Các lối đánh trong MMA - Sự đa dạng từ tiểu sử: "Wrestling" (Phần 2)
Ở phần đầu tiên, chúng ta đã nói về những “chiếc đai đen BJJ bảo đảm” – kĩ năng trong tiểu sử tập luyện đã giúp các striker đến từ Brazil gây dựng tên tuổi của họ trên sàn MMA. Tuy nhiên, tại sao, ở thời điểm hiện tại BJJ không còn hiện hữu một cách rõ ràng bên cạnh các nhà vô địch – mà thay vào đó lại là Wrestling, môn võ “nhu” nhưng đầy sức mạnh?
Nhìn lại các con số
Mới đây, trang Betway UFC đã đưa ra một thông số “lạ mà quen” khiến các võ sĩ trẻ muốn dấn thân vào MMA ít nhiều cần suy nghĩ nếu muốn bắt đầu sự nghiệp với võ thuật tổng hợp:
“ …. Trong số 81 nhà vô địch UFC từng chứng kiến, có 53 nhà vô địch xuất thân từ các môn grappling (BJJ, Judo, Wrestling … ). Và trong con số 53 này, có tới 35 võ sĩ xuất thân từ các sàn Wrestling từ bán chuyên tới chuyên nghiệp, chiếm 42% tổng số các nhà vô địch – con số này với BJJ chỉ là 18 …”
Ngoài ra, việc sinh trưởng tại Mỹ cùng với những sàn Wrestling có tiếng từ cấp độ Đại học, toàn quốc, toàn khu vực tới Olympic cho thấy các võ sĩ trẻ sẽ có nhiều lợi thế để thăng tiến khi thi đấu MMA hơn.
Và nếu kể tên những tay đấm đã và đang thống trị tại UFC – sàn MMA số một thế giới kể từ khi thành lập tới nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, những võ sĩ xuất thân là đô vật luôn chiếm ưu thế.
Flyweight: Henry Cejudo, Demetrious Johnson – hai nhà vô địch duy nhất của hạng cân từ khi thành lập.
Bantamweight: Henry Cejudo, TJ Dillashaw, Dominick Cruz, Cody Garbrandt, – “bộ tứ” thay nhau thống trị toàn bộ hạng cân kể từ khi xuất hiện.
Featherweight: Frankie Edgar, Chad Mendes, Urijah Faber, các thế lực đã và đang đối đầu với các nhà vô địch/cựu vô địch.
Lightweight: Khabib Nurmagomedov, Eddie Alvarez, Rafael Dos Anjos – dù có thay đổi nhiều lần giữa các striker như Anthony Pettis hay Conor McGregor, các Wrestler vẫn chiếm lợi thế.
Welterweight: Matt Hughes, Geogre St Pierre, Johny Hendricks, Tyron Woodley, Kamaru Usman, Colby Covington… “bể cá mập Wrestler” thực sự.
Middleweight: Chris Weidman – kẻ lật đổ triều đại của Anderson Silva.
Lightheavyweight: Jon Jones, Daniel Cormier, Tito Ortiz, Dan Henderson, Randy Couture, … những Wrestler đầu tàu của giới MMA.
Heavyweight: Mark Coleman, Brock Lesnar, Cain Velasquez, Daniel Cormier … những “cỗ xe tăng” Wrestling thực sự.
Các đô vật luôn hiện hữu và thống trị ở các sàn MMA nói chung và UFC nói riêng.
Như vậy, trong 25 năm hình thành nên MMA, các Wrestler luôn luôn có mặt trong các cuộc đua dẫn đầu các hạng cân ở UFC – đây là một sự thật không thể phủ nhận rằng môn võ có tuổi đời lên tới hàng nghìn năm này, vẫn luôn góp mặt trong các cách thức chiến đấu hiệu quả nhất.
Vậy, đâu là yếu tố chuyên môn để Wrestling được “trọng dụng” đến như vậy ???
Thứ nhất, như đã đề cập ở 2 bài viết trước: “Clinch” và “Groundgame” cũng như “Ground-and-Pound” về sự hình thành của MMA, chúng ta đã làm rõ 2 vấn đề: BJJ sinh ra với mục đích “hoàn thiện” các kĩ năng còn thiếu của võ thuật đương đại, còn Wrestling mở ra một phương án tấn công vào hàng tàn bạo nhất là Ground-and-Pound. Nhưng tại sao, nằm giữa các môn võ thuộc nhóm “vật lộn ôm ấp” thì Wrestling lại sản sinh được nhiều nhà vô địch đến vậy.
Wrestling tạo nên một nền tảng thể chất hoàn hảo giữa “sự bùng nổ” và “độ dẻo dai”. Đây là yếu tố cơ bản nhất giúp các đô vật có khả năng thích nghi cao với sàn đấu yêu cầu nhiều phẩm chất như MMA.
Nếu so sánh giữa BJJ và Wrestling, đặt các yếu tố để cấu thành chiến thuật ở phần “clinch” và “ground-and-pound” sang một bên - ta có thể thấy sự khác biệt này thể hiện rõ ràng.
Các chuyển động của BJJ chỉ nằm ở phạm vi nhỏ nơi 2 võ sĩ giao tranh với nhau, chủ yếu là “cầm, nắm, giữ, kéo” (với BJJ có võ phục (Gi) và không võ phục (No Gi), tất cả đều được thực hiện trong một phạm vi nhỏ. Trái lại, với Wrestling, việc đề cao các kĩ thuật phóng tới (shoot-in), hoặc sự bùng nổ bất ngờ ở các tình huống gài tay (drag), gài chân (trip) để thực hiện các thế quật ngã (throw, toss), … trong bộ luật thi đấu đã khiến các Wrestler cần xử lý một không gian thi đấu “rộng hơn” – các kĩ thuật cần phải phủ kín từ phạm vi xa với yếu tố bất ngờ ăn điểm. Chứ không đơn thuần là tiến lại gần và thực hiện các kĩ thuật khống chế như BJJ.
Không đặt nặng xử lý các tình huống ở cự li "xa hơn", chính vì thế, yếu tố “bùng nổ” (explosive) trong BJJ không được thể hiện nhiều như Wrestling. Điều này tiếp tục có ảnh hưởng tới mục tiêu rèn luyện thể lực của hai nhóm võ sĩ, nếu BJJ thường tập trung các cơ bắp có sức bền để duy trì các tình huống giằng co (cơ slow-twitch), thì Wrestling cần xây dựng cả một hệ cơ đầy đủ giữa cơ bền (slow-twitch) và các cơ nhanh (fast-twitch).
"Giằng co" và "bùng nổ" - Wrestling đang nhỉnh hơn BJJ trong việc phủ kín 2 nhiệm vụ này.
Thứ hai - khả năng thích nghi nhờ điều kiện thể chất vượt trội.
Đây được xem là hệ quả tích cực nhất của việc xây dựng một hệ thống cơ bắp toàn diện, nhờ có được 2 tính chất là dẻo dai và bùng nổ - các đô vật có một cơ thể hoàn hảo để chuyển sang tập các kĩ năng striking - điều không hề dễ dàng nếu như những tay striker muốn thực hiện chiều ngược lại. Hãy cùng điểm qua một số yếu tố sau:
1. Nhờ những khối cơ với khả năng bùng nổ (explosive) khủng khiếp, do đó, nền tảng thể chất để tìm kiếm những cú knockout của các Wrestler là điều không cần tìm kiếm - bởi cơ bắp của Wrestling là quá đủ. Và cũng rất dễ nhận thấy, với thể hình thấp - đậm người, các Wrestler lại vô cùng phù hợp với 2 lối đánh sát thủ của Boxing là "slugger" hoặc "swarmer".
Từ Daniel Cormier, Dan Henderson, Johny Hendricks tới Tyron Woodley, những võ sĩ có nền tảng Wrestling đã trở thành nỗi khiếp sợ với "đôi tay bom nguyên tử".
2. : Khả năng phòng thủ: một khối cơ đồ sộ với sự linh hoạt kèm khả năng tấn công đã khiếp sợ, nhưng kể cả trong tình huống bị động, việc "đập vỡ" hoặc tìm cách khiến các Wrestler kiệt sức cũng không phải là điều dễ dàng nếu bạn không phải là một striker có khả năng KO quá khủng bố. Không những thế, việc tấn công bằng striking liên tục - có thể là thứ khiến bạn trở nên mệt mỏi trước một đối thủ là Wrestler, và đó là lúc sức bền của họ bắt đầu phát huy tác dụng.
Trong cuộc nói chuyện với BLV nổi tiếng Joe Rogan, HLV Din Thomas từ American Top Team đã mô tả về sự khác biệt giữa các Wrestler với những võ sĩ BJJ: "Wrestling hoàn toàn về việc thống trị và kiểm soát đối thủ, họ không lên thảm, roll vài hiệp, học cách từ từ kiểm soát như BJJ - lối tư duy luôn phải thống trị sàn đấu, đối mặt và nghiền nát, đó là thứ khiến Wrestler trở thành những võ sĩ lì lợm bậc nhất. Bạn tìm một Wrestler và dạy họ Jiutjisu - họ sẽ trở thành nhà vô địch."
Dĩ nhiên, HLV Din Thomas và Joe Rogan cũng nói về những Wrestler quá "căng cứng" để có thể tiếp thu những kĩ năng striking, nhưng dù sao, với bằng chứng là các nhà vô địch hiện tại ở UFC đa số đều có xuất thân từ Wrestling - nhìn chung, Wrestling vẫn là một nền tảng hoàn hảo để bắt đầu sự nghiệp MMA.
VIDEO HLV Din Thomas nói về tiềm năng của các Wrestler trong MMA