Chuyện thầy tốt và thầy "rởm", khi kẻ múa rìu khoác áo người thợ
Đừng nhầm lẫn giữa thầy "rởm" và các môn võ "rởm" hay thầy "thành tích cao" và thầy "xịn". Thực tế, trình độ sư phạm là một khái niệm khác so với trình độ thi đấu. Một người có tư duy, có trình độ sư phạm tốt sẽ biết cách truyền tải thật tốt những kiến thức và những hiểu biết mà họ có. Tuy nhiên, do võ thuật luôn bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố trong chiến thuật, rất khó để người thiếu chuyên môn có thể nhận ra đâu là đúng và đâu là sai. Ở bóng đá, bạn ghi được bàn thắng nhiều hơn đối thủ là chiến thắng, ở chạy bộ, bạn chạy nhanh hơn đối thủ là chiến thắng, nhưng trong võ thuật, bạn đánh trúng nhiều hơn, hoặc chí ít là bạn nghĩ bạn đánh trúng nhiều hơn, bạn vẫn có thể bị xử thua.
Xem thi đấu võ thuật đã mập mờ, việc xem huấn luyện võ thuật lại càng khó nhận định hơn nữa. Một người thầy có thể khiến bạn đánh nhanh hơn rất nhiều, nhưng liệu đòn đánh đó có đủ lực để dùng, hay nó chỉ là một cú vung tay được thả lỏng hết mức, thứ kỹ thuật vốn chẳng thể dùng được trên võ đài. Một người thầy cũng có thể giúp bạn đánh mạnh hơn rất nhiều, nhưng liệu đòn đánh ấy có giúp bạn đánh trúng đối thủ, hay chúng chỉ khiến bạn mau kiệt sức? Rất nhiều người thầy "rởm" che giấu được trình độ của mình bằng những hào quang mà họ thể hiện bên ngoài, trong đó, có những "hào quang" phổ biến sau.
"Khó tính" có thực sự đồng nghĩa với nghiêm khắc?
Đồng ý rằng những người nghiêm khắc thường là những người rất khó tính, nhưng khó tính như thế nào lại là một câu chuyện khác. Nếu như kiến thức của bạn bị hổng nhiều lỗ, thì cái khó tính ấy có phải đang đưa học trò vào những lỗ hổng ấy hay không?
Thiếu kiến thức đã là một điều đáng trách, nhưng bạn có biết rằng, còn một dạng thầy tỏ ra nghiêm khắc cốt yếu để che đi cái sai cái dở của bản thân. Những người thầy này không phải là họ không biết trình độ họ kém, nhưng thay vì tìm cách cải thiện trình độ, họ lại chọn con đường lấp liếm nó bằng sự nghiêm khắc. Cái nghiêm ở đây không phải là để học trò tập luyện chuyên tâm, cái nghiêm đến "khó ở" trong trường hợp này là để học trò không dám thắc mắc về những thiếu sót trong việc huấn luyện của chính người thầy đó. Đối với riêng tôi, đây là một sự lấp liếm vô đạo đức của một người thầy.
Thành tích tốt có đồng nghĩa với dạy tốt?
Đây lại là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất trong việc tìm kiếm một người thầy tốt. Đương nhiên, những kỹ năng, kinh nghiệm từ những cựu vận động viên xuất sắc là một sự bảo chứng cho khả năng sư phạm của họ. Tuy nhiên, thế giới cũng không thiếu những HLV kỳ tài vốn không có duyên với những chức vô địch như Freddie Roach hay Floyd Mayweather Sr. Rõ ràng rằng, thành tích không thể nói lên được trình độ sư phạm của người thầy, nhưng những chiếc huy chương, những chiếc cúp là những bảo chứng rõ ràng nhất để đánh giá trình độ người HLV.
Freddie Roach không có một bảng thành tích khủng thời còn thi đấu, nhưng ông là HLV xuất sắc bậc nhất thế giới
Dù vậy, nếu một người thầy chỉ có thể dùng thành tích để ba hoa về trình độ sư phạm của họ, có lẽ bạn cần phải thay đổi HLV. Đầu tiên, hãy nhớ rằng, công việc của một võ sĩ là hiểu và làm theo những gì được dạy, còn công việc của người HLV là hiểu và phát triển những hiểu biết của họ cùng với việc truyền đạt kiến thức lên học trò. Một người võ sĩ có thể mù quáng làm theo một người thầy giỏi và thành công, nhưng không một người thầy nào có thể mù quáng lại dạy cho một võ sĩ tiềm năng thành tài được cả.
Hãy chú ý xem liệu người thầy của bạn ngoài tấm huy chương ra còn có điều gì để chứng minh cho năng lực của họ. Những chiến thuật họ đưa ra có phù hợp với bạn hay không, họ có thực sự cầu thị và lắng nghe học trò hay không. Trái với nhiều suy nghĩ, cá nhân tôi tin rằng, khi trở thành một người thầy, nghĩa là bạn càng phải học sâu, học rộng hơn rất nhiều so với khi bạn còn là một võ sĩ.
Tất nhiên, tôi cũng chẳng đứng về phía những kẻ lấy sự thiếu sót về thành tích để lấp liếm cho kỹ năng giảng dạy của bản thân, nhưng để trở thành một người thầy, bạn cần có hiểu biết rất sâu và rất rộng.