Uống nước thế nào cho đúng khi tập thể thao
Nước uống đóng vai trò rất quan trọng trong tập luyện thể thao, đặc biệt là các môn vận động cường độ cao như bóng đá. Việc uống nước đúng và đủ giúp cho VĐV có thể duy trì tập luyện cũng như thi đấu tốt, đồng thời, tránh được nguy cơ do việc mất nước.
Mỗi trận đấu kéo dài 90 phút, VĐV tiêu tốn khoảng 3600-4000 kcal. Trong suốt thời gian đó, nước uống là thứ duy nhất có thể bù đắp lại phần nào năng lượng đã mất. Tất nhiên, các cầu thủ cần phải có chế độ dinh dưỡng, ăn uống phù hợp trước mỗi trận đấu. Việc uống nhiều nước cũng giúp cho VĐV tránh gặp tình trạng kệt sức và mệt mỏi do thiếu gluco. Nếu bạn thiếu 1% nước trong cơ thể, hiệu suất làm việc sẽ giảm đi 10%. Vì vậy việc tiếp nước là đặc biệt quan trọng trong thi đấu đỉnh cao.
Khi hoạt động mạnh và liên tục trong tình trạng thiếu nước, các VĐV rất dễ bị chuột rút. Hơn nữa, chúng ta không thể tập trung làm tốt việc gì trong tình trạng miệng khô khốc. Một số chế phẩm bù nước và điện giải đường uống có tên gọi là nước biển khô hay bột oresol thường được khuyến khích sử dụng.
Hiện nay, ngoài nước lọc, các cầu thủ còn được uống một số loại nước đặc biệt nhằm bổ sung chất, giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại sức khỏe sau quá trình tiêu hao năng lượng do tập luyện và thi đấu. Tại giải U.19 Đông Nam Á 2015, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đã được sử dụng loại nước đặc biệt được nhập khẩu có tác dụng bổ sung protein và muối khoáng sau khi tập luyện.
Loại nước này cũng từng được các cầu thủ đội tuyển Việt Nam uống hàng ngày tại AFF Cup 2014. Đây là loại nước có thể tiêu hóa và hấp thụ nhanh chóng vào cơ thể. Nên rất phù hợp trong những trường hợp phải thi đấu liên tục, cần bổ sung chất nhanh nhất có thể.
Ngoài ra, C sủi cũng là loại nước uống được nhiều VĐV ưa chuộng. Loại nước này có tác dụng hạ nhiệt, bổ sung Vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Tuy nhiên, loại nước này có điểm yếu là dễ gây cảm giác háo nước, khô cổ họng do vị chua ngọt của nó. Không chỉ vậy, C sủi còn dễ gây tình trạng hụt hơi trong những tình huống tăng tốc.
Thậm chí, loại nước này còn có thể gây đói bụng, mệt mỏi do kích tăng hooc-môn hạ đường huyết vì tính ngọt của nó. Vì vậy các cầu thủ gần như không dùng nó trong lúc thi đấu hay tập luyện mà đợi tới cuối buổi.
Ngược lại, một số loại nước dù có tác dụng bù nước và chất điện giải nhanh chóng nhưng đem lại tác dụng phụ rất lớn khiến nhiều VĐV phải... tránh xa như nước dừa. Giới VĐV thường truyền tai nhau rằng uống loại nước này không khác nào uống... rượu bởi sự tàn phá các loại cơ ghê gớm của nó.
Các loại nước tăng lực hay nước có ga cũng được khuyến cáo không nên dùng bởi nó chứa quá nhiều đường (10-11% so với các loại nước được khuyên dùng chỉ có hàm lượng đường là 6-8%). Nó gây cảm giác chán ăn và không tốt chút nào khi việc bổ sung dinh dưỡng là điều cấp thiết sau khi VĐV tập luyện, thi đấu.
Nước lọc là thức uống đơn giản và được sử dụng nhiều nhất, với cả cuộc sống bình thường lẫn các loại hoạt động cường độ cao. Tuy nhiên, việc uống nước như thế nào lại đóng vai trò rất lớn.
Các bác sĩ thường khuyến cáo VĐV nên uống khoảng 500 ml nước trước giờ tập luyện hoặc thi đấu từ 1 đến 2h. Trong quá trình vận động, cần bổ sung tối thiểu 1 lít nước mỗi giờ. Tất nhiên, việc tiếp nước phải diễn ra từ từ, nên chia nhỏ thành nhiều lần, cách nhau 10 tới 20 phút. Mỗi lần uống chỉ nhấp vài ngụm nhỏ vì dạ dày lúc này không thể chứa quá nhiều nước, hơn nữa, mỗi giờ nó chỉ có thể hấp thụ tối đa 750ml nước.
Sau khi tập luyện hoặc thi đấu, VĐV vẫn cần phải uống thêm nước trong khoảng 2 giờ, bổ sung tối thiểu 500 ml nước nữa. Theo các tính toán, với mội 0,5kg trọng lượng cơ thể mất đi, VĐV phải uống bù nửa lít nước sau khi vận động.
Việc uống nước bằng cốc hay kể cả bằng chai như V.League 2016 thường thấy thực ra cũng không đảm bảo tác dụng tối đa. Với các VĐV quốc tế, họ thường dùng loại bình nước nó nắp dạng phụt. Những tia nước với áp suất mạnh sẽ đi thẳng vào cổ họng, giúp thẩm thấu qua da và hạn chế cảm giác khô họng, khát nước.