Các "sao" bóng đá quốc tế dùng nhiệt nóng hay lạnh để trị chấn thương?
Với những ca chấn thương thông thường như bong gân, căng cơ, bầm tím… các cầu thủ Premier League cũng dùng phương pháp chườm đá, ngâm trong nhiệt độ lạnh. Phương pháp này giúp ngăn ngừa chảy máu các mô cơ, ngăn ngừa sưng viêm và giảm đau.
Tuy nhiên, giải pháp truyền thống này hiện đang gây tranh cãi khi mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Queensland (Australia) chỉ ra rằng, các VĐV không nên chườm đá, vì phương pháp làm lạnh này khiến các “chỉ thị sinh học” (biomarker) cho sự hình thành mạch máu và tái tạo cơ bắp chậm lại, dẫn đến quá trình phục hồi chấn thương lâu hơn.
Nhưng phương pháp lạnh với các phòng đông lạnh hiện đại ngày nay rất phố biến tại các đội bóng Premier League. Những phòng đông lạnh với nhiệt độ âm ở những đội bóng như Tottenham, Man City và Leicester City không chỉ dành cho cầu thủ chấn thương, mà nó còn được xem liệu pháp phục hồi thể lực cấp tốc cho các cầu thủ sau tập luyện và thi đấu.
Theo báo chí Anh, phương pháp này gọi là Kriotherapy, do nhà khoa học Nhật Bản, Toshiro Yamauchi phát hiện ra từ năm 1978. Ban đầu các cầu thủ sẽ vào phòng đông lạnh ở nhiệt độ -51 độ C trong khoảng thời gian 30 giây, sau đó họ sẽ phải “hành xác” tại căn phòng nhiệt độ -93 độ C, thậm chí giảm xuống tới -140 độ C.
Người đứng đầu bộ phận Vật lý trị liệu và khoa học thể thao của Man City, tiến sĩ Sam Erith cho biết: “Với phương pháp Kriotherapy, các cầu thủ có thể tập luyện nhiều hơn, nhanh hơn. Những cầu thủ đã phục hồi chấn thương, họ có thể sử dụng phương pháp này ngày 3 lần”.
Ronaldo cũng thường xuyên sử dụng phương pháp Kriotherapy. Nhưng bên cạnh đó, CR7 cũng sử dụng cả cách chữa chấn thương và tăng thể lực bằng phương pháp nhiệt. Alex Ferguson từng tiết lộ: “Nhà của Ronaldo ở Madrid có 2 phòng đông lạnh và nhiệt. Trong phòng đông lạnh nhiệt độ xuống dưới -160 độ C, anh ta vẫn có thể chịu đựng được 10 phút. Thật không thể tin nổi”.