Ngôi sao Avengers: Endgame ghét chạy bộ, khoa học nói gì?
Diễn viên Chris Hemsworth, người được biết đến với vai Thor trong Avengers: Endgame, là “celeb” mới nhất bày tỏ sự không hào hứng với môn chạy bộ. Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Men’s Health, “Thần sấm” khẳng định, chạy bộ thực sự là một trong những bài tập “nhàm chán” nhất. Thay vào đó, Chris thường dành phần lớn thời gian trong phòng gym với các bài tập Tabata.
Trước Chris Hemsworth, một số những nhân vật nổi tiếng khác từng không mặn mà với chạy bộ như Roger Federer hay Serena Williams. Đương nhiên, không nhất thiết phải chạy bộ để có cơ thể hoàn hảo như Chris, hay dẻo dai như Roger Federer và cô em nhà Williams. Thế nhưng, khoa học đã chứng minh, chạy bộ có thể mang tới những hiệu quả không ngờ dành cho những người ở độ tuổi từ 35 đến 40, đặc biệt là những diễn viên và VĐV đỉnh cao, đòi hỏi nền tảng thể lực sung mãn như 3 nhân vật kể trên.
#1. Khi bước sang tuổi 40, nhiều người sẽ lâm vào tình trạng tăng cân ngoài mong muốn. Chính việc tăng cân mất kiểm soát này là gốc rễ của các vấn đề như tiểu đường, béo phì và trầm cảm. Thâm chí, theo thống kê của Tổ chức Loãng xương Quốc tế (IOF), 1/3 số nữ giới từ 50 tuổi trở lên đều bị loãng xương.
Theo công trình nghiên cứu của Giáo sư Darren Warburton và các cộng sự, việc duy trì thói quen chạy bộ trong thời gian dài giúp cho cơ thể giảm tỷ lệ lớn nguy cơ mắc phải một số căn bệnh nguy hiểm. Cụ thể, một nhóm các đối tượng nam giới và nữ giới ở độ tuổi trung niên, có thể trạng tốt tham gia vào một cuộc thí nghiệm chạy trên máy treadmill, đốt cháy khoảng 1000 kcal/tuần. Kết quả cho thấy, tỷ lệ rủi ro mắc các bệnh gồm tim mạch (giảm 44%), tử vong (45%), tiểu đường (42%), ung thư (26-40%), loãng xương (35-40%).
#2. Chạy bộ cũng giúp cho vùng chân, đầu gối và lưng của runner khỏe hơn so với những người đồng trang lứa nhưng ít vận động. Điều này được khẳng định trong cuộc khảo sát “khủng” của nhóm tác giả Victori Stiles với 500.000 đối tượng ở độ tuổi từ 40 đến 69 trong khoảng thời gian từ 2006 – 2010 và 100.000 đối tượng trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2016, từng được đăng tải trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế vào năm 2017.
#3. Chạy bộ cũng giúp cho các nhóm cơ core trở nên dẻo dai và khỏe mạnh hơn. Core hay Core muscles là các nhóm cơ nằm sâu bên trong và thuộc vùng trung tâm của cơ thể (bao gồm toàn bộ thân mình, không kể đầu và tứ chi); không chỉ các nhóm nằm sâu xung quanh vùng bụng, mà kể cả các nhóm cơ thuộc khu vực khớp hông-xương chậu (Hip complex) cũng đều thuộc Core Muscles.
#4. Trong bản nghiên cứu của 2 nhà khoa học Christine Friedenreich và Marla Orenstein được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng (The Journal of Nutrition), chạy bộ chính là “vị thuốc tiên” giúp cho người cao tuổi có thể giảm thiểu rủi ro mắc các loại bệnh ung thư khác nhau. Cụ thể, việc chạy bộ thường xuyên sẽ làm giảm từ 30-40% với các bệnh ung thư vú, ung thư phổi và ung thư màng trong dạ non; 10-30% đối với ung thư tiền liệt tuyến, ung thư tinh hoàn và ung thư buồng trứng; tỷ lệ này sẽ lên tới 40-50% đối với ung thư ruột kết.
#5. Theo công trình khoa học của Trung tâm Y tế của ĐH Duke với 234 đối tượng trong độ tuổi từ 18 đến 70, chạy bộ và aerobics chính là các môn thể thao lý tưởng nhất để nâng cao chất lượng sức khỏe tim mạch.
#6. Nhà nghiên cứu Przemyslaw Babel chứng minh được rằng, chạy bộ còn giúp cho chúng ta quên đi nỗi đau về thể xác.
Tại giải chạy Cracovia Marathon 2012 ở Ba Lan, ông Przemyslaw đã có cuộc khảo sát với 69 runner (39 nam, 30 nữ) sau khi hoàn thành cuộc đua. Các runner sẽ trả lời một danh sách các câu hỏi liên quan tới sự căng thẳng, nỗi đau, chấn thương, các cảm xúc tiêu cực và tích cực mà họ đã trải qua trong suốt quãng đường chạy. Thang điểm cảm xúc cao nhất cho từng câu hỏi cảm xúc là 7. Khoảng 6 tháng sau đó, ông Przemyslaw liên lạc lại với 69 runner trên và hỏi lại họ về những câu hỏi trên, phần lớn các runner đều không còn đánh giá độ khó khăn và mệt mỏi chỉ ở mức 3,2/7, thay vì 5,5/7 như lúc họ trả lời ngay sau khi chạm vạch đích.