùng mệt mỏi. Và cũng thật khó diễn tả những cảm xúc tiêu cực mỗi khi thời tiết Sài Gòn chuyển mùa với những cơn mưa khiến bạn ướt nhẹp.
Nhưng trong một mớ những cảm xúc hỗn độn ấy, thứ để thôi thúc tôi tới sân làm việc cũng rất nhiều. Đó là những trận đấu hấp dẫn và máu lửa, đó là những ánh mắt chăm chú của những cổ động viên. Hơn hết đó là tinh thần làm việc của hơn 10 anh em trong cùng công ty.
Hơn nửa trong số ấy còn thiệt thòi hơn tôi rất nhiều, họ từ công ty mẹ tại Hà Nội di chuyển vào Tp.Hồ Chí Minh công tác ròng rã nhiều ngày. Tận mắt tôi chứng kiến có những người anh em gọi vội cho vợ con chỉ ít phút giữa trận, bởi vì khi trận đấu kết thúc cũng là lúc cậu con trai đã chìm vào giấc ngủ.
Chúng tôi vẫn hỏi lẫn nhau rằng ngày hôm nay như thế nào? Vẫn dúi cho nhau ly nước, cái bánh mỳ hay điếu thuốc giữa trận, hay đôi khi vẫn là những bữa nhậu vào cuối ngày, tự động viên nhau, tự vượt qua khoảng thời gian đầy thử thách ấy.
Dẫu sao VBA 2020 vẫn mang lại cho cá nhân tôi nhiều nuối tiếc, với một mùa giải thử thách sức bền như vậy đã có thời điểm tôi cảm thấy mình như tụt lại, chưa thể khai thác sâu hơn nữa những góc cạnh của giải đấu, nhưng không chỉ có tôi những anh em đồng nghiệp khác cũng mang những nuối tiếc tương tự.
Có rất nhiều giải đấu dài ngày mà tôi đã trải qua, từ giải Trẻ Quốc gia 2017 tại Đà Nẵng, tới Đại hội Thể dục thể thao 2018 tại Hà Nội, rồi giải Vô địch Quốc gia 2019 tại Nha Trang, hay SEA Games 30 tại Philippines, tuy nhiên VBA 2020 tại thành phố mang tên Bác chắc chắn là kỷ niệm khó quên nhất trong những năm làm việc của mình!
Phạm Minh
Ký ức “chạy” dịch - Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc Cúp FLC năm 2021
Có những khoảnh khắc tác nghiệp sẽ trở thành miền ký ức khó có thể phai mờ trong miền ký ức, nó như nét chấm phá cho một hành trình trở nên vĩ đại của mỗi một phóng viên.
COVID-19 - Cơn đại dịch đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong 2 năm qua đối với mọi nơi trên trái đất. Việt Nam trở thành số ít quốc gia trên thế giới có những thành tựu chống dịch khiến số đông có cái nhìn nể phục. Thành tích chống dịch của Việt Nam được nhiều nước áp dụng và đạt được hiệu quả đáng được khích lệ. Mặc dù vậy, những đợt dịch COVID-19 tại nước ta bùng phát khiến xã hội lao đao.
Thể thao Việt Nam 2 năm qua cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch bệnh. Có rất nhiều giải đấu lớn tầm vóc quốc gia hoặc hoãn hoặc hủy để tập trung cho công tác phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Thời gian đầu, khi kinh nghiệm phòng chống dịch chưa có nhiều, các giải đấu lớn gần như phải hủy bỏ. Có rất ít những giải thể thao thi đấu tập trung hoãn lại chờ dịch bệnh lắng xuống để trở lại với nhịp sống bình thường.
Bước sang năm 2021, khi những kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 được nâng cao và hiệu quả, các giải đấu được linh động thích nghi với những khoảng thời gian an toàn để trở lại. Bóng chuyền là một trong số những giải đấu có được sự thành công trong năm 2020 và khoảng thời gian đầu năm 2021. Mặc dù vậy, cũng không ít lần Bóng chuyền Việt Nam đối diện với nguy cơ dịch bùng phát ngay tại địa điểm thi đấu.
Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc Cúp FLC năm 2021 là một trong số đó. Hình ảnh phóng viên ngồi một góc trên khán đài vắng lặng vừa tác nghiệp vừa cổ vũ VĐV thi đấu dưới sân đã trở thành ký ức trong những ngày thi đấu cuối của giải. Theo lịch thi đấu, ngày 4/5 là ngày bế mạc Vòng đấu bảng giải bóng chuyền hạng A toàn quốc tại nhà thi đấu thành phố Vĩnh Yên.
Ngày 30/4 những thông tin về ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại thành phố Phúc Yên (chỉ cách nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc 10km) bắt đầu lan rộng. Bộ Y tế, Sở Y tế Vĩnh Phúc và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có những thông báo đầu tiên về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Giải bóng chuyền hạng A sôi nổi với hàng ngàn khán giả trên khán đài bắt đầu trở nên vắng lặng. VĐV thi đấu trong nhà thi đấu không khán giả để đảm bảo an toàn trước làn sóng dịch có thể ập đến.
Việc thi đấu trong một nhà thi đấu lớn, thiếu vắng tiếng hò reo và cổ vũ khiến các trận đấu trở nên “nhạt nhẽo” mặc dù vậy VĐV vẫn cống hiến cho khán giả theo dõi màn ảnh nhỏ những pha bóng đẹp và tinh thần thi đấu nhiệt huyết. Trên sân, ngoài VĐV, BHL, tổ trọng tài và đơn vị phục vụ cùng phóng viên là 4 khán đài nằm im lìm trong tĩnh lặng khác với những ngày thi đấu trước đó.
Trong những ngày khó khăn đó, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định rút ngắn thời gian thi đấu và kết thúc giải trong ngày 3/5 khiến nhiều người thấy thở phào. Việc gấp rút và phải thi đấu dồn dập trong ngày lên tới 6 trận khiến những phóng viên như phải chạy cùng VĐV để tác nghiệp.
Tâm lý lo sợ dịch bệnh, lo sợ ảnh hưởng công việc nếu dịch lây lan được gạt qua một bên để mang tới cho độc giả những thông tin cập nhật và những khung hình mới nhất được đặt lên hàng đầu. Việc tuân thủ những quy tắc phòng dịch cùng việc tự bản thân nâng cao tinh thần “mình vì mọi người” được đặt ra trong quá trình tác nghiệp.
Hình ảnh ngồi một mình trên khán đài từ 9h30 sáng đến 23h00 đêm ngày 3/5 tại nhà thi đấu Vĩnh Phúc để kịp thống kê các đội bóng góp mặt tại vòng chung kết giải hạng A toàn quốc Cúp FLC năm 2021 sẽ trở thành ký ức khó có thể quên trong cuộc đời tác nghiệp. Từng trận đấu cứ vội vã diễn ra và kết thúc trong sự an toàn thấy người nhẹ nhõm.
Những thông tin chi tiết về kết quả của ngày thi đấu, hành trình tiếp theo của giải đấu lên mặt báo cũng là lúc bước sang ngày mới. Gác lại tất cả những pha bóng đẹp, những bộn bề công việc và những đề tài mới để lo cho cuộc hành trình trở về và tự cách ly khi đi từ vùng dịch cứ miên man rồi chìm vào giấc mộng.
Một giải đấu khó quên với dòng ký ức đẹp để hẹn ngày trở lại vào tháng 10 tới khi Vòng chung kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc Cúp FLC năm 2021 diễn ra cũng tại nơi đó khi dịch đã an toàn.
Phạm Cường
Dằn vặt trước ngôi nhà tuổi thơ của kình ngư bạc mệnh Trần Xuân Hiền
Một ngày đầu đông năm 2015, lúc đó, tôi là CTV của báo Thể thao 24h, tiền thân của Webthethao. Tôi được giao mảng bóng đá trong nước. Nhưng, đó là thời điểm “giáp hạt”. Để vượt qua thời gian này, tôi nảy lên ý định thử sức ở các môn thể thao khác.
Thế rồi, tôi lần mò trên mạng và biết được câu chuyện của cố kình ngư Trần Xuân Hiền, quê Quảng Bình. Không một chút do dự, ngay ngày hôm sau, một chàng trai trẻ tự xách ba lô lên đường trên con xe máy cà tàng. Quãng đường hơn 150km là những câu hỏi tôi cần tự mình tìm câu trả lời: tìm đường như thế nào; đến nơi gặp nhân vật nên hỏi gì, nên khai thác khía cạnh nào… Cuối cùng, nhờ sự giúp sức của một người bạn ở Quảng Bình, tôi cũng tìm được đến nhà cố kình ngư Trần Xuân Hiền ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy.
Đập vào mắt là ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng. Khi giới thiệu muốn tìm hiểu về cuộc sống của gia đình sau ngày anh ra đi, bố mẹ anh Hiền khựng lại vì lâu lắm rồi, mới có người hỏi về anh.
Thắp nén nhang, lần dở lại những chiếc huy chương đẫm màu thời gian, tôi hàn huyên với bố mẹ anh. Giọng khàn khàn của người mẹ cứ thỉnh thoảng đứt đoạn vì nỗi đau chôn giấu bấy lâu nay. Anh Hiền ra đi, vợ cùng con anh trở về quê ngoại ở Nam Định để mưu sinh. Hai ông bà ở Quảng Bình, với điều kiện nghèo khó, không thể thăm cháu.
Và khi nhắc đến những đứa cháu, mẹ anh như thắt ruột. Bà bật khóc, ngã lưng về người chồng. Khoảnh khắc đó quá nhanh và tôi không thể ghi lại kịp bằng máy ảnh hay điện thoại. Nhưng nó in mãi trong tâm trí tôi đến bây giờ. Tất cả ghi âm về cuộc trò chuyện, hình ảnh tôi đều có hết. Việc cuối cùng là chắp bút để viết nên câu chuyện.
Thế nhưng, chẳng hiểu bằng cách nào, tôi không thể gõ những dòng chữ. Tôi vốn có sở trường viết về nhân vật, khắc họa cuộc sống của họ. Hàng chục nhân vật qua ngòi bút của tôi đã đến với hàng ngàn độc giả. Nhưng, với bố mẹ anh Hiền, đó vẫn là dang dở.
Đến năm 2019, cũng trong thời tiết mùa đông giá lạnh, tôi lần mò trên chiếc xe máy một mình để trở về với Kiến Giang, bên dòng hiền hòa, để thực hiện bài viết dang dở đó. Thế nhưng, đến nơi là cửa đóng, then cài. Khung cảnh ngôi nhà tuềnh toàng ngày nào vẫn vậy. Hỏi nhà hàng xóm mới biết, bố anh Hiền đã mất, mẹ đi trông cháu ở phương xa. Xin số điện thoại của Hậu, em trai anh Hiền, Hậu mới bảo, vợ anh Hiền cùng hai con rời Nam Định để lên Hà Nội mưu sinh.
Một cảm giác khó tả. Tôi bần thần và trở về Đồng Hới. Lại một lần nữa, tôi lại dang dở…
Trần Khánh