Viêm xương chày gối suýt cướp sự nghiệp của trung vệ HA.GL
Bị viêm xương chày gối khi bước sang tuổi 13 khiến sự nghiệp của Thân Thắng Toàn liên tiếp gián đoạn vì tái phát nhiều lần. Thậm chí, có thời gian trung vệ này không thể đi lại bình thường. Những chấn thương dạng này tuy không nặng nhưng rất khó chữa trị dứt điểm đối với lứa tuổi dậy thì. Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về chấn thương tuy đơn giản nhưng lại lấy mất đi rất nhiều thời gian, cơ hội thi đấu của các cầu thủ, mà Thắng Toàn là một ví dụ điển hình.
Biểu hiện rõ nhất của bệnh viêm xương chày gối hay thuật ngữ chuyên môn là “Osgood Schlatter” thì người bị dù đi lại hay vận động nhẹ đều có cảm giác đau nhói ở một bên gối hoặc cả hai, các cơ liên quan, nhất là cơ tứ đầu đùi bị co thắt. Những biểu hiện như khớp gối sưng, đỏ, đau; chụp X-quang thấy tổn thương gân và xương, là dấu hiệu của chứng bệnh này.
“Năm 13 tuổi, Thắng Toàn đã bị viêm xương chày gối. Khi đó, so với các bạn cùng trang lứa chiều cao của Toàn phát triển rất nhanh. Nếu như tôi nhớ không nhầm cứ 1 tháng Toàn cao thêm 1cm. Việc chiều cao phát triển nhanh khiến canxi bị thiếu, đầu gối không đủ canxi để vận động và phát triển nên bị yếu, dễ bị tổn thương.
Thời điểm đó, Thắng Toàn bị viêm xương chày gối cùng một lúc cả hai đầu gối, không thể đi lại được, khiến mọi người đều lo sợ về khả năng vận động của đôi chân. Nhưng rất may, 6 tháng sau Toàn đã có thể đi lại và tập luyện bình thường”. bác sỹ Đồng Xuân Lâm của HA.GL chia sẻ về chấn thương của cầu thủ này.
Năm 2013, tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh từng phải vật lộn với chấn thương viêm xương chày gối như Thắng Toàn,. Tiền vệ người Nghệ An từng mất 6 tháng rời xa sân cỏ để chữa trị dứt điểm vết thương và cũng mất luôn cơ hội dự SEA Games 27 trên đất Myanmar.
Theo bác sỹ Xuân Lâm chấn thương viêm xương chày gối gặp rất nhiều ở lứa tuổi từ 10 đến 14, bởi đây là giai đoạn phát triển mạnh về xương. "Ở độ tuổi này, khi cơ thể đang trong giai đoạn phát triển, xương chỉ mới đang hình thành. Khi cùng chịu một lực tác động dù xương không tổn thương nhưng do sụn không chắc khỏe nên bị tổn thương dẫn đến sưng và đau nhức. Tình trạng đau đầu gối kiểu này là hậu quả của các chấn thương liên tục do vận động, tác động lên đầu trên của xương chày tại vị trí gắn kết của gân xương bánh chè.
Những hoạt động như chạy, nhảy, gập gối nhiều trong tập luyện các môn điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, thể dục dụng cụ… làm cho cơ tứ đầu đùi co kéo nhiều, tác động lên gân xương bánh chè. Khi gân xương bánh chè bị kéo rút, thậm chí bị bóc tách khỏi vùng bám dính ở lồi củ xương chày dẫn đến sưng đau và bị viêm xương chày gối", ông Lâm phân thích thêm.
Ngoài chấn thương “viêm xương chày gối”, Thắng Toàn còn bị những chấn thương lặt vặt. Trung vệ cao 1m82 từng phải nghỉ thi đấu 7 tháng vì bị lật cổ chân, khi thi đấu trong màu áo Phú Yên tại giải hạng Nhất 2015. Thời gian 7 tháng có thể quá dài với vết thương “lật cổ chân” nhưng với Thắng Toàn nó lại hoàn toàn khác. Thân hình cao to 1m82, chiều cao phát triển nhanh gây thiếu canxi nơi điểm tiếp xúc giữa các khớp nên Toàn phải mất nhiều thời gian chữa trị.
Để tránh chấn thương viêm xương chày gối ở tuổi dậy thì, bác sỹ Đồng Xuân Lâm nói. “Với vết thương dạng này, tốt nhất cầu thủ nên để khớp gối được nghỉ ngơi trong 3 tuần. Dùng nước đá chườm lên vùng tổn thương để giảm sưng và đau. Bên cạnh đó, cần chăm sóc vùng xung quanh gối như tập gấp duỗi cơ tứ đầu đùi. Hạn chế những động tác làm ảnh hưởng đến vùng đầu gối như quỳ, chạy, nhảy.
Đến tuần thứ 4 cầu thủ mới có thể đi lại bình thường và bắt đầu tập luyện trở lại ở cường độ nhẹ bằng việc đi bộ và vật lý trị liệu. Vết thương viêm xương chày gối rất dễ bị tái phát nhất là đối với những cầu thủ như Thân Thắng Toàn. Bởi trung vệ này phải thường xuyên bật cao tranh chấp, việc tiếp đất không đúng cách và tập luyện trên mặt sân cứng sẽ khiến cho vết thương dễ bị tái phát.
Ngoài thời gian tập luyện, cầu thủ phải chườm đá nơi vị trí bị tổn thương. Có thể dùng thêm thuốc bổ sung canxi, hoặc dùng một số loại thuốc giảm đau thông thường như: paracetamol, aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không có chất steroid như ibuprofen nhưng phải dùng theo đúng chỉ định của bác sỹ. Trường hợp nặng, cần phải tiến hành phẫu thuật khi các mảnh xương gãy không lành ở thời kỳ các xương đã ngừng tăng trưởng.
Khi ăn uống thì nên dùng nhiều những loại hải sản như Tôm, Cua, Ghẹ…để có thêm nhiều canxi. Đặc biệt, trước khi tập luyện hay thi đấu phải băng đầu gối thật chặt và khởi động làm nóng cơ thể thật kỹ. Cần băng thêm một miếng đệm trên vùng đau ở đầu gối để bảo vệ khớp gối. Sau khi tập và thi đấu, phải thực hiện các động tác thư giãn các cơ vùng đầu gối. Nếu không, vết thương sẽ tái phát và nặng hơn rất nhiều. Vết thương “viêm xương chày gối” hay “Osgood Schlatter” chỉ là tạm thời và sẽ hết đau sau khi xương người bệnh ngừng tăng trưởng và bước sang độ tuổi trưởng thành”, bác sỹ Lâm chia sẻ cách chữa trị vết thương.
Thi đấu nổi bật trong màu áo U.21 HA.GL, trung vệ Thân Thắng Toàn cùng một số đồng đội khác thuộc lớp năng khiếu của HA.GL như Kim Hùng, Việt Hưng, A Hoàng sẽ có tên trong đội 1 của HA.GL tham dự V.League 2016.
Vài nét về trung vệ Thân Thắng Toàn
Sinh ngày: 28/01/1996 tại Hải Phòng.
Cao: 1m82; Nặng: 75kg.
Vị trí sở trường: Trung vệ.
Thành tích đạt được: HCĐ U.13, U.15 năm 2009, 2010 tại Khánh Hòa; HCB U.17 năm 2011 tại Khánh Hòa, HCĐ U.17 năm 2012 tại huế, HCĐ U.19 năm 2014 tại Gia Lai. Tất cả các danh hiệu đều đạt được cùng đội năng khiếu HA.GL.