Tìm hiểu về hợp đồng giày bóng rổ - Kỳ 2: Đàm phán và những điều khoản không phải ai cũng biết

thứ năm 16-4-2020 13:35:00 +07:00 0 bình luận
Sau khi đã hiểu rõ hơn về các loại hợp đồng giày bóng rổ tại NBA, kỳ 2 của loạt bài sẽ hướng đến khâu thương thảo với các hãng giày, nơi có rất nhiều khoản thú vị được "cài cắm" để tăng thêm hoặc giảm đi thu nhập của các cầu thủ.

Đây là phần hai của loạt bài 4 phần để cung cấp cho người đọc góc nhìn mới về hợp đồng giày, cũng như các khía cạnh liên quan đến việc kiếm tiền bằng quảng bá thương hiệu đồ dùng thể thao.

Kỳ 1 đã nói về các loại hợp đồng và sự khác biệt về mặt giá trị. Trong kỳ 2, câu chuyện đàm phán hợp đồng và một số điều khoản đặc biệt sẽ được hé lộ.

Khi một đại diện ban lãnh đạo đội bóng thương thảo với một cầu thủ tự do về hợp đồng thi đấu NBA, họ sẽ bị bó buộc bởi khung lương và tuân theo một loạt quy định của thoả thuận CBA (Collective Bargaining Agreement, điều đã được thống nhất bởi NBA và hiệp hội cầu thủ NBPA).

Nhưng khi đàm phán về hợp đồng giày, cả hai bên sẽ không vấp phải bất kỳ giới hạn nào, tạo điều kiện cho sự sáng tạo trong khâu thương thảo và đưa ra những điều khoản đặc biệt.

Tại NBA, không có nơi nào có nhiều sự sáng tạo trong khâu ký kết hợp đồng hơn những thương vụ liên quan đến giày và cũng chính vì điều này, giá trị của hợp đồng quảng bá giày cũng mang những con số không cố định.

PJ Tucker cùng dàn giày khủng trong phòng thay đồ Houston Rockets. Anh vừa ký hợp đồng với Nike

Khi các ký giả đưa ra thông tin về hợp đồng, họ thường dùng cụm từ "cầu thủ sẽ được hưởng tối đa ... triệu đôla". Sở dĩ có "tối đa" ở đây là vì những điều khoản thưởng có thể mang đến số tiền không cố định.

Vậy nên sẽ không dễ để đưa ra một con số rõ ràng về giá trị hợp đồng quảng bá giày, khác biệt với hợp đồng thi đấu tại NBA khi sự chính xác về con số có thể đạt đến đơn vị nghìn đô.

Hiện nay, nhiều hãng giày cho phép các cầu thủ hưởng thêm tiền thưởng nếu đạt một chỉ số thống kê nào đó như: Dẫn đầu NBA về ghi điểm, thi đấu đủ số trận nhất định, lọt vào đội hình tiêu biểu All-NBA, All-Rookie, được chọn vào đội hình All-Star hoặc đạt các danh hiệu cá nhân ở cuối mùa (MVP, Defensive Player of the Year, Most Improve...).

Bên cạnh đó, một số điều khoản được gắn liền theo thành công của đội bóng như tổng số trận thắng trong mùa giải, lọt được vào vòng Playoffs, tiến đến NBA Finals hay thậm chí là lên ngôi vô địch... cũng được tính đến. Đương nhiên khi đính kèm khoản thưởng này, đạt đủ số phút thi đấu sẽ là điều kiện tiên quyết.

Theo thông tin từ chuyên gia về giày Nick DePaula của ESPN, cầu thủ đôi khi sẽ được nhận tới 300.000 đôla từ hãng giày cho việc lọt vào đội hình All-Star, 250.000 đôla cho việc vô địch Slam Dunk Contest.

Ngoài ra, chỉ cần tham dự một số sự kiện ở ngày hội bóng rổ này cũng sẽ được thưởng 25.000 đến 50.000 đô vì gần như mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về họ (hay trong trường hợp này là giày và phụ kiện khi thi đấu của họ).

Aaron Gordon dự Slam Dunk Contest cùng mẫu giày mới toanh từ nhãn hàng Trung Quốc 361 Degrees

Những khoản thưởng có giá trị cao này là một phần lý do các cầu thủ tỏ ra không vui nếu bị "hụt" đội hình All-Star hoặc một số danh hiệu khác. Đặc biệt là với những cầu thủ lớn và nằm trong nhóm sao hạng A, khoản thưởng mà họ có thể nhận từ các hãng giày là lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, có thưởng thì sẽ có phạt. Các hợp đồng giày cũng được gắn kèm những phụ lục khiến số tiền cầu thủ nhận được bị giảm đi.

Ví dụ như ở đa số hợp đồng, số trận ra sân tối thiểu luôn được đưa ra nhằm đảm bảo độ phủ về mẫu giày hoặc phụ kiện xuất hiện trên ống kính máy quay và trước công chúng. Nếu cầu thủ không ra sân đủ số trận này (vì chấn thương, cấm thi đấu...), họ sẽ bị trừ tiền quảng cáo theo một định mức đã được thoả thuận từ trước.

Bên cạnh đó, Nick DePaula cũng hé lộ một chi tiết thú vị là khi thương thảo các điều khoản thưởng, một số cầu thủ có thể được cộng thêm 250.000 đôla nếu đạt đến chỉ số thống kê nhất định nào đó. Nhưng nếu VĐV này có thống kê thấp hơn mức cho phép, số tiền thưởng sẽ trở thành số tiền phạt, tương đương với việc trừ 250.000 đôla tổng mức thu nhập nhận được.

Thú vị hơn nữa, một số công ty còn áp dụng thêm các điều khoản dành riêng cho cầu thủ thi đấu ở thị trường nhỏ (các đội bóng có độ phổ biến không cao, thường gọi là small market). Vì độ phủ không cao hoặc tiềm năng kinh tế trong khu vực, các cầu thủ sẽ không có hợp đồng "xịn". Ngược lại, cầu thủ ở các thị trường lớn như Los Angeles, New York hay Boston... sẽ được thương thảo giá trị hợp đồng cao hơn.

Jayson Tatum với Kentavious Caldwell-Pope thi đấu cùng Air Jordan 34 và Nike Zoom Freak 1

Ở một số trường hợp "phũ phàng" hơn, các cầu thủ ở đội bóng lớn sau khi chuyển đến đội bóng nhỏ (do cầu thủ muốn hoặc bị trade), họ sẽ bị giảm thu nhập từ việc quảng bá thương hiệu.

"Tôi đã từng thấy vài thương hiệu giảm đến 20% giá trị hợp đồng vì cầu thủ bị chuyển xuống đội bóng small market", DePaula chia sẻ.

Một đại diện từ hãng giày giấu tên đã xác nhận điều này: "Đúng vậy, đó chắc chắn là một điều khoản tồn tại trong các hợp đồng chúng tôi ký với cầu thủ. Giá trị hợp đồng luôn có thể tăng lên hoặc giảm đi phụ thuộc vào nơi cầu thủ ấy thi đấu".

"Hãy nghĩ đơn giản thế này: Nếu cầu thủ được chơi ở những thị trường lớn và màu mở như New York, Los Angeles, Chicago hay Miami, thương hiệu sẽ được tăng độ phủ. Họ sẽ xuất hiện nhiều hơn trên sóng truyền hình quốc gia vì đội bóng mà họ thi đấu, nhờ đó thương hiệu sẽ xuất hiện nhiều hơn", đại diện này chia sẻ thêm.

Mặc dù vậy, tất cả những điều khoản này đều có thể thương thảo. Bản thân cầu thủ hoặc người đại diện của họ có thể bác các khoản trừ chỉ vì thi đấu ở đội bóng nhỏ nếu họ cảm thấy điều đó gây hại về mặt thu nhập.

Đây cũng là một phần lý do dẫn đến việc thương thảo kéo dài nhiều tháng trời và thậm chí là những cuộc "chia ly" bất ngờ của cầu thủ với một số thương hiệu lớn.

"Có rất nhiều điều bạn cần phải xem xét. Trên tư cách là một người đại diện, tôi phải bám sát cầu thủ và quá trình đàm phán để tính toán thêm về những điều khoản thưởng, phạt trong hợp đồng giày", một người đại diện cầu thủ NBA chia sẻ.

Giannis Antetokounmpo và Stephen Curry, cả hai cùng là những siêu sao nhưng Giannis lại là người thi đấu ở thị trường nhỏ Milwaukee, còn Curry là ngôi sao ở thị trường màu mỡ San Francisco

"Thường thì các hãng giày sẽ muốn đặt điều khoản trừ tiền vào hợp đồng như một hình thức 'bảo hiểm' cho họ mỗi khi cầu thủ gặp chấn thương. Đương nhiên nếu cầu thủ không ra sân, hãng giày sẽ rất ngại trong việc trả tiền.

Cũng phải kể thêm rằng trong hợp đồng luôn có một số điều khoản liên quan đến hành vi của các cầu thủ. Nếu họ làm điều gì đó vi phạm về mặt đạo đức, hợp đồng của cầu thủ với các thương hiệu sẽ bị đe doạ", người đại diện này lý giải thêm.

Những hợp đồng giày thường gắn liền với số tiền lớn. Nhưng với các hãng giày không thực sự phổ biến hoặc đang cố gắng vực dậy sau khi đã "gục ngã" trong lịch sử, họ có những cách riêng để cân đối các khoản tiền ký kết với cầu thủ để tránh rủi ro.

Thay vì cam kết một số tiền lớn ngay từ đầu, những hãng giày này sẽ chuyển chúng thành những khoản thưởng có điều kiện và giảm số tiền cam kết.

"Hiện nay, nhiều thương hiệu không muốn chi những số tiền khổng lồ để rồi khó kiểm soát về kết quả kinh doanh", lãnh đạo về marketing của hãng giày AND1 chia sẻ.

"Nếu chúng tôi ký một hợp đồng lớn với cầu thủ nào đó và rồi anh ấy chơi tệ cả mùa, chúng tôi đã tự bắn vào chân mình và cam kết trả một khoản tiền lớn cho một cầu thủ gây thất vọng. Những khoản thưởng có điều kiện sẽ an toàn hơn. Cầu thủ sẽ được nhận thêm thu nhập chỉ vì họ xứng đáng có được chúng. Đây là phương án mà chúng tôi coi là win-win ở cả đôi bên".

Nhưng ngay cả hợp đồng dạng này, cầu thủ vẫn có thể thương thảo về số tiền mà họ được cam kết. Trong khi hợp đồng thi đấu NBA khá minh bạch và công khai về giá trị, thật khó để biết rõ con số xoay quanh các hợp đồng giày bóng rổ hoặc quảng bá các mặt hàng khác.

Vậy làm sao một người đại diện có thể tìm ra con số thích hợp để đàm phán và đưa ra yêu sách cho thân chủ của mình?

Donovan Mitchell ký tăng đôi Adidas Pro Vision cho một fan nhí

"Không hề đơn giản", một người đại diện hàng đầu NBA chia sẻ. "Có lẽ đây cũng là lý do khâu thương thảo có thể bị kéo dài. Bạn sẽ cần phải nghiên cứu thị trường và tìm hiểu thông tin về các hợp đồng tương tự với những cầu thủ khác.

Cùng với đó, bạn cũng phải thương thảo với nhiều công ty cùng một lúc để xem xét về giá trị hợp đồng phù hợp. Ở một số thương hiệu, họ sẽ định giá cầu thủ của bạn. Từ đây, bạn sẽ có một hoặc nhiều con số và phải làm việc với chúng để tìm ra kết quả".

Một người đại diện nay đã nghỉ hưu chia sẻ thêm rằng ở một số trường hợp, cầu thủ thuộc công ty đại diện lớn sẽ "tự động được bôi trơn" trong quá trình đàm phán. Họ sẽ có trọng lượng hơn trong việc yêu cầu các điều khoản có lợi cho thân chủ nhưng quan trọng hơn cả, các công ty này đã nắm bắt thị trường khá tốt. Họ hiểu rõ giá trị và đã xác định được con số trước khi ngồi lên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, không phải người đại diện nào cũng nằm trong một công ty lớn và họ vẫn phải cố gắng hết sức để "đôn giá trị" cầu thủ mà họ đang làm việc. Điều này cũng không khó hiểu vì những người đại diện thường được chia hoa hồng trên các hợp đồng.

"Một số cầu thủ có lợi thế riêng như lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội hoặc có đời sống ngoài sân bóng thú vị, đó sẽ là những điểm mà người đại diện phải đưa vào bàn đàm phán để làm tăng giá trị cầu thủ, qua đó làm tăng giá trị hợp đồng quảng cáo", một người đại diện khác lý giải.

"Ngoài ra, một số lợi thế khác cũng rất giá trị như cầu thủ của bạn đang thi đấu ở một đội mà Nike chưa có cái tên nào thực sự ấn tượng, đó sẽ là lợi thế.

Một số cầu thủ khác có phong cách thời trang thú vị và thường xuyên ăn diện ở ngoài sân bóng như PJ Tucker hay Nick Young, người đại diện của họ sẽ phải biến điều này thành lợi thế và thương thảo với các hãng giày theo kiểu khác. Đó là sự khó khăn trong khâu thương thảo của người đại diện mà không phải ai cũng biết".

Shai Gilgeous-Alexander là cầu thủ được đánh giá có gu thời trang và những set quần áo pregame khá "chất"

Thêm vào giá trị hợp đồng và câu chuyện liên quan đến tiền bạc, người đại diện còn phải theo sát cầu thủ để thương thảo thêm về lượng vật phẩm được nhận miễn phí trong thời hạn hợp đồng.

Có cầu thủ sẽ yêu cầu thêm vật phẩm để làm từ thiện mỗi năm, người khác sẽ xin phụ kiện, giày và quần áo cho chương trình dạy bóng rổ mùa hè của họ.

Ngoài ra, một số điều khoản khác như số lần xuất hiện trong video quảng cáo, tham gia sự kiện quảng bá sản phẩm hoặc đi tour quảng bá thương hiệu ở nước ngoài... cũng là những phần mà hãng giày và các cầu thủ phải làm rõ. Đây là những điều không chỉ liên quan đến tiền bạc mà còn ảnh hưởng đế lịch trình hằng năm của các cầu thủ.

Một số buổi chụp ảnh hoặc quay quảng cáo cần được xếp lịch khớp với ngày thi đấu của cầu thủ ở một địa điểm nhất định nào đó. Với việc quảng bá thương hiệu ở nước ngoài, cầu thủ cần nắm rõ lịch di chuyển để tính toán thời gian tập luyện và chuẩn bị trong giai đoạn offseason.

Câu chuyện thương thảo và đi đến thoả thuận với rất nhiều điều khoản cho thấy việc đàm phán hợp đồng từ phía cầu thủ khá khó khăn. Vậy còn với các hãng giày, mọi chuyện sẽ ra sao nếu họ không nắm thế chủ động trong khâu thương thảo??

Ở kỳ sau, khía cạnh gia hạn hợp đồng và lôi kéo các cầu thủ từ phía các thương hiệu sẽ được nhắc đến.

Mời quý độc giả đón xem kỳ 3: Khi các hãng giày phải chạy theo các cầu thủ

Xem toàn bộ series về hợp đồng quảng bá giày bóng rổ dưới đây:

Kỳ 1: Ba loại hợp đồng và sự khác biệt về giá trị

Kỳ 2: Đàm phán và những điều khoản không phải ai cũng biết

Kỳ 3: Các hãng giày lôi kéo cầu thủ như thế nào?

Kỳ cuối: Những hiểu lầm thường thấy với "sneaker free agency"

Việt Long
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội