Chuyện đôi giày chạy 70.000 đồng của anh nông dân dân tộc thiểu số vô địch ở Mù Cang Chải
Sáng 20/9/2020 tại sân vận động huyện Mù Cang Chải, sự kiện chạy trải nghiệm Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín kết thúc tốt đẹp với những yếu tố “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Nhà vô địch của sự kiện là một người địa phương với những bước chạy khiến nhiều người kinh ngạc.
Hờ A Củ là một trong số hai người tham dự xuất phát muộn nhất sáng nay khi đến lúc tất cả các VĐV đã rời khỏi khu vực ngã 3 Cầu Ba Nhà. Anh chàng người dân tộc Mông nhỏ thó đeo số 2242 chỉ kịp để lại đồ cá nhân rồi lao đi sau hiệu lệnh xuất phát tầm 5 phút. Không ai để ý nhiều đến anh ngoài cú nhảy qua tấm chắn thu phí của khu vào đồi Mâm Xôi khiến anh chàng suýt ngã.
Khi theo dõi tình hình cập nhật các VĐV trên đường chạy, chúng tôi được biết người đi qua điểm tiếp nước đầu tiên (chưa phải điểm kiểm tra thành tích - CP), Hùng Hải vẫn là người dẫn đầu. Nhưng khi kết quả của điểm CP1 được hiển thị trên hệ thống thì thật bất ngờ, 2242 mới là số đi qua đầu tiên.
Những tình nguyện viên làm việc tại điểm CP kinh ngạc khi kể lại rằng anh chàng này đổ dốc với tốc độ kinh hoàng, điều mà hầu hết các VĐV khác phải rón rén khi chạy trên những con đường nhầy nhụa bùn và có độ dốc cực gắt.
Cứ thế, 2242 về đích đầu tiên trong sự ngỡ ngàng của nhiều người chứng kiến. Đáng nói hơn, anh chàng này hoàn thành 25km leo dốc với địa hình cực khó chỉ với thời gian 2:31:31, mà vẫn rất “xinh tươi” khi về đích.
Điều khiến mọi người chú ý nhất chính là việc Hờ A Củ không mang theo thứ gì trên người, khác hoàn toàn so với những VĐV tham gia các giải chạy địa hình là luôn có ba lô nước, gậy, mũ, khăn chống nắng… A Củ thậm chí không ăn gì dọc đường mà chỉ uống nước tại các điểm tiếp nước.
Một thứ nữa khiến một số người tinh ý nhìn ra là đôi giày chạy của A Củ là loại giày “bata” thông thường chứ không phải giày chạy địa hình chuyên dụng. Khi hỏi ra mới biết đôi giày của anh chàng này có giá chỉ 70.000 đồng. Đế của đôi giày thậm chí đã mòn vẹt, không còn các gân chống trơn trượt nữa.
A Củ năm nay 34 tuổi, đã có 3 con gồm một trai, hai gái. Anh chàng này bảo rằng hàng ngày công việc chính là làm rẫy và cũng mới chỉ chạy xa nhất là 7km tại một giải đấu nhỏ của địa phương. A Củ nào đã biết thế nào là số bib, là chip tính thời gian. Ngay cả hành động xé băng khi về đích đầu tiên cũng hoàn toàn xa lạ. Các nhiếp ảnh gia phải yêu cầu A Củ “diễn lại” để có ảnh về đích đẹp hơn.
Trong số khoảng 23 VĐV địa phương tham dự sự kiện miễn phí này, có đến 6 người nằm trong Top 20 với thành tích rất tốt. Và khi nhìn xuống thì tất cả đều chỉ đi những đôi giày rất bình thường, có người đi loại giày đinh đá bóng đã cũ nát.
Khâm phục trước tài năng của Hờ A Củ và những VĐV người dân tộc thiểu số, Á quân Hùng Hải cũng phải thốt lên: “Đây là nhà vô địch hôm nay, cơn lốc thật sự đến từ Mù Cang Chải. Chúc mừng anh Hờ A Củ”.
Sự ngưỡng mộ còn được các chân chạy dưới xuôi thể hiện bằng việc mời A Củ và các VĐV người dân tộc vào “đọ giày” để thể hiện sự khác biệt. Nhiều người đùa tếu rằng: “Nếu được đi đôi giày 4-5 triệu như những VĐV khác, chắc anh này… bay”.
Mặc dù có lợi thế là người địa phương đã quá quen với địa hình đồi núi bằng việc phải đi lại hàng ngày, nhưng việc Hờ A Củ và các VĐV người dân tộc thiểu số khác có thành tích chạy địa hình rất tốt như vậy cho thấy, giá trị của những món đồ đắt tiền đôi khi không quyết định đến thành tích chơi thể thao. Môi trường sống, cường độ rèn luyện và cả tố chất là thứ tạo nên một nhà vô địch đúng nghĩa. Nếu được đầu tư bài bản và đầy đủ, biết đâu Việt Nam lại có những chân chạy địa hình “siêu cao thủ”…