3 vật bất ly thân khi chơi cầu lông
- Vợt
Một cây vợt cầu lông chuẩn ngày trước dài 66,5cm; nhưng ngày nay đa số các hãng đều làm vợt chuẩn mới 67,5 cm (theo luật thì không được dài quá 68cm). Và vợt cũng chính là thứ được quan tâm cũng như đa dạng nhất trong các sản phẩm cầu lông.
Hiện nay, ở thị trường Việt Nam có hơn chục hãng vợt cầu lông. Một số hãng vợt, người chơi có thể tham khảo là Yonex, Victor, Fleet… Đây cũng là 3 hãng có doanh số tốt nhất ở Việt Nam.
Với người mới chơi, nên chọn những cây vợt dẻo và nhẹ một chút cho dễ điều khiển. Khi đã đánh tốt thì mới cần chọn vợt khắt khe hơn. Bạn nào đánh thiên về tấn công có thể dùng vợt nặng đầu, còn ai sử dụng lối chơi toàn diện có thể chọn vợt cân bằng trong khi những người đánh thiên về thủ, phản tạt có thể dùng vợt nhẹ đầu. Tất nhiên đó chỉ là lý thuyết vì có những người có thể sử dụng nhiều loại vợt khác nhau. Vợt nào hợp tay bạn thì đó sẽ là cây vợt tốt nhất
- Giày
Giày là dụng cụ quan trọng. Khi chọn mua giày, nên xem kiểu chân của mình dày hay mỏng, bè hay thuôn mà chọn cho đúng. Quan trọng nhất là phải đi đúng cỡ để không bị “bơi” trong giày hoặc không bị kích chân.
Nếu có điều kiện thì bạn nên đầu tư hẳn giày đời cao của Yonex, Mizuno, Asics, Victor… bởi sản phẩm của những hãng này có giảm chấn ở cả mũi chân và gót chân, giúp hạn chế chấn thương. Còn nếu điều kiện kinh tế hạn hẹp, bạn có thể chọn các dòng giày dưới 1 triệu đồng như Kumpoo, Kawasaki, MMOA, Fleet và Flex Pro… Các dòng sản phẩm này tuy không giảm chấn toàn giày nhưng ít nhất nó cũng bảo vệ hiệu quả gót chân của bạn. Tuyệt đối không nên dùng loại giày kém chất lượng vì chân chúng ta gần như phải chịu phản lực khi di chuyển rất lớn, có hại cho sức khỏe sau này.
- Quần áo và bao vợt
Những vật dụng này hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm mỹ cũng như điều kiện kinh tế từng người. Ở những vùng thời tiết nắng nóng, bạn nên chọn bao vợt có lót bạc cách nhiệt để vợt được an toàn. Quần áo nên được may bởi các loại vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt vì quần áo hàng fake tuy mẫu mã đẹp nhưng nhiều ni-lông và bí.
Tư vấn phòng tập: Tự tập bổ trợ bằng cách nào?
Khi kỹ thuật đã vững, có thể tự tập riêng cho mình bằng cách:
– Chạy 8 góc ở sân cầu theo bộ pháp chuẩn (đi học thầy, các bạn sẽ được phát cầu theo 8 hướng này), bài tập này giúp nâng thể lực và sự kiểm soát sân cầu.
– Nên luyện bổ trợ cổ tay bằng vợt tập, bằng chai nước theo các bài tập nhẹ như quay số 8, gập cổ tay. Cần lưu ý: Cổ tay rất dễ chấn thương nên tập phải cẩn thận thấy hơi nhức phải nghỉ…
– Chạy bền ngày tầm 2-3km là ổn với người tập phong trào. Lưu ý: Cần sự đều đặn và ổn định nhịp thở vì cự ly không phải vấn đề quá quyết định.
– Nhảy dây 400-500 cái/1 ngày để chân cũng dẻo dai.
– Gập bụng khoảng 20- 40 cái.