Chuyện độc ở V.League: Dị nhân & Dây chằng chéo trước đặc biệt (Kỳ 2)
Lịch sử V.League chưa bao giờ có một cầu thủ đứt dây chằng chéo trước vẫn chạy khỏe” như cầu thủ nhập tịch Lê Văn Tân.
Dưới góc nhìn của bác sỹ và HLV, cầu thủ nhập tịch Lê Văn Tân bị đứt dây chằng chéo trước vẫn đá bóng được, thậm chí khỏe hơn các cầu thủ khác là một chuyện dị biệt, xưa nay chưa từng gặp trong bóng đá.
Nhận xét về phong độ của Lê Văn Tân từ đầu mùa giải đến hiện tại, GĐKT CLB Long An ông Huỳnh Ngọc San cho biết: “Lê Văn Tân tập luyện và thi đấu bình thường, không có vấn đề gì cả. Chấn thương đầu gối không ảnh hưởng gì hết. Tôi hài lòng với phong độ của Lê Văn Tân từ đầu mùa đến giờ…”.
Trong 10 trận đấu ở mùa này, Lê Văn Tân có 9 trận đá chính và 1 trận vào từ băng ghế dự bị, thi đấu tổng cộng 802 phút và ghi được 3 bàn thắng cho Long An. Phong độ ghi bàn của Lê Văn Tân chỉ kém Sunday (4 bàn) và anh là cầu thủ thi đấu ổn định nhất cho đội chủ sân Tân An.
Rất ngạc nhiên với trường hợp siêu dị của Lê Văn Tân, HLV Ngô Quang Sang nói: “Tình trạng của Lê Văn Tân khiến tôi rất ngạc nhiên, các báo cáo của bác sỹ cho thấy bị chấn thương dây chằng như thế mà vẫn tập luyện và thi đấu bình thường được. Tôi thực sự không ngờ nổi.
Đây là trường hợp đầu tiên như thế mà tôi gặp, bởi cầu thủ bị dây chằng chéo sau vẫn có thể đá được nhưng dây chằng chéo trước thì khó chơi bóng, nhưng Lê Văn Tân vẫn đá bình thường. Tôi không lý giải được điều này. Bởi Tân tập luyện bình thường, thậm chí là tốt hơn một số cầu thủ…”.
Nếu nhìn vào những con số thống kê thì trường hợp của Lê Văn Tân có lẽ “độc nhất vô nhị” trong bóng đá. Trong 6 mùa bóng gần nhất, cầu thủ nhập tịch này đã thi đấu tổng cộng 147 trận, ngạc nhiên lớn là trong 127 trận đấu được xuất phát chính thức thì Lê Văn Tân chỉ duy nhất 1 lần bị thay ra. Mùa trước, Lê Văn Tân đã có 28 trận đấu cho FLC Thanh Hóa, chỉ có 2 lần vào từ băng ghế dự bị.
Trước câu chuyện kỳ lạ của Lê Văn Tân, bác sỹ Phạm Quốc Hùng (Khoa Y học thể thao bệnh viện 115, TP.HCM) cho biết: “Trường hợp của Lê Văn Tân đúng là một ngoại lệ, còn các cầu thủ khác đứt dây chằng chéo trước thì chỉ có thể chịu đựng được một thời gian, về sau không thi đấu nỗi. Bởi đứt dây chằng chéo trước thì tốt nhất phải mổ sau khi dính chấn thương 3 tuần.
Nói riêng về cầu thủ, nếu ai dính thương dây chằng chéo trước thì phải mổ, bởi sau một tháng sẽ chạy rất yếu và khó xoay sở. Dây chằng chéo trước giữ cho khớp gối thăng bằng. Hồi giờ tôi thực sự chưa thấy cầu thủ nào như Lê Văn Tân”.
Lý giải về nguyên nhân vì sao Lê Văn Tân có thể chơi bóng và khỏe như cầu thủ bình thường, bác sỹ Phạm Quốc Hùng cho rằng, có thể dây chằng của Tân đứt nhưng còn vỏ bọc còn dính với dây chằng chằng chéo sau. Thứ 2 là cơ đùi khỏe hơn người bình thường nên có thể đá được.
Với khoảng thời gian nhiều năm chơi bóng với dây chằng chéo trước bị đứt của Lê Văn Tân, bác sỹ Phạm Quốc Hùng cho rằng cầu thủ này rất may mắn để không bị tổn thương, bởi Lê Văn Tân chạy chuyển hướng nhanh sẽ có nguy cơ bị vỡ sụn, và dây chằng đứt hẳn.
Tuy nhiên, chuyện may mắn vẫn không thể lý giải cho trường hợp dị biệt của Lê Văn Tân, khi cầu thủ này chơi bóng liên tục trong nhiều năm, và khó tránh hết các va chạm, còn bóng đá thì chắc chắn cầu thủ phải xoay sở liên tục. Đặc biệt, những con số thống kê cho thấy Lê Văn Tân rất khỏe, khi đá chính 127 trận trong 6 mùa bóng gần nhất.
Về trường hợp đứt dây chằng chéo sau vẫn thi đấu được của thủ môn Bửu Ngọc, bác sỹ Phạm Quốc Hùng cho rằng chuyện đó không có gì đặc biệt. Bởi dây chằng chéo sau không bao giờ đứt lìa mà vẫn còn dính lại vỏ bọc. Thứ hai là dây chằng chéo sau không có chức năng quan trọng như dây chằng chéo trước, khi xoay sở không có độ nghiêng lớn bằng, dù chức năng chính là giữ thăng bằng cho khớp gối.
Bác sỹ Phạm Quốc Hùng kết luận Bửu Ngọc có thể thi đấu bình thường trong nhiều mùa bóng tiếp theo, sau đó có thể mổ để nối dây chằng. Thực tế, Bửu Ngọc đang có phong độ rất tốt ở mùa này và HLV Vũ Quang Bảo đánh giá rất cao thủ môn người Đồng Tháp, đặc biệt màn thể hiện trước Hà Nội T&T mới đây.