Tuyệt đối không bôi dầu nóng khi bị bong gân
+ Câu hỏi: Xin nhận được sự tư vấn của bác sỹ về các phương pháp phòng ngừa bong gân khi chơi bóng đá phong trào? Khi bị bong gân, tôi phải làm như thế nào để có thể tự điều trị ở nhà hiệu quả? (Độc giả Nguyễn Toàn Thắng, từ địa chỉ ThangToan482&…)
+ Bác sỹ Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình, Bệnh viện Thể thao Việt Nam:
Bong gân là chấn thương dây chằng (mô nối hai hoặc nhiều xương tại một khớp). Khi bong gân, một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc bị rách. Có thể thấy các triệu chứng thường thấy của bong gân gồm đau, sưng, tụ máu bầm, kèm theo các cơn đau, khớp không thể cử động và vận động, các cơn đau ngắn hoặc kéo dài, không di chuyển được.
Bong gân thường xuất phát từ các nguyên nhân như bước hụt, trẹo đầu gối, đi bộ sai cách, chạy quá nhanh, chống đỡ khi bị ngã, hay vận động sai tư thế, và dễ xảy ra nhất khi tập luyện, thi đấu thể thao.
Bong gân gồm 3 cấp độ. Bong gân nhẹ: Dây chằng bị giãn nhưng không rách hoặc đứt; Bong gân vừa: Một phần hoặc một chùm dây chằng bị rách; Bong gân nặng: Dây chằng của một khớp bị đứt.
Khi bị bong gân, nếu biết cách xử lý kịp thời thì vùng bị sưng đau sẽ mau hồi phục, ngược lại nếu xử lý không đúng, mọi việc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Tùy thuộc vào mức độ cụ thể và vùng bị thương, người bị bong gân có thể tự điều trị ở nhà bằng việc thực hiện kịp thời và đầy đủ các biện pháp:
+ Tạm ngưng mọi hoạt động.
+ Hạn chế và không được di chuyển.
+ Sử dụng nước đá để giữa hai lớp khăn và chườm nơi bị bong gân từ 2 đến 3 lần trong ngày.
+ Nằm nên gác chân lên cao hơn khoảng 10 cm so với tim, để cho máu lưu thông dễ dàng hơn và đồng thời giúp tan máu bầm.
+ Sử dụng băng thun để cố định khớp nơi bị thương.
+ Xoa bóp vùng đau do bong gân với dầu ngâm tỏi và quấn băng mềm.
+ Nghỉ ngơi vài ngày, nếu cần di chuyển nên dùng nạng
- Bổ sung kẽm, silicium, đồng trong vòng 2 - 3 tuần bằng các loại thực phẩm: Gan bê, hào, hạt bí, bột ca cao, mè, mực ống, rong biển, ngũ cốc, hành, tỏi.
+ Dùng nước hầm xương bò với rau củ, 2 lần mỗi ngày, trong khoảng một tuần.
Khi bị bong gân chúng ta cần tránh bôi dầu nóng, dán salonpas, bôi rượu thuốc… vì dầu nóng sẽ làm chỗ sưng chảy máu nhiều hơn, có thể khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm.
Bong gân hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả, nếu chúng ta có ý thức và thực hiện tốt một số nguyên tắc: Tránh mang giày gót cao khi đi trên mặt bằng gồ ghề; chọn giày phù hợp cho mỗi hoàn cảnh; thận trọng khi đi xuống dốc, cầu thang, nhất là với người già và trẻ nhỏ; khởi động làm nóng trước khi tập luyện thi đấu thể thao; thường xuyên vận động khớp để tăng sức bền bỉ và thích nghi với những động tác nhanh.
Quý độc giả và người yêu thể thao quan tâm có thể phản hồi và đặt câu hỏi về Tòa soạn, qua số điện thoại (04) 32669666 hay địa chỉ email: baothethao24h@sport24h.com.vn.
Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật, chọn lựa và xử lý để đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất các phản ánh, câu hỏi của quý độc giả.