Tập luyện chuyên sâu: Làm ơn đừng "tập MMA"!
"Tập Boxing làm gì, tập MMA đi cho thực chiến", "tập BJJ làm gì, đi tập MMA đi kìa"... Đó là những lời nhận định của những người khi lần đầu nghe đến khái niệm MMA. Đối với họ, một môn có thể vừa đánh đứng, vừa đánh nằm, vừa có knockout, vừa có khóa siết dường như đã trở thành ông vua của võ thuật đối kháng.
Theo một khía cạnh nào đó, lý lẽ trên không hề sai, nhưng lời khuyên "đi tập MMA đi" lại là một lời khuyên rỗng tuếch và hoàn toàn vô giá trị. Đầu tiên, MMA không phải là một môn võ, nó là một thể thức thi đấu. Với định nghĩa đó, lẽ dĩ nhiên là bạn không thể học luật thi đấu để rồi đi đấu võ cho được.
Học MMA và những ảo tưởng
Khi đi tập MMA mà không hề có kỹ năng nền, võ sinh đã mắc phải sai lầm lớn nhất đó là họ không biết mình cần phát triển thế mạnh gì để chơi MMA. Việc thiếu hụt nền tảng dẫn đến tình trạng không có điểm mạnh để phát triển và lại có quá nhiều điểm yếu do sự thiếu sót trong kỹ năng. Một võ sĩ MMA hoàn thiện là một võ sĩ giỏi đánh đứng hơn grappling hoặc ngược lại.
Ngay cả khi gặp những võ sĩ nổi tiếng toàn diện như George St. Pierre, Jon Jones hay Khabib Nurmagomedov, họ vẫn luôn có một kỹ năng nền tảng nổi trội hơn và dùng nó làm chìa khóa chiến thuật. Điều này tương đồng với việc những võ sĩ MMA là những kẻ phối hợp bộ môn giỏi chứ không phải dạng "bậc thầy" của một bộ môn duy nhất. Và vì không đạt đẳng cấp "bậc thầy" của một bộ môn nào đó, họ không thể khai thác hết toàn bộ những tiềm năng mà môn võ đó mang lại.
Huyền thoại MMA Ben Askren là võ sĩ xuất sắc ở kỹ năng vật nhưng hầu như đấm đá rất tệ
Đối với những người thầy chưa đạt chuẩn "bậc thầy" họ sẽ không thể nhận ra được những lỗi sai nhỏ trong kỹ thuật. Điều này lại khiến cho những võ sinh mới không xây dựng được nền tảng tốt nhất khi tập luyện. Nói một cách dễ hiểu hơn, nếu bạn được học đấm từ một người thầy đạt 5 điểm môn đấm, học vật cũng từ một người thầy 7 điểm một vật, bạn sẽ không thể khai thác hết tiềm năng của bản thân.
Xây dựng nền tảng từ một môn võ đơn lẻ
Nếu vẫn mơ ước về việc thượng đài MMA, hãy chọn một môn võ bất kỳ, cố gắng tập luyện thật giỏi bộ môn đấy rồi hãy phát triển nó thành môn võ thuật nền tảng của riêng bạn. Khi Lyoto Machida đem Shotokan Karate vào võ đài MMA, mọi người đã ngờ vực về tài năng của huyền thoại này. Tuy nhiên, vì đã quá hiểu Karate cũng như đã quá thành thạo những kỹ thuật "nhất kích tất sát" của hệ phái Shotokan, Machida nhanh chóng trở thành huyền thoại của MMA thế giới.
Dù bước vào UFC với nền tảng khá lạ - Karate Shotokan, Lyoto Machida vẫn trở thành huyền thoại của MMA thế giới
Khi có một nền tảng vững chắc, bạn sẽ đạt được 2 lợi thế chủ yếu. Lợi thế đầu tiên là sở trường của bạn sẽ đủ giỏi để khỏa lấp được phần nào những yếu điểm. Có lẽ mọi người vẫn còn nhớ Khabib Nurmagomedov đã từng knockdown Conor McGregor như thế nào.
Trình độ striking của Khabib thành thực mà nói, anh chỉ tốt hơn phần lớn những wrestler thuần túy khác và đương nhiên là kém xa McGregor ở khoản đánh đấm. Tuy nhiên, khi đối đầu với Khabib, Conor rất sợ bị con quái vật Dagestan quật ngã. Sự sợ hãi này khiến cho Conor luôn phải thủ tay thấp để chừa đường mà sprawl cho mỗi lần Khabib shoot in. Tuy nhiên, cũng vì để tay thấp, Khabib chỉ cần feint một cú shoot in và rồi tung ra đòn tay sau hủy diệt khiến Conor McGregor choáng váng.
Lợi thế thứ hai chính là khi bạn đã hiểu rõ một môn võ, bạn sẽ biết rằng môn võ đó đem lại lợi thế nào và có những điểm yếu nào trong hệ thống kỹ thuật của nó. Nhờ đó, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những hệ thống kỹ thuật ngoài chuyên môn để đắp vào những thiếu sót hiện tại. Hãy thử theo dõi tình huống giả định bên dưới.
Bài toán cho võ sĩ X
Tình huống giả định: Một võ sĩ X gốc Boxing có footwork rất tốt, đòn tay lại nổi trội so với đối thủ và thậm chí anh có thể áp đảo đối thủ bằng combo trước khi đối thủ định tung cước. Tuy nhiên, anh không biết vật. Như vậy, chàng võ sĩ gốc Boxing đó sẽ chọn phong cách grappling như thế nào để có thể tiến bộ hơn nữa? Và nếu muốn trở thành một striker đáng sợ hơn thì anh phải học dùng chân như thế nào? Hãy xét theo những trường hợp sau
A. X là một võ sĩ có chiều cao tốt, có lối đánh tỉa giữ cự ly
Với lối đánh trên, võ sĩ X đương nhiên sẽ là một võ sĩ có cảm giác cự ly rất tốt. Nhưng vì chủ yếu đánh tỉa điểm mà ít giao tranh, cảm giác đòn ở trong những tình huống nhịp độ cao sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khiến anh không còn tỉnh táo mà ra đòn. Chúng ta vẫn thường thấy Dominick Cruz và Muhammad Ali trở nên lúng túng như thế nào nếu để bản thân bị cuốn vào nhịp độ tấn công dồn dập của đối thủ.
Lời giải cho võ sĩ này sẽ là kỹ thuật đạp gối hoặc các đòn đá giữ cự ly thay vì những đòn đá có tính sát phạt như phá trụ. Vì một đòn đạp gối sẽ giữ đối thủ ở đúng cự ly mình mong muốn trong khi đòn phá trụ mang tính sát phạt hơn.
Về kỹ năng vật, võ sĩ X cần làm quen với các tình huống bị đối phương shoot in và những tình huống bị đối thủ bắt phải chân đạp gối. Sau khi hoàn thiện những kỹ năng này, khi đó X mới cần lo đến chuyện cải thiện hoàn toàn kỹ năng các kỹ năng grappling để khóa siết hay wrestling để kiểm soát đối thủ.
B. X là một võ sĩ nặng đòn ở cự ly gần
Trong trường hợp này X lại là dạng Boxer sẵn sàng đôi công để KO đối thủ hoặc đè bẹp đối thủ dưới áp lực của anh. Thứ mà võ sĩ này không có chính là cảm giác ở tầm xa. Nếu nhịp độ trận đấu bị chậm, X sẽ không nhạy bén bằng đối thủ so với khi cả hai đang loạn đả.
Trong trường hợp này, các kỹ năng như ép lồng, clinch hay phá trụ sẽ là những kỹ năng cần thiết cho võ sĩ X duy trì được áp lực vốn có của anh. Riêng với đòn phá trụ, đây không phải là một đòn đánh giữ cự ly mà nó tấn công vào một vị trí hở của đối phương để mở ra một sơ hở khác.
Nếu X muốn mở rộng thêm ở mảng địa chiến, X sẽ cần tập trung nhiều hơn ở những kỹ thuật takedown dựa thành lồng thay vì những kỹ thuật shoot in từ xa. Bởi cảm giác đài của X ở cự ly xa đã không phải là thế mạnh của anh, vật lại càng không phải là kỹ thuật sở trường của X. Cho nên, nếu không được sở trường hỗ trợ, những pha takedown của X sẽ vô dụng.