"Striking", "Grappling", "Takedown" trong MMA là gì và tại sao phải phân biệt chúng?

thứ tư 10-7-2019 11:00:00 +07:00 0 bình luận
Ra đời muộn và có tốc độ phát triển chóng mặt, MMA cũng tạo nên một sự phức tạp với người xem bởi những khái niệm mới mà nó mang lại.

Và series tới đây sẽ phân tích ý nghĩa sự tồn tại của các khái niệm này - để hiểu tại sao MMA lại trở thành môn thể thao thu hút tới như vậy.

MMA là khái niệm của một sàn đấu tổng hợp, nơi các môn võ được thể hiện hầu hết các kĩ thuật của mình. Đây được xem như đặc trưng nhất về môn thể thao này nếu đặt bên cạnh những môn võ hay thể thao đối kháng truyền thống trước đó. Tuy nhiên, chính sự tổng hợp này phát sinh một vấn đề: trận đấu sẽ diễn ra ở nhiều tình huống - và mỗi tình huống sẽ yêu cầu một "mảng" kĩ năng khác nhau.

“Striking”, “Grappling”, “Takedown” là gì?

Đấm, đá, vật, khóa, ... MMA đã phân chia các kĩ năng của mình ra 3 nhóm chính mà sau này được sử dụng phổ biến là "striking", "grappling" và "takedown". Và điều đầu tiên chính là cắt nghĩa các khái niệm trên trong những tình huống thực tế.

  • "Striking" : được ghi nhận là tất cả những kĩ thuật tạo ra chấn thương bằng va chạm trực tiếp giữa các võ sĩ. Bao gồm các đòn đánh cơ bản như đấm, đá, chỏ, gối, ... thường diễn ra ở tư thế đứng. Đại diện là các môn võ Muay, Boxing, Kickboxing, Karate, Taekwondo, ...

  • "Grappling" : các kĩ thuật nắm, bắt, khống chế, siết, khóa đối thủ khi 2 võ sĩ áp sáng, thường được ở tình huống nằm. Kĩ thuật grappling tồn tại phổ biến ở các môn võ vật khóa như Wrestling, Judo, BJJ, Sambo, ..

  • "Takedown" : các kĩ thuật quăng, ném, quật, quét/gài ngã đối thủ xuống sàn. Trong MMA, "takedown" được xem như kĩ thuật đưa trận đấu chuyển tư từ thế "đứng" sang tư thế "nằm".

Như đã đề cập, trong MMA, trận đấu có thể diễn ra ở cả 2 tình huống/tư thế đứng (stand-up) hoặc nằm (grounded) - đây cũng là đặc thù tạo nên sự đa dạng và phức tạp của MMA. Và việc xác định các tư thế này cũng được quy định trong Bộ luật MMA thống nhất (Unified MMA Rules) mà sẽ được phân tích chi tiết ở các bài viết sau.

Tại sao phải có sự phân chia này?

Như ta có thể thấy, "striking", "grappling" là sự tổng hợp định nghĩa của các môn võ sở hữu các tình huống tương tự, còn "takedown" - dù cùng xuất hiện qua các tư thế áp sát và tồn tại chung trong các môn võ vật nhưng lại được phân chia thành 2 khái niệm riêng.

Vậy tại sao lại tồn tại những yếu tố này?

Thứ nhất, do cùng tính chất - trong MMA, một võ sĩ có thể sở hữu nền tảng ở nhiều môn võ khác nhau. Thậm chí, họ có thể mang lối đánh của môn võ này nhưng vẫn có các kĩ năng sở trường nổi bật của môn võ khác. Chính vì thế, việc đánh giá theo “mảng” kĩ năng tổng quát sẽ không tạo ra sự xung đột về mặt chi tiết - và từ đó, nếu muốn đánh giá một võ sĩ, người xem cần tìm hiểu sâu hơn về lối đánh của họ xuất phát từ những nền tảng, điều tôi sẽ đề cập trong các bài sau của series.

VD: Một võ sĩ như Edson Barboza có kĩ năng của Taewondo với những cú đá xoay, lại vừa có khả năng tung các đòn phá trụ hay lên gối như Muay Thái – thì việc gọi anh ta là một võ sĩ Muay hay một võ sĩ Taekwondo sẽ rất phiến diện. Đơn thuần, họ gọi anh ta là một striker, hoặc một kicker giỏi.

Tương tự, Anderson Silva là một cao thủ Muay Thái, Taekwondo với những đòn đá và lên gối đặc trưng, nhưng huyền thoại người Brazil cũng sở hữu kĩ năng Boxing đặc trung thuộc hàng top của UFC. Vậy nên gọi anh ấy là một Boxer, Kickboxer hay đơn thuần là một "striker".

Edson Barboza sở hữu cả 2 thứ vũ khí nổi bật nhất của Taekwondo và Muay Thái: những đá vòng cầu sau (spinning back kick) và phang trụ (lowkick). Vậy, anh ta là một võ sĩ Taekwondo, một võ sĩ Muay Thái hay là một "striker" ???

VD: Với grappling, George St Pierre vốn nổi tiếng là một grappler giỏi, nhưng việc xác định tay đấm người Canada là một Wrestler hay một võ sĩ BJJ lại không hề chính xác. Bởi sự hiệu quả của anh đến từ việc kết hợp các kĩ năng sở trường của 2 môn võ trên.

Kĩ thuật của GSP là sự kết hợp hoàn hảo giữa Wrestling và BJJ - khó có thể nói tay đấm người Canada là một võ sĩ cụ thể từ môn võ nào.

Thứ hai, sự phân biệt “grappling” và “takedown”.

Cùng là các kĩ năng khi áp sát và khống chế, nhưng tại sao trong hệ thống đánh giá, “grappling" và "takedown" lại được chia thành 2 nhóm kĩ năng được đánh giá khác nhau?

Điều này có thể lí giải dựa trên sự tương đồng kĩ thuật về các môn võ thuộc nhóm đánh đứng (stand-up striking) và nhóm vật (grappling) - bởi trong một số môn võ đánh đứng, vẫn có các kĩ thuật đưa đối thủ xuống sàn như Tán Thủ (ôm bốc, quăng ném, ...), Muay Thái, Karate (quét ngã ...). Tuy nhiên, nếu trong các môn võ đánh đứng, đánh ngã đối thủ xuống sàn sẽ là thời điểm dừng trận đấu; thì với các môn võ vật - việc quật ngã chỉ là sự bắt đầu của một cuộc giao tranh mới trên mặt thảm - đây chính là tính chất kết nối quan trọng của "takedown" giữa các môn võ đánh đứng và đánh nằm.

"Takedown" tồn tại trong cả các môn võ đánh đứng và đánh nằm - đồng thời là sự chuyển giao tình huống trong một trận đấu MMA.

Bên cạnh đó, với sự đặc thù hiệu quả của các đòn vật: vừa cần kĩ năng khống chế tốt (điều kiện bắt đầu), vừa tạo được sát thương (mục đích cuối cùng) khi kéo đối thủ xuống sàn ... các kĩ thuật takedown đã được công nhận là một kĩ năng ăn điểm hiệu quả trong MMA. Ngoài ra, theo một bài viết trước đó, grappling là nền tảng để phát triển các lối đánh khác nhau, thì takedown lại chỉ là một kĩ thuật tấn công đơn thuần nhưng có sự đa dạng.

Với những đặc thù trên, khi vừa có tính khống chế của grappling, vừa có khả năng tấn công và tiêu hao sức lực như các đòn đánh striking, lại đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi tình huống của một trận đấu - "takedown" đã được tách ra thành một mảng kĩ năng được đánh giá riêng trong MMA.

KẾT

Bài viết đầu tiên trong series đã cắt nghĩa một cách đơn giản các khái niệm trong MMA cũng như lí do vì sao chúng được tổng hợp và chia tách ra như vậy. Tuy nhiên, với chỉ một bài viết ngắn thì không thể mô tả hết được các tình huống trong MMA. Vì vậy, để làm rõ hơn các vấn đề này, mời quý vị tiếp đến với phần 2 để lí giải được những pha áp sát - đặc trưng thứ 2 của MMA mang tên: “Clinch” và “Ground” – Hai tư thế kết nối quan trọng trong MMA.

Lâm Gia
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội