Bowling và tuổi trẻ sục sôi
Quý tộc nghèo… thập kỷ 90
Hồi trước xem “Sự may rủi của Trái tim”, một bộ phim hay tuyệt của điện ảnh Anh quốc từ những năm 90 thế kỷ XX, tôi vẫn mơ ước được chơi môn thể thao của các quý tộc nước này, môn Bowling.
Trò chơi đơn giản chỉ là ném một quả bóng da nặng để làm đổ 10 cây ky đổ hết mà các nhà quý tộc sẵn sàng đánh cuộc để rồi mất hết cả nhà cửa, ruộng vườn, thậm chí cả con gái xinh đẹp của mình. Thế rồi những năm 2000, Bowling đến với TP.HCM và sau đó là Hà Nội với sự quyến rũ của mình, thu hút giới trẻ chẳng tiếng nhạc sôi động, những quả bóng nhiều màu sắc và những lane bóng thẳng như kẻ chỉ.
Lúc đó, 15.000 đồng/game tương đương 2 bát phở là điều khiến cho môn thể thao này thực sự “đẳng cấp”. Mà 1 game chơi chậm lắm thì cũng chỉ hết 10 phút trong khi chẳng ai chơi 1 games cả. Tối thiểu cũng phải 3 games và nước uống, đồ ăn vặt nữa, một buổi chơi tối thiểu cũng là trăm ngàn đồng. Vậy nên, cả tuần dành dụm và háo hức đi chơi Bowling cuối tuần với bộ quần áo đẹp nhất có thể.
Bạn cứ tưởng tượng như đi chơi Golf ngày nay sành điệu như thế nào thì chơi Bowling vào thuở đó cũng sang chảnh gần bằng.
Sự kết hợp giữa sức khỏe, kỹ thuật và sự tính toán
Không phải ngẫu nhiên mà một môn thể thao lại có thể tồn tại suốt cả vài ngàn năm nếu không có sự độc đáo, hấp dẫn và không thể thay thế được như Bowling.
Khi hỏi Nguyễn Thành Phố – đội trưởng Đội tuyển Bowling Việt Nam thi đấu tại SEA Games 28, anh cho biết: “Khi đứng trên đường băng, mỗi lần ném là một cảm xúc hoàn toàn khác nhau, khi vui bạn strike (đổ cả 10 ky trong duy nhất một lần ném – NV) rất dễ dàng, nhưng khi mệt mỏi và khó chịu, strike gần như ko thể. Strike cần sự chính xác tuyệt đối, đặc biệt là khi strike liên tiếp. Chính vì vậy mà tâm lý thi đấu ở Bowling là vô cùng quan trọng. Tâm lý ổn định thì mới có thể tính toán đường bóng chuẩn xác, dùng kỹ thuật chuẩn xác và lực ném ổn định. Cái hay, cái đẹp của Bowling là càng chơi càng thấy khó, thấy hấp dẫn. Mỗi lần ky hạ xuống cũng có nghĩa là ta đối đầu với 10 địch thủ, thử thách chính là làm đổ toàn bộ chúng. Đó là lý do tôi yêu Bowling”.
Đó là tâm sự của một VĐV Bowling chuyên nghiệp. Nhưng tay chơi amateur cũng có tâm trạng như vậy. Duy Hải, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi bắt đầu đến với bowling. Lúc đầu là hào hứng khi tiếp xúc với bộ môn được coi là quý tộc này, nhưng rồi dần dần tôi đam mê lúc nào không hay. Nó giúp tôi giải tỏa cảm xúc, xả ra những bực tức, khó chịu ko thể nói ra. Đứng trên đường băng là một thử thách, và strike là đích đến của sự chinh phục. Khi ấy thật tuyệt, lâng lâng và có cảm giác thăng hoa tuyệt đối. Hồi trước, tôi thích chơi cùng cả nhóm, sau thì tôi lại thích chơi một mình, vì tập trung tốt hơn, không bị mang tâm trạng thắng thua trong mỗi lần đánh, kỹ thuật cũng được nâng cao”.
Ngược lại với Duy Hải – tín đồ của sự chính xác, Mạnh Cường, sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, lại thích xử lý những cú split. Đó là khi bạn kết thúc một lần ném mà số ky còn lại bị phân tán cách xa nhau, rất khó để đánh đổ các ky còn lại chỉ trong một cú ném cuối. Mạnh Cường cho biết: “Em thường nghĩ ra những cú bóng xoáy hiểm hóc để giải quyết nan đề. Lúc này sự tính toán các đường bóng, lực bóng xoáy mạnh hay nhẹ… là vô cùng khó khăn nhưng nếu hoàn thành được thì đó còn là niềm vui chiến thắng. Em ít khi chơi một mình. Thách thức với bạn bè cũng là một phần của thú vui này”.
Quả thật, mỗi người đều có quan niệm khác nhau và chơi Bowling với những phong cách khác nhau. Điều đó mang lại vẻ đẹp phong phú cho Bowling.
Chơi chơi hay chơi “thiệt”…
Nếu chỉ chơi để xả stress, Bowling không phải là môn thể thao quá quý tộc như quá khứ vàng son. Chi phí 35.000 đồng/game, thuê giày mất 10.000 đồng thì chỉ với 100.000 đồng trong tay bạn có thể “bình tĩnh” chơi cả giờ trong phòng điều hòa mát lịm, nhạc nhảy réo rắt, kết thêm bạn chơi, đọ đấu với những đội khác. “Ngon, bổ, rẻ” hơn nhiều so với lang thang ngoài đường nắng nôi, bụi, bẩn.
Nhưng nếu muốn chơi cho ra chơi, có sự đầu tư, thì Bowling không đơn giản. Mà “nghề chơi nào chẳng lắm công phu”. Để nâng cao kỹ thuật, trình độ, bạn phải đầu tư. Ví dụ đôi giày chơi Bowling hiệu Decker giá thấp nhất cũng 75 USD, còn loại cao cấp phải 300 USD/đôi; găng trợ lực thì rẻ hơn, khoảng 50 USD/đôi. Muốn chơi vừa tay, bạn phải “thửa” bóng riêng và chăm chỉ luyện “ky” với những đường bóng xoáy có độ chính xác cao và sức công phá mạnh so với đánh thẳng.
Một quả bóng hiệu Storm giá dao động từ 100 USD đến 300 USD. Trái bóng của dân chơi chuyên nghiệp phải đặt khoan lỗ theo kích thước riêng vừa với cỡ bàn tay và ngón tay. Lòng vòng thì cũng mất cả ngàn USD đầu tư vật dụng còn mỗi buổi tập cũng phải mất tiền triệu do một giờ luyện bóng đã mất vài trăm ngàn đồng.
MY MY
Bowling thật ra không phải là môn hiện đại. Nó xuất hiện cách đây 5.000 năm, từ thời kỳ văn minh của người Ai Cập cổ. Bowling trở nên phổ biến toàn châu Âu ở thế kỷ XIX và sau đó là ở Mỹ.
Nếu ở Hà Nội vẫn còn chơi kiểu phong trào, chơi cho vui thì ngược lại, TP.HCM, Bình Dương… có hàng chục CLB Bowling. Hằng tuần, các CLB thường xuyên tổ chức các trận đấu “thách thức” với giải thưởng vài triệu đồng. Một vài tháng lại có các cuộc giao đấu giữa các CLB.