Chơi cầu lông bị đau khuỷu tay thì xử lý thế nào?
+ Câu hỏi: Tôi mới chơi cầu lông, và bị đau mỏi khuỷu tay không rõ nguyên nhân sau một buổi chơi quá sức. Xin được bác sỹ tư vấn về cách điều trị? (Độc giả Ngô Văn Toàn từ địa chỉ email: Tomsapa@...).
+ Bác sỹ Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình, Bệnh viện Thể thao Việt Nam:
Đau mỏi khuỷu tay là triệu chứng hay gặp ở mọi đối tượng, lứa tuổi, thường xảy ra với những người chơi các môn thể thao như tennis, cầu lông, bóng bàn, cử tạ… Triệu chứng đau tăng khi làm các động tác xoay cẳng tay, gập duỗi ngón tay, nắm chặt tay. Đau mỏi nhiều hơn lúc về chiều và tối. Đau mỏi khuỷu tay có thể lan xuống cánh tay, cổ tay, bàn tay, ngón tay hoặc lan lên trên.
Khi bị đau vùng lồi cầu trong, người bệnh thường đau tăng khi gấp cổ tay hoặc lật sấp cẳng tay, khi đó sức nắm của bàn tay sẽ giảm, thường không cầm được vật nặng. Khi ấn vào vùng lồi cầu thì đau tăng lên và giảm khi nghỉ ngơi. Đau mỏi khuỷu tay thường không có triệu chứng sưng, nóng, đỏ ở khớp khuỷu.
Có hai loại bệnh liên quan đến đau mỏi khuỷu tay, gồm:
- Bệnh khớp khuỷu: Viêm khớp do nhiễm khuẩn hay viêm không do nhiễm khuẩn; bệnh khớp chuyển hóa, có thể là gút hay vôi hóa sụn khớp nhưng hiếm gặp ở khuỷu. Thoái hóa khớp khuỷu thường là thứ phát sau chấn thương hay sau các vi sang chấn lặp lại, rất hay xảy ra với những người luyện tập thể dục thể thao.
- Viêm lồi cầu xương cánh tay. Nó thường xảy ra ở người trên 30 tuổi, có thể gặp sớm hơn ở những VĐV chuyên nghiệp, hay tập luyện thi đấu thể thao. Biểu hiện là đau ở mặt ngoài khuỷu tay, ở vị trí bám tận của gân lồi cầu.
Khi bị đau nhức khuỷu tay, bạn cần giảm hoặc ngừng vận động cẳng tay trong vài ngày. Chườm lạnh để giảm đau, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, trong đó chú ý bổ sung các khoáng chất canxi, magie, kali cho cơ thể. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng một số phương pháp không dùng thuốc khác, như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập luyện.
Nếu tình trạng nhức mỏi không thuyên giảm, bạn cần tìm đến bác sỹ chuyên khoa xương khớp để kiểm tra, có thể cần chụp X-quang để xác định chính xác tình trạng chấn thương và cách điều trị, hồi phục. Việc điều trị đau mỏi khuỷu tay bao gồm thuốc giảm đau, chống viêm kết hợp vật lý trị liệu. Các phương pháp vật lý trị liệu được sử dụng là nhiệt trị liệu, điện xung, sóng ngắn, siêu âm trị liệu…
Một số trường hợp nặng, để kéo dài, nhất là khi vẫn tiếp tục tập luyện, thi đấu dù đang bị đau nhức khuỷu tay thậm chí phải phẫu thuật. Hiện tại, một số bệnh viện, khoa chuyên ngành của Việt Nam cũng có thể thực hiện việc mổ nội soi khớp khuỷu.